Nhận định của Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam về CPTPP
Ông Phạm Hồng Hải - Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết, về nội dung, CPTPP không chỉ bao gồm thương mại mà còn đầu tư, sở hữu trí tuệ và nhiều bộ nguyên tắc khác, do đó đây là hiệp định rất toàn diện, tiến bộ hơn những hiệp định trước đó.
Rạng sáng ngày 9/3 (theo giờ Việt Nam), 11 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Santiago, Chile, đánh dấu thành quả của những nỗ lực vô cùng to lớn của 11 nước quanh vùng Thái Bình Dương.
Nhân sự kiện lớn này, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, ông Phạm Hồng Hải cho biết: "Tôi thực sự đánh giá cao sự kiên định của các thành viên Hiệp định trong việc tiếp tục đối thoại để đạt được những thỏa thuận cần thiết tiến tới ký kết Hiệp định khi đối tác được coi là lớn nhất là Mỹ tuyên bố rút lui khỏi TPP vào tháng 1 năm 2017".
Về cơ bản, CPTPP vẫn giữ nguyên nội dung so với phiên bản gốc với 8.000 trang và chỉ tạm hoãn thực thi 22 điều khoản chủ yếu liên quan tới sở hữu trí tuệ nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa 11 nước thành viên. Theo ông Hải, về nội dung, CPTPP không chỉ bao gồm thương mại mà còn đầu tư, sở hữu trí tuệ và nhiều bộ nguyên tắc khác, do đó đây là hiệp định rất toàn diện, tiến bộ hơn những hiệp định trước đó. "Đối với tôi, việc CPTPP được ký kết mang một ý nghĩa rất lớn đối với phát triển kinh tế toàn cầu trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang có chiều hướng lan rộng" - ông Hải chia sẻ.
Trước đó, đã có nhiều nhận định về việc thiếu sự góp mặt của Mỹ, Việt Nam sẽ mất đi rất nhiều lợi ích so với TPP, ông Hải cũng đồng quan điểm, "lợi ích của Việt Nam có thể ít đi so với TPP trước đó, ví dụ GDP chỉ tăng thêm 1,32% thay vì 6,7%, xuất khẩu tăng thêm 4% thay vì 15%".
Tuy chịu tác động nhưng nhìn chung, các ngành như dệt may, da giày và sử dụng nhiều lao động của Việt Nam vẫn được lợi. "Việt Nam sẽ tận dụng được lợi thế giao thương với các nước thành viên hiệp định, nhất là các thị trường như Canada hay Mexico và trong bối cảnh một số nước đang thể hiện mong muốn tham gia như Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, và Philippines, dự kiến nâng lợi ích các bên tham gia lên 3 lần, tương đương 500 tỷ đô la Mỹ một năm" - vị Tổng giám đốc này chia sẻ.
"Là một ngân hàng toàn cầu hoạt động tại 3.900 văn phòng trên 67 quốc gia và vùng lãnh thổ, HSBC tiếp cận tới 90% dòng thương mại toàn cầu, xử lý hơn 1 triệu đô la Mỹ doanh thu thương mại mỗi phút, chúng tôi chào đón những cơ hội đến cùng với CPTPP" - ông nói. Với việc có mặt tại 9 trong số 11 quốc gia thành viên của CPTPP (và tại 5 quốc gia đang ngỏ ý tham gia CPTPP) HSBC cam kết luôn sát cánh cùng khách hàng tại Việt Nam, hỗ trợ họ kết nối với các đối tác tiềm năng tại các thị trường thành viên Hiệp định, cung cấp các giải pháp tài chính góp phần đưa các khách hàng cá nhân và công ty thực hiện và tối ưu hóa những tiềm năng của mình.