Eximbank “lột xác”
Lần đầu tiên có lợi nhuận trở lại sau nhiều năm thua lỗ, áp lực tái cơ cấu của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE: EIB) đã “dễ chịu” hơn, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước.
Một số kết quả kinh doanh năm 2017 ước ban đầu khá tích cực của Eximbank, cộng với những thông tin tích cực của thị trường chứng khoán nói chung và ngành ngân hàng nói riêng, đã giúp cổ đông Eximbank tự tin hơn với hướng phát triển của ngân hàng.
Kết thúc thời kỳ đen tối
Ông Lê Văn Quyết, Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Eximbank cho biết năm 2017 ngân hàng đã đạt tăng trưởng tín dụng khoảng 16-17%, tổng tài sản tăng trưởng 15,5%, huy động tăng trưởng 15,6% và dư nợ cho vay tăng trưởng 16,6% so với năm 2016, bằng mức bình quân chung của các ngân hàng thương mại trên thị trường. “Đây là kết quả đáng mừng, bởi vấn đề không nằm ở các chỉ tiêu tăng trưởng mà là một sự đổi mới và kết thúc những vấn đề đã kéo dài khá lâu khoảng 4-5 năm tại ngân hàng với những vấn đề về hoạt động kinh doanh và xáo trộn cổ đông sở hữu.
1.118 tỷ đồng là lợi nhuận hợp nhất trước thuế dự kiến của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam trong năm 2017.
“Đây là lần đầu tiên sau 5-6 năm, Eximbank có kết quả kinh doanh khá tốt, mặc dù chúng tôi chưa có số liệu chính thức, nhưng kết quả kinh doanh hợp nhất 2017 của Eximbank ước đạt 1.117-1.118 tỷ đồng. Con số này có thể thay đổi chút ít sau kiểm toán và khá khiêm tốn so với tình hình chung của năm nay” - ông Quyết nói.
Cũng theo Tổng Giám đốc Eximbank, bước hoạt động khác của Eximbank 2017, sau rất nhiều lần thanh, kiểm tra về hoạt động và thay đổi cơ cấu, ngân hàng đã được đặt trước nhiều chỉ tiêu liên quan đến an toàn hoạt động, thanh khoản, an toàn vốn…và đến cuối năm đều đã đạt được như kế hoạch. Cấu trúc về tài sản, về hoạt động của Eximbank hiện đã đảm bảo đúng quy định và các chuẩn mực an toàn theo yêu cầu chung của cơ quan quản lý. Eximbank cũng đã đảm bảo nền tảng cho hoạt động của Eximbank trong năm 2018.
Kỳ vọng của cổ đông đối tác
Một số liệu khá tích cực đáng lưu ý ở Eximbank, là ngân hàng đã xử lý được các vấn đề liên quan đến khối nợ xấu, với hơn 1.000 tỷ đồng nợ xấu được bán cho VAMC. Ngoài ra, Eximbank cũng đã tự xử lý nợ xấu hơn 250 tỷ đồng, và đưa tỷ lệ này về dưới mức 2,23% so với mức 2,95% (tiệm cận mức 3%) ở đầu năm 2017, đạt yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Tháo điểm nghẽn nợ xấu bước đầu, Eximbank sẽ có cơ hội cải thiện sức khỏe và hiệu suất hoạt động trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, ngân hàng hiện đã có một bước đi lớn trong thoái vốn và thoát dần khỏi các mối sở hữu chéo. Cụ thể, Eximbank đã đăng ký bán ra cổ phiếu STB của NHTMCP Sài Gòn Thương Tín.
Theo ông Lê Văn Quyết, tính đến trung tuần tháng 1/2018, Eximbank chỉ còn nắm khoảng 50 triệu cổ phần STB. Điều đó đồng nghĩa, khoản lợi nhuận đầu tư tài chính từ thoái vốn STB có thể được ghi nhận nhiều hơn con số nêu trên. Ông Quyết cũng cho biết kế hoạch thoái sạch 50 triệu STB còn lại sẽ được thực thi ngay trong tháng 1/2018.
Ông Lê Minh Quốc - Chủ tịch HĐQT Eximbank cho biết ngân hàng dự kiến để dành lợi nhuận để tái đầu tư cho hoạt động kinh doanh. “Chúng tôi dự kiến không trình chia cổ tức, dồn mọi nguồn lực cho các mục tiêu kế tiếp theo định hướng của New Eximbank. Ngân hàng cũng không dự kiến phát hành cổ phiếu tăng vốn, do vốn điều lệ/tổng tài sản của Eximbank hiện khá lớn, các chỉ tiêu như hệ số đảm bảo an toàn vốn đang khá cao. Trong trường hợp cần thêm nguồn lực, nếu được Ngân hàng Nhà nước cho phép, cổ đông nước ngoài (Sumitomi Mitsui- ngân hàng Nhật, PV) sẵn sàng nâng tỷ lệ sở hữu tại Eximbank” - ông Quốc cho biết.
Nỗ lực thoát khỏi kiểm soát đặc biệt Mặc dù hoạt động kinh doanh của Eximbank đã bắt đầu khởi sắc, nhưng ngân hàng này vẫn còn khá nhiều khó khăn và thách thức cần vượt qua trong thời gian tới, cụ thể: Thứ nhất, cải thiện khả năng sinh lời thông qua việc tập trung xử lý nợ xấu và những tài sản tồn đọng không sinh lời quy mô lớn. Thứ hai, tập trung đẩy nhanh tốc độ tăng tổng tài sản thông qua việc triển khai mở rộng mạng lưới hoạt động tại những địa phương có nhiều tiềm năng phát triển để mở rộng cơ sở khách hàng, từng bước thu hẹp khoảng cách thị phần với các đổi thủ cạnh tranh. Thứ ba, triển khai đồng bộ dự án New Eximbank ở mọi cấp để nâng cao chất lượng quản trị, điều hành, hiệu quả hoạt động và năng suất lao động trong toàn hệ thống. Thứ tư, để đưa cổ phiếu EIB ra khỏi diện kiểm soát đặc biệt trên thị trường, các nhà quản trị ngân hàng cần sớm hoàn tất báo cáo tài chính quý IV/2017 và báo cáo tài chính niên độ 2017 có kiểm toán. Cơ sở của các số liệu chính xác sau kiểm toán sẽ giúp Eximbank thực sự khẳng định bước tiến của mình trên thị trường. Hiện Eximbank cũng đã có Nghị quyết chốt danh sách cổ đông và đề cử bầu bổ sung nhân sự HĐQT mới. Đây có lẽ là ngân hàng nổ “phát pháo sớm” cho mùa Đại hội cổ đông năm 2018, và các cổ đông nhỏ lẻ của Eximbank đang hy vọng Đại hội sẽ không có quá nhiều biến động ngoài dự kiến, như những năm trước đây. |