Nam Định chi hàng trăm nghìn tỷ đồng phát triển nhà ở
Chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn Nam Định định hướng đến năm 2030, là chương trình quan trọng thúc đẩy tăng trưởng về nhà ở, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo động lực phát triển CNH-HĐH.
>>>Nam Định: Hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ
Mới đây, tỉnh Nam Định ký Quyết định số 982/QĐ-UBND về việc phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Nam Định giai đoạn 2021 - 2030 với nguồn vốn thực hiện xây dựng nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 là 95.054 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2030 khoảng 210.237 tỷ đồng.
Theo Quyết định số 982 của UBND tỉnh Nam Định, việc phát triển nhà ở phải đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật về nhà ở; phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và quy hoạch xây dựng tỉnh đến năm 2030 để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về nhà ở và phát triển thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh.
Quan điểm của tỉnh đặt ra mục tiêu phát triển nhà ở là đáp ứng nhu cầu về xây mới và cải tạo nhà ở của người dân, đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn. Phát triển nhà ở có mức giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp và của các đối tượng thụ hưởng chính sách.
Phát triển thị trường bất động sản nhà ở bền vững, minh bạch dưới sự điều tiết, giám sát của Nhà nước, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; hạn chế tình trạng đầu cơ, lãng phí tài nguyên đất trong phát triển nhà ở. Dự báo nhu cầu nhà ở đô thị và nông thôn, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các khu, cụm công nghiệp làm cơ sở lập kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm của tỉnh.
Được biết, đến năm 2025 Nam Định phấn đấu diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 29,0m2 sàn/người trong đó: Tại khu vực đô thị đạt 33,9m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 26,36m2 sàn/người. Phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 10m2 sàn/người. Đến năm 2025 phấn đấu nâng chất lượng nhà ở kiên cố đạt 99,9% (trong đó khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 99,9%)
Đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh phấn đấu đạt khoảng 33,5m2 sàn/người, trong đó: Tại khu vực đô thị đạt 37,7m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 30,06m2 sàn/người. Chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 10m2 sàn/người. Đến năm 2030, chất lượng nhà ở kiên cố đạt 99,9% (trong đó khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 99,9%).
Theo đánh giá của Sở Xây dựng, việc phát triển nhà ở hiện tại trên địa bàn tỉnh còn thiếu tính định hướng. Nhà ở thương mại có xu hướng phát triển mạnh hơn trong khi nhà ở dành cho nhóm đối tượng chính sách xã hội và người thu nhập thấp lại chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến tình trạng thị trường bất động sản mất cân đối cung cầu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Ngoài ra, tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh còn thấp, chỉ đạt gần 20%.
Sức hút nhà ở đô thị còn thấp, chưa thu hút được các nhà đầu tư. Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ vẫn chưa đủ sức khuyến khích các chủ thể trong việc phát triển nhà ở xã hội, như các cơ chế ưu đãi về thuế, về đất đai, về các thủ tục đầu tư. Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm. Công tác phát triển nhà ở mới chậm do thiếu cơ sở, căn cứ pháp lý cho các cấp chính quyền điều hành công tác quản lý, phát triển nhà ở. Do đó, Chương trình phát triển nhà ở được thông qua sẽ tạo căn cứ pháp lý để ngành Xây dựng tập trung thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở bền vững.
Giai đoạn 2021-2030, phấn đấu chỉ tiêu về diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 32,5 m2/người (trong đó: đô thị là 35,7 m2/người; nông thôn 29,6 m2/người). Diện tích nhà ở tối thiểu 12m2 sàn/người. Tổng diện tích nhà ở tăng thêm 26.420.432m2 sàn, trong đó gồm nhà ở thương mại đạt 10 triệu m2 sàn; nhà ở công nhân, người lao động tại các KCN (274.080m2 sàn).
Trong đó nhà ở cho sinh viên (14.256m2 sàn); nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp (160 nghìn m2 sàn); nhà ở dân tự xây (15.972.096m2 sàn). Diện tích nhà ở hỗ trợ xây dựng mới cho các đối tượng theo chương trình mục tiêu gồm nhà ở cho người có công với cách mạng (129.440m2 sàn). Nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn (70.440m2 sàn). Tỷ lệ nhà ở kiên cố đạt 100%.
Theo Sở Xây dựng: Quỹ đất cần thiết để phát triển nhà ở trong giai đoạn 2021-2030 là 2.485ha. Đối với nhà ở thương mại, định hướng của tỉnh kêu gọi đầu tư phát triển các dự án nhà ở tại khu vực trung tâm các đô thị và phát triển nhà ở hỗn hợp cao tầng tại khu vực trung tâm Thành phố Nam Định.
Trước đó, UBND tỉnh ban hành tiêu chuẩn, quy chế quản lý đối với loại hình nhà trọ do dân tự xây. Giai đoạn 2018-2025, ưu tiên phát triển nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu nhà ở. Ngoài ra, tỉnh tập trung rà soát bố trí quỹ đất phát triển nhà ở theo dự án, bao gồm nhà ở thương mại và nhà ở xã hội. Tạo quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư, trong đó ưu tiên các dự án cơ sở hạ tầng, các công trình công ích, nhà ở xã hội tại các đô thị lớn trên địa bàn tỉnh: Thành phố Nam Định, Thị trấn Rạng Đông.
Thiết lập danh sách quỹ đất dự kiến giới thiệu địa điểm để thực hiện các dự án phát triển nhà ở và công bố công khai để kêu gọi đầu tư. Ngoài ra, về quy hoạch kiến trúc, tỉnh yêu cầu các địa phương tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng nhằm xác định rõ quỹ đất kêu gọi đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại mỗi địa phương.
Tập trung nguồn lực thực hiện các dự án phát triển hệ thống hạ tầng theo quy hoạch tại các đô thị lớn. Xây dựng và ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc làm cơ sở để quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng theo đơn vị hành chính.
Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý, quy hoạch, phát triển nhà ở trên địa bàn toàn tỉnh. Xây dựng cơ chế quy định cụ thể trách nhiệm của chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị trong việc bố trí quỹ đất 20% để thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phù hợp với quy định của Luật Nhà ở.
Có thể bạn quan tâm