Tiếp tục ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp
Những năm qua, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được ngành ngân hàng đẩy mạnh triển khai, nhưng kết quả đạt được vẫn còn hạn chế.
Tính đến ngày 30/06/2017, dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đã đạt hơn 1,188 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 47% so với thời điểm bắt đầu triển khai Nghị định 55/2015/NĐ-CP và tăng 13,7% so với cuối năm 2016, chiếm tỷ trọng 19,8% trong tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế.
Vướng mắc tiếp cận tín dụng nông nghiệp
Mặc dù đã có những kết quả nhất định, góp phần quan trọng vào phát triển nông nghiệp, nhưng nông dân và doanh nghiệp vẫn loay hoay tiếp cận nguồn vốn này. Sở dĩ như vậy là do sản xuất nông nghiệp luôn chứa đựng nhiều rủi ro, như thiên tai, dịch bệnh và hiện nay đang chịu nhiều tác động bất lợi của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, thị trường sản phẩm không ổn định, hoạt động bảo hiểm nông nghiệp chưa được triển khai rộng rãi; sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn dựa trên nền tảng kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, năng lực sản xuất, khả năng tài chính hạn chế cũng là yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các hộ nông dân, HTX và doanh nghiệp…
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng khó tiếp cận nguồn vốn vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao do vốn đầu tư cho dự án lớn, nhưng hầu hết sản phẩm tiêu thụ chưa ổn định. Hiện các công trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: nhà kính, nhà lưới… chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc làm thủ tục đăng ký giao dịch, bảo đảm thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng.
Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc CTCP Ba Huân cho biết, ngành nông nghiệp vẫn còn rất nhiều khó khăn trong đầu ra. Dù được vay vốn ưu đãi từ ngành ngân hàng nhưng chính Ba Huân cũng gặp rất nhiều khó khăn khi tìm đầu ra cho sản phẩm. Mặc dù đã có nhiều gói tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp nông thôn, nhưng doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo, không có đầu ra cho sản phẩm ổn định cũng rất khó tiếp cận với nguồn vồn ngân hàng, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Cho vay không cần tài sản đảm bảo
Trước những khó khăn, vướng mắc trên, mới đây NHNN đã xây dựng và tổ chức lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân về Dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng tiếp tục xác định nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên và tập trung nguồn vốn tín dụng để cho vay…
Điều đáng lưu ý, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 55/2015/NĐ-CP có tính đến các chương trình tín dụng đặc thù cho một số lĩnh vực và sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp, trong đó xem xét cho vay khu vực này không cần tài sản đảm bảo nhằm tạo động lực cho các doanh nghiệp ngành nông nghiệp nông thôn phát triển.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng- Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế NHNN, sau 2 năm thực hiện Nghị định 55/CP đã có một số nội dung bất cập với yêu cầu hiện tại và chưa phù hợp với một số chính sách mới của Chính phủ gần đây. Vì vậy, NHNN đã phối hợp các Bộ, ngành sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị định 55 cho phù hợp, trong đó chú trọng bổ sung một số quy định tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cho vay liên kết theo chuỗi giá trị, góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, xây dựng và phát triển nông thôn mới…
Ông Nguyễn Hải Đông-Giám đốc Cty XNK Mây tre Hà Nội kiến nghị, ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp ngành nông nghiệp vay không có tài sản đảm bảo, NHNN cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, phải có sự phối kết hợp giữa các Bộ ngành có liên quan. “Hỗ trợ vốn cho nông nghiệp cần có sự đổi mới trong chính sách, tập trung đưa ra chính sách để giảm thiểu rủi ro và chi phí cho các ngân hàng thương mại khi thực hiện cho vay lĩnh vực nông nghiệp, trường hợp cần thiết có thể hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước. Đồng thời, chính sách tín dụng nông nghiệp nông thôn cần được tổ chức triển khai đồng bộ trên diện rộng, không chỉ ở một xã, một dự án mà phải trên cơ sở xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của từng vùng”, ông Nguyễn Hải Đông nhấn mạnh.