Giao dịch bất động sản phải qua ngân hàng
Đây là điểm mới tại Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vừa được thông qua, nhằm bảo đảm kiểm soát dòng tiền giao dịch bất động sản của chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
>>Luật Đất đai sửa đổi chưa thông qua, tác động thế nào đến thị trường địa ốc?
Thông tin trước khi bỏ phiếu, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi.
Trong đó, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị quy định bắt buộc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch bất động sản để bảo đảm thực hiện mục tiêu phòng, chống tham nhũng.
Nội dung này đã được tiếp thu, luật đã quy định "chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhận tiền thanh toán theo hợp đồng kinh doanh bất động sản, hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản từ khách hàng thông qua tài khoản ngân hàng. Bảo đảm kiểm soát dòng tiền giao dịch bất động sản của chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản".
Bên cạnh đó, đối với trường hợp cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ, tổ chức, cá nhân bán nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng không nhằm mục đích kinh doanh... thì không cần thiết bắt buộc thanh toán qua ngân hàng, tránh can thiệp sâu vào các giao dịch dân sự.
Trên thực tế, Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014, hiện không bắt buộc việc mua bán, chuyển nhượng bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng, tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cho thấy đây là kẽ hở xuất hiện tình trạng trốn thuế, phát sinh tiêu cực và tham nhũng trong giao dịch.
>>Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được thông qua: Căn hộ chung cư mini được cấp sổ hồng
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia kinh tế, hiện nay tiền mặt đang được giao dịch tự do khiến cho việc mua bán bất động sản không được kiểm soát. Hơn nữa, nhiều người có thể sử dụng tiền mặt từ các nguồn không rõ để đi mua bất động sản, bao gồm cả tiền hợp pháp và phi pháp.
Dựa trên kinh nghiệm hoạt động tài chính tại Mỹ, ông Hiếu cho rằng việc yêu cầu giao dịch mua bán bất động sản phải chuyển qua ngân hàng sẽ giúp cơ quan an ninh tiền tệ truy xuất rõ nguồn gốc và dòng tiền, phát hiện các giao dịch bất thường, đồng thời các cơ quan ngân hàng yêu cầu khai báo nguồn gốc khi chuyển tiền vào hệ thống ngân hàng.
Vị chuyên gia nhận định rằng, quy định này mặc dù có thể làm chậm lại hoạt động kinh doanh bất động sản, nhưng là chi phí xã hội cho một nền kinh tế trong sạch.
Đồng quan điểm, các chuyên gia cũng cho rằng dữ liệu thanh toán qua ngân hàng sẽ là một tài liệu quan trọng để xác định trách nhiệm và nghĩa vụ các bên liên quan khi có tranh chấp, chuyển nhượng quyền sử dụng đất xảy ra. Đặc biệt, việc quy định thanh toán qua ngân hàng còn góp phần chống thất thu thuế một cách hiệu quả khi giá trị giao dịch bất động sản lớn.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cũng cho rằng nước ta đã tham gia Công ước của Liên Hiệp quốc về phòng, chống rửa tiền và để thực hiện Luật Phòng, chống rửa tiền 2012; Chính phủ đã ban hành Nghị định 116/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng chống rửa tiền nên việc quy định thanh toán trong giao dịch kinh doanh bất động sản phải qua ngân hàng là rất cần thiết.
Nhằm tăng tính minh bạch của thị trường bất động sản, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, chống thất thu ngân sách nhà nước và góp phần phòng, chống rửa tiền, HoREA cho rằng nội dung này cần được hướng dẫn thi hành tại Nghị định 02/2022 với quy định việc thanh toán trong giao dịch kinh doanh bất động sản phải qua ngân hàng.
Có thể bạn quan tâm
Quản lý giá, giao dịch qua ngân hàng để "hạ sốt" bất động sản
05:00, 06/05/2022
Thực hiện giao dịch nhà đất phải thông qua ngân hàng
04:00, 04/10/2022
Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)
09:14, 28/11/2023
Sửa Luật Kinh doanh BĐS: Cần quy định thống nhất tỉ lệ đặt cọc
03:00, 04/11/2023