MB và chiến lược đường dài
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán 2017. Nằm trong Top 3 các ngân hàng TMCP có lợi nhuận cao nhất, MB đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh 2017 được Đại hội đồng cổ đông giao phó.
Năm 2017 được xem là một năm thắng lớn của ngành ngân hàng nói chung và MB nói riêng.
Nhanh, nhưng phải bền vững
Báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy, đến hết năm 2017, dư nợ cho vay khách hàng đạt 184.188 tỷ đồng, tăng 22% so với 2016, mức tăng trưởng đứng thứ 02 so với các ngân hàng đồng hạng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát chặt chẽ ở mức 1,2%. Đồng thời, MB là một trong 3 ngân hàng tiên phong hoàn thành việc xử lý toàn bộ trái phiếu VAMC trước hạn. Điều này cho thấy, việc vừa đảm bảo kết quả kinh doanh tốt, vừa đảm bảo xử lý nợ để nâng cao chất lượng tài sản, minh bạch hoạt động sẽ giúp ngân hàng thêm vững vàng tập trung toàn bộ nguồn lực cho việc phát triển kinh doanh trong thời gian tới.
Hơn nữa, theo ông Lưu Trung Thái – Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc MB, dù VPBank và Techcombank vượt MB là những ngân hàng có lợi nhuận (hợp nhất) cao nhất trên thị trường nhưng nếu xét ở chỉ số lợi nhuận của riêng ngân hàng thì MB vẫn đang duy trì phong độ Top đầu. Tuy vậy, ông Thái cũng thừa nhận sự vươn lên của VPBank và Techcombank đúng là rất… đáng nể. Như ông Thái phân tích, nếu nhìn vào cả một giai đoạn 5 năm - 10 năm thì sẽ thấy MB vẫn có tổng lợi nhuận tốt hơn. MB có lợi nhuận tăng trưởng đều, cũng như lợi ích cổ đông được đảm bảo đều đặn qua các năm.
Điểm sáng trong hoạt động kinh doanh năm 2017 là việc tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của ngân hàng đã tăng ấn tượng (đứng thứ 02 thị trường) từ 3,2% ( năm 2016) lên mức 3,8% (năm 2017) nhờ chi phí giá vốn tốt, hoạt động cho vay được mở rộng sang các mảng tiêu dùng, bán lẻ, nên mặc dù cho vay khách hàng chỉ tăng trưởng 22% song lãi thuần lại tăng mạnh gấp gần hai lần.
Chi phí hoạt động cũng được quản trị hiệu quả (hệ số CIR của riêng ngân hàng giảm xuống mức 36,7% so với mức 40,4% năm 2016); chỉ số ROA, ROE đạt tương ứng ở mức 1,22% và 12,4% (chỉ số riêng ngân hàng đạt tương ứng 1,5% và 16,1%).
Kết thúc năm 2017, MB đã hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 18.155 tỷ đồng, đồng thời ổn định cơ cấu cổ đông. Trên thị trường chứng khoán, giá trị cổ phiếu MBB tăng 100% trong năm 2017 đạt mức cao nhất kể từ khi niêm yết tháng 11/2011, và tiếp tục giữ đà tăng trong đầu năm 2018.
Đáng nói, năm 2017, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã nâng xếp hạng nhà phát hành nợ dài hạn (IDR dài hạn) của MB từ mức B lên B+ với triển vọng ổn định; nâng xếp hạng sức mạnh độc lập (VR) từ B lên B+. Tỷ lệ vốn cấp 1 thuộc top các ngân hàng cao nhất trong số các ngân hàng Việt được khảo sát.
Tín dụng vẫn là trọng tâm
Chia sẻ về hướng đi trong năm 2018, CEO của MB cho biết ngân hàng vẫn chọn tín dụng là trọng tâm, mảng dịch vụ dự kiến chỉ chiếm khoảng 21 – 22% tỷ trọng trong tổng doanh thu, so với khoảng 19% trong năm 2017. Ngân hàng vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục tăng NIM trong năm 2018, khi mảng tài chính tiêu dùng phát triển mạnh hơn thông qua công ty tài chính tiêu dùng MCredit, dự kiến NIM của MB hợp nhất trong năm 2018 sẽ tiếp tục xu hướng tăng.
Ông Thái cũng khẳng định “2018 MB đặt mục tiêu đạt 6.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 47% so với năm 2017. Nếu như năm ngoái ROE của MB khoảng 12,6% thì năm nay có thể lên 16,8%”.
Trong triển vọng đó, bên cạnh tính khả thi và tin cậy cao của các chỉ tiêu kinh doanh, Tổng giám đốc MB cũng nhấn mạnh rằng, trong 2018 hoạt động của ngân hàng vẫn “tuân thủ” đúng mục tiêu - an toàn, chắc chắn và đây mới là điều quan trọng để nắm chắc những kết quả đạt được.