Hải Dương: Minh bạch thông tin để nhà ở xã hội đến đúng đối tượng
Để nhà ở xã hội triển khai có hiệu quả trên thực tế rất cần sự phân cấp minh bạch trong đầu tư xây dựng, trong khâu xét duyệt các đối tượng và quản lý chặt chẽ nguồn cung.
>>>Hải Dương: Xem xét thu hồi gần 72 ha đất để thực hiện các dự án
Minh bạch thông tin
Chương trình nhà ở xã hội là một chủ trương đúng đắn của Nhà nước, phù hợp với nhu cầu của xã hội, và được đông đảo người dân ủng hộ đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình này trên thực tế vẫn còn một số vấn đề tồn tại, cần phải giải quyết dứt điểm để chủ trương đúng đắn của nhà nước đến đúng đối tượng được thụ hưởng.
Theo một số chuyên gia về xây dựng: Minh bạch thông tin các dự án, chính sách, đối tượng được mua sẽ giúp nhà ở xã hội đến đúng đối tượng. Việc thực hiện nghiêm túc chủ trương này rất cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý trong việc rà soát tiêu chuẩn cũng như danh sách các đối tượng thụ hưởng để bảo đảm một chủ trương có ý nghĩa xã hội này đáp ứng được nhu cầu của người dân, tránh được những hiện tượng tiêu cực đáng tiếc xảy ra.
Theo lãnh đạo tỉnh Hải Dương: Là địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp thu hút rất đông công nhân lao động từ khắp nơi trên cả nước đến làm việc, Hải Dương rất quan tâm phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có 4 dự án nhà ở xã hội hoàn thành đưa vào khai thác đều ở TP Hải Dương với quy mô 1.756 căn hộ. Đó là các dự án khu nhà ở xã hội Tuệ Tĩnh (thuộc khu đô thị mới Tuệ Tĩnh), khu dân cư phía đông Ngô Quyền, khu đô thị mới phía nam TP Hải Dương giai đoạn 1 và dự án nhà ở xã hội thuộc dự án khu nhà ở phường Nhị Châu.
Theo Sở Xây dựng, giai đoạn 2023-2030, Hải Dương sẽ xây dựng hơn 9.000 căn hộ cho công nhân, lao động, người có thu nhập thấp. Riêng giai đoạn 2023-2025, sẽ xây dựng gần 3.000 căn hộ và hơn 6.200 căn hộ trong giai đoạn 2026-2030.
Để nhà ở xã hội đến đúng đối tượng
Mới đây, theo khảo sát của các địa phương ở thời điểm hiện tại, Hải Dương có hơn 10.000 người có nhu cầu mua nhà ở xã hội. Con số này có thể tăng lên trong thời gian tới khi số doanh nghiệp, khu công nghiệp thành lập mới tăng, thu hút thêm nhiều công nhân, lao động, kéo theo nhu cầu mua nhà ở tăng lên. 4 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thiện kể trên mới đáp ứng hơn 10% nhu cầu của người dân hiện nay.
Theo chị Nguyễn Lan Hương, công nhân tại KCN Lai Vu cho biết: Chị cũng như nhiều công nhân lao động đều có nhu cầu được mua nhà ở xã hội, để sớm thoát khỏi tình cảnh tạm bợ trong những khu nhà trọ nghèo hay những mái nhà đã tồi tàn, xuống cấp. Tuy nhiên, để giấc mơ “an cư lập nghiệp” này thành hiện thực thì cũng là một bài toán khó. Bởi vì trong khâu xét duyệt các đối tượng không phải người lao động nào cũng đủ điều kiện để mua.
Theo lãnh đạo tỉnh Hải Dương: Việc triển khai xây nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh là rất cấp thiết. UBND tỉnh đã ban hành Đề án phát triển nhà ở xã hội tỉnh Hải Dương giai đoạn 2023-2030. UBND tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh hoàn thành xây dựng gần 16.000 căn nhà ở xã hội cho đối tượng chính sách, người có thu nhập thấp, công nhân, lao động.
Mới đây, dự án nhà ở xã hội tại khu đô thị phía nam TP Hải Dương với 4 tòa nhà chung cư cao 8 tầng gồm 336 căn hộ đã được khởi công, dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng vào cuối năm 2024. Đây cũng là công trình nhà ở xã hội đầu tiên trong Đề án phát triển nhà ở xã hội tỉnh Hải Dương giai đoạn 2023-2030.
Các dự án nhà ở xã hội đưa vào sử dụng giúp nhiều đối tượng chính sách, người thu nhập thấp, công nhân, lao động mua được nhà ở giá rẻ, cuộc sống của họ ổn định hơn. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện tình trạng người có điều kiện kinh tế khá giả nhưng bằng cách nào đó vẫn mua được nhà ở xã hội. Tình trạng người giàu ở biệt thự sang trọng nhưng vẫn có nhà ở xã hội để cho thuê, người đi ô tô ở nhà xã hội không phải hiếm. Trong khi đó, nhiều người đủ điều kiện và có nhu cầu mua nhà ở xã hội nhưng không tiếp cận được.
Các quy định về đối tượng được mua nhà ở xã hội hiện nay còn nhiều kẽ hở. Đối tượng được mua nhà ở xã hội phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân còn nhiều bất cập.
Nhiều người có người thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoài nhiều hơn nguồn thu từ công việc chính thức nên rất khó quản lý thu nhập. Có trường hợp mượn tên người đủ điều kiện đứng tên mua hộ nhà ở xã hội. Quy định không được bán lại nhà ở xã hội trong thời gian tối thiểu 5 năm cũng tồn tại nhiều hạn chế. Một số người khi chuyển nhượng nhà ở xã hội nhưng chỉ viết giấy tay, không làm thủ tục chuyển nhượng qua cơ quan chức năng nên rất khó phát hiện.
Để nhà ở xã hội đến được đúng đối tượng, các cơ quan chức năng cần công khai, minh bạch các dự án được triển khai xây dựng và mở bán dành cho công nhân lao động, người có thu nhập thấp nằm trong danh sách thuộc đối tượng mua nhà ở xã hội.
Việc lập danh sách và thẩm định danh sách các đối tượng thụ hưởng cần phải chặt chẽ, minh bạch. Niêm yết danh sách đối tượng thụ hưởng công khai để người dân giám sát. Khuyến khích người dân tố cáo các hành vi gian dối trong kê khai, đăng ký mua bán nhà ở xã hội. Kiên quyết chấm dứt hợp đồng mua bán, thu hồi những căn hộ nhà ở xã hội không đúng đối tượng. Xử lý nghiêm các hành vi trục lợi, mua bán không đúng đối tượng nhà ở xã hội.
Có thể bạn quan tâm