Thành phố hai bên Sông Hồng: Đừng chỉ là "giấc mơ"

HUYỀN TRANG 15/08/2023 03:00

Dù rất quyết tâm nhưng nhiều năm qua Hà Nội vẫn chưa thể triển khai quy hoạch hai bên bờ sông Hồng, ngày về đích của Đề án vẫn chưa thể đoán định.

>>> Hà Nội đồng loạt triển khai quy hoạch 2 bên sông Hồng

Mới đây, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh - Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, cuối năm 2023 và năm 2024, Hà Nội sẽ đồng loạt triển khai đối với các quy hoạch 2 bên sông Hồng. Trong quá trình triển khai sẽ lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư.

uối năm 2023 và năm 2024, Hà Nội sẽ đồng loạt triển khai đối với các quy hoạch 2 bên sông Hồng.

Sau gần 30 năm, quy hoạch sông Hồng vẫn “trễ hẹn”, diện mạo một đô thị ven sông hiện đại vẫn đang là “giấc mơ”.  

Mấy chục năm nay, việc chậm triển khai quy hoạch khiến cuộc sống của người dân ngoài bãi Sông Hồng khu vực Lĩnh Lam, Thanh Trì, Hoàng Mai, Long Biên bị ảnh hưởng.

Lãng phí nguồn lực

Người dân khu vực ngoài bãi không được cấp phép, xây mới nhà cửa; việc thế chấp, vay vốn, chuyển nhượng cũng gặp rất nhiều khó khăn, tác động lớn đến đời sống dân sinh. Các nhà đầu tư không dám đầu tư, các công trình đều "án binh bất động”. Do không có quy hoạch hai bên sông Hồng nên nhiều nguồn lực bị lãng phí. 

Ông Dương Văn Hòa, Chủ tịch UBND phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai cho biết: “Bây giờ người dân xin cải tạo sửa chữa nhà cũng là vấn đề khó khăn với chúng tôi. Cho làm hay không cho làm? Cho làm đến mức độ nào. Nếu để bà con xây dựng không có phép là mình có lỗi, mà không để cho bà con làm thì áy náy...”. 

Không chỉ khó khăn trong công tác xây dựng nhà cửa mà việc không có quy hoạch còn lãng phí một nguồn lực đất tự nhiên, trù phú ngoài bãi đê. 

Những năm trước đây, khu sinh thái Đầm Trành nằm trên địa bàn phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội được trồng hàng chục nghìn cây hoa hồng và các loại hoa theo mùa với nhiều tiểu cảnh bắt mắt tạo nên một điểm hấp dẫn để chụp ảnh, vui chơi. Nhưng 3 năm trở lại đây, hoa hồng bị chặt bỏ, các mô hình chụp ảnh bị tháo dỡ, khu vực này dần lâm vào cảnh hoang phế. 

Thông tin tới báo chí, ông Hoà (chủ cơ sở tại Đầm Trành) cho biết, doanh nghiệp ký hợp đồng hàng năm với địa phương để phát triển du lịch sinh thái tại khu vực này, mỗi năm nộp thuế nông sản cho nhà nước khoảng 1,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đợt thanh kiểm tra vào năm 2017, chính quyền quận Long Biên, phường Thạch Bàn lập biên bản yêu cầu tháo dỡ một số hạng mục không đảm bảo thoát lũ.

“Thực hiện yêu cầu, chúng tôi đã thuê đơn vị thi công tháo dỡ sân bóng, nhà chòi và một số công trình phụ trợ. Nhưng khi hoàn thành tháo dỡ, chúng tôi vẫn không được ký tiếp hợp đồng”, ông Hoà bức xúc.  

>>> Nghiên cứu đề xuất của DĐDN về đồ án quy hoạch sông Hồng

Như vậy, từ năm 2019 đến nay đơn vị này không tiếp tục đóng thuế, nhìn đất đai hoang hóa nhưng cũng không thể làm gì vì chính quyền địa phương vẫn chưa có phương án cho khu đất này. “Chúng tôi chỉ mong muốn được đầu tư, phát triển theo đúng định hướng của lãnh đạo địa phương. Nhưng đến giờ này mọi thứ vẫn không có gì rõ ràng”, ông Hoà chia sẻ. 

Dọc hai bên bờ sông Hồng, nhất là qua địa bàn các quận, tình trạng bỏ hoang, lấn chiếm đất đai

Tình trạng lấn chiếm đất đai dọc hai bên bờ sông Hồng. ẢNH: LV

Dọc hai bên bờ sông Hồng, nhất là qua địa bàn các quận, tình trạng bỏ hoang, lấn chiếm đất đai; đổ trộm phế thải rác thải luôn “nóng”. Việc nhiều tổ chức, cá nhân “ôm” hàng chục ha đất được cho thuê trái thẩm quyền, sử dụng sai mục đích dọc bờ sông Hồng qua địa bàn Hà Nội gây bức xúc cho người dân nhiều năm qua.

Cần cơ chế đặc thù 

Ngày 31/3/2022, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 1045/QĐ UBND phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tuy nhiên đã hơn 1 năm trôi qua, quy hoạch này vẫn chưa được triển khai cụ thể. 

Ông Bùi Trí Đức, Phó Chủ tịch UBND phường Thạch Bàn (quận Long Biên) cho biết, rất mong quy hoạch sớm được triển khai. Bởi nếu triển khai được, các xã/phường ven sông nói riêng sẽ được hưởng lợi nhiều. Một số khu vực sẽ được cải tạo, kết hợp khai thác quỹ đất mới để tạo lập diện mạo hai bên sông Hồng, tạo không gian hài hoà phát triển.

Ông Đức cho biết cũng chưa nắm được tiến độ triển khai quy hoạch như thế nào. Trước mắt, UBND phường đang tổng hợp những vi phạm trên đất, thống kê, tập hợp các loại đất để báo cáo UBND quận. Trên cơ sở đó, UBND quận sẽ có phương án để tổ chức đấu thầu đúng quy định.

Đại diện Bộ NN&PTNT thông tin: Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 429 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 257 năm 2016 của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Quyết định 429 làm rõ nội dung quy định về quản lý, sử dụng bãi sông. Cho phép địa phương rà soát các khu dân cư hiện hữu để đưa vào quy hoạch tỉnh.

Theo vị này, những sửa đổi tại Quyết định 429 của Thủ tướng Chính phủ là tháo gỡ lớn, tạo điều kiện cho các địa phương phát triển khu vực bãi bồi ven sông Hồng, sông Thái Bình. “Đến thời điểm này đã có 7/15 tỉnh gửi đề xuất tăng tỷ lệ xây dựng tại bãi sông để mời gọi nhà đầu tư, phát triển kinh tế xã hội. Hiện, Bộ NN&PTNT đã giao cho Viện Quy hoạch thủy lợi để tính toán các đề xuất này”, đại diện Bộ NN&PTNT chia sẻ.

Lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, quy hoạch phát triển đô thị 2 bên sông Hồng có ý nghĩa đặc biệt đối với vị thế của Thủ đô trong tương lai và sự phát triển kinh tế văn hóa xã hội ở khu vực phía Đông của thành phố. Ngay sau khi quy hoạch phân khu sông Hồng được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, Sở đã có nhiều văn bản đốc thúc các quận, huyện nhanh chóng thực hiện việc rà soát dân cư, cắm mốc giới, thực hiện quy hoạch chi tiết 1/500.

"Một số quận, huyện đã rà soát xong và có một số đề xuất ban đầu. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất khi thực hiện các quy hoạch chi tiết là sông Hồng là sông của quốc gia, ảnh hưởng đến nhiều tỉnh thành chứ không phải của riêng Hà Nội. Mọi hoạt động liên quan đến bờ sông đều phải thông qua các bộ, ngành liên quan" - Lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội khẳng định

Có thể bạn quan tâm

  • Quy hoạch Nam Định trở thành cực phát triển quan trọng của vùng Nam đồng bằng sông Hồng

    Quy hoạch Nam Định trở thành cực phát triển quan trọng của vùng Nam đồng bằng sông Hồng

    01:39, 30/07/2023

  • Sớm triển khai thành phố hai bên sông Hồng

    Sớm triển khai thành phố hai bên sông Hồng

    01:00, 04/07/2023

  • Hải Dương sẽ là trung tâm động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng

    Hải Dương sẽ là trung tâm động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng

    01:30, 25/06/2023

  • Đưa Vùng Đồng bằng sông Hồng thành trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu cả nước

    Đưa Vùng Đồng bằng sông Hồng thành trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu cả nước

    04:04, 27/05/2023

  • Tạo cơ chế cho hệ sinh thái khởi nghiệp Vùng Đồng bằng sông Hồng

    Tạo cơ chế cho hệ sinh thái khởi nghiệp Vùng Đồng bằng sông Hồng

    11:22, 18/05/2023

  • Khai mở, kiến tạo những tiềm năng khu vực Đồng bằng Sông Hồng

    Khai mở, kiến tạo những tiềm năng khu vực Đồng bằng Sông Hồng

    15:10, 16/05/2023

HUYỀN TRANG