Giá cổ phiếu TCB đang ở vùng trũng hấp dẫn
Sau 4 ngày kể từ khi chính thức giao dịch trên sàn HOSE, giá cổ phiếu của Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) - TCB hiện đang dao động trong biên độ 92.000 – 95.000 đồng/cổ phiếu.
Mức giảm trên rõ ràng đang đưa giá cổ phiếu TCB về vùng trũng hấp dẫn so với các cổ phiếu cùng ngành đang niêm yết, đặt trong bối cảnh Techcombank sẽ trình Đại hội cổ đông vào ngày 14/6 tới thông qua mức chia cổ phiếu thưởng kỷ lục 200% (tức tỷ lệ 1:2 cổ phiếu).
Giá đang giao dịch thấp hơn giá trị đáng có?
Lý giải về diễn biến thị trường đối với mã chứng khoán TCB, Giám đốc Bộ phận Nghiên Cứu và Phân Tích Barry Weisblatt- CTCP Chứng khoán Bản Việt cho rằng, đây chỉ là hiện tượng ngắn hạn do thành công từ đợt bán cổ phiếu trước đó đã làm kín room của các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài, trong lúc các nhà đầu tư nhỏ lẻ lại mong muốn chốt lời khi giá trị cổ phiếu Techcombank đã tăng rất cao so với khi mua trên thị trường OTC chừng 1 năm trước.
“Techcombank đã rất thành công trong đợt bán cổ phiếu cho các NĐT nước ngoài trước đó, khi tổng nhu cầu lượng đặt mua của các NĐT đạt 3,5 tỷ USD, cao hơn 15,8 lần quy mô lượng chào bán 225 triệu USD cho các NĐT chủ chốt. Do đó, nhiều NĐT đã không mua được cổ phiếu nào", ông Barry Weisblatt cho biết.
Do sự thành công của đợt chào bán này nên đã làm kín room dành cho NĐT nước ngoài tại TCB vào thời điểm niêm yết và các NĐT trong nước thường ít quan tâm tham gia vào các cổ phiếu vừa niêm yết, cổ phiếu TCB chưa đủ điều kiện cho vay ký quỹ, khiến giá cổ phiếu giảm sàn trong phiên giao dịch đầu tiên.
Có thể dựa vào nhiều phương pháp khác nhau để định giá cổ phiếu. Mỗi ngành kinh doanh lại có một số phương pháp định giá doanh nghiệp khác nhau. Đối với ngành ngân hàng, các phương pháp định giá cổ phiếu được áp dụng rộng rãi gồm có: giá cổ phiếu/giá trị sổ sách (P/B) kết hợp với tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và giá trên thu nhập một cổ phần (PER hoặc P/E).
Các chỉ số này được sử dụng để so sánh Techcombank với các ngân hàng khác trong nước, trong khu vực Đông Nam Á cũng như các ngân hàng Ấn Độ, được các nhà đầu tư sử dụng trong đợt chào bán vừa qua.
Theo đó, các chỉ số định giá của Techcombank đều nằm ở mức tốt khi được so sánh với các ngân hàng khác tại thị trường Việt Nam, Đông Nam Á và Ấn Độ. Đây cũng là lý do Techcombank chào bán thành công với mức giá 128.000 đồng/cổ phiếu trong đợt chào bán nói trên.
Nếu nhìn vào phương pháp định giá cơ bản nhất là giá trên thu nhập một cổ phần (P/E) để xem xét số tiền mà các nhà đầu tư sẵn sàng trả cho một USD thu được từ lợi nhuận của ngân hàng, thì cổ phiếu Techcombank hiện nay đang giao dịch ở mức P/E từ 11,5x đến 13x. Trong khi đó, P/E của phần lớn cổ phiếu ngân hàng khác đang giao dịch trên sàn niêm yết Việt Nam cao hơn nhiều, từ hơn 17x đến trên 20x.
Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng của chỉ số thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) của Techcombank cũng đạt mức cao nhất khi được so sánh với các ngân hàng tốt nhất trong khu vực (Techcombank là 119%, cao hơn Vietcombank là 61,3% và cao hơn các ngân hàng được đánh giá cao tại Ấn Độ như KOTAK là 42,2% và HDFC là 17,9%).
Như vậy, nếu xét theo các chỉ số cơ bản trên, đặt trong tương quan so sánh ngành, giá cổ phiếu TCB hiện đang giao dịch thấp hơn giá trị đáng có.
Giá trị trong dài hạn của TCB rất tích cực
Theo chuyên gia Weisblatt, Techcombank ghi nhận một số chỉ số sinh lời cao nhất trong danh mục các công ty mà Cty Chứng khoán Bản Việt theo dõi. TCB ghi nhận tỷ lệ ROA (tỷ số lợi nhuận trên tài sản) là 2,6% trong 12 tháng qua, so với mức 0,9% của trung bình các ngân hàng trong nước và tỷ lệ ROE (tỷ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) là 27,7% so với mức trung bình 14,9% của các ngân hàng trong nước. Công ty Chứng khoán Bản Việt cũng dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận 50% cho TCB năm 2018 phần lớn do tăng trưởng cho vay 20% và tăng trưởng cho vay mua nhà 35% (vốn có mức sinh lời cao) từ mảng PFS (bán lẻ) của ngân hàng.
Ngoài ra, thu nhập phí của TCB đã tăng với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 69,5% trong giai đoạn 2015-2017, mức tăng ấn tượng trong bối cảnh tỷ trọng cao của thu nhập phí trong TOI của ngân hàng. TCB cũng kiểm soát tốt chi phí. Tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) 29% tính đến hiện tại là mức thấp nhất trong số các ngân hàng mà Công ty Chứng khoán Bản Việt theo dõi (dù con số này bao gồm cả khoản mục bất thường). Trong khi đó, ngân hàng đã duy trì bảng cân đối kế toán lành mạnh. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) 12,7% là cao hơn nhiều so với mức quy định tối thiểu và giữ tỷ lệ nợ xấu ở dưới 2% với chính sách cấp tín dụng thận trọng.
Đây là những lý do khiến chuyên gia Weisblatt khẳng định: Bản Việt duy trì quan điểm tích cực về giá trị trong dài hạn của TCB. “Chúng tôi đã công bố báo cáo lần đầu dành cho TCB với khuyến nghị giá mục tiêu 153.000 đồng/CP trong 12 tháng tới. Mức giá này tương ứng với tỷ lệ P/B (giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách) xấp xỉ 3,5 lần, được chúng tôi cho là hợp lý so với các ngân hàng khác tại Việt Nam", ông Weisblatt cho biết và nhấn mạnh, chúng tôi cũng ghi nhận yếu tố hỗ trợ ngắn hạn cho các NĐT trong nước. Ngày 14/06/2018, TCB sẽ tổ thức ĐHCĐ bất thường nhằm trình cổ đông thông qua việc chia cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 200% (1 cổ phiếu hiện hữu nhận 2 cổ phiếu mới). Điều này sẽ làm tăng vốn điều lệ của ngân hàng từ 11,65 nghìn tỷ đồng lên 35 nghìn tỷ đồng và sẽ cải thiện thanh khoản giao dịch cho cổ phiếu TCB.
Cùng với đó, ông Weisblatt cũng đưa ra đánh giá tích cực về triển vọng của ngành Ngân hàng Việt Nam trong năm 2018. Tăng trưởng tín dụng năm 2017 là khá ổn định đạt 18% và điểm đáng chú ý là mức tăng trưởng này không tập trung vào 2 tuần cuối cùng của năm để đạt mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mà duy trì tăng trưởng ổn định trong cả năm 2017.