5 tác động của truyền thông tới an ninh tài chính, tiền tệ

Nguyễn Long 29/06/2018 14:30

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, truyền thông có nhiều tác động khác nhau đến sự an toàn của hệ thống tài chính - tiền tệ, trong đó có 5 yếu tố cần lưu ý.

Các diễn giả tham luận tại chương trình

Các diễn giả tham luận tại chương trình

Sáng ngày 29/6 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương; Tổng cục An ninh A84 (Bộ Công an); Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội luật gia Việt Nam cùng các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã tổ chức Chương trình Giao lưu Chính luận "Thông tin truyền thông với An ninh tài chính tiền tệ".

Tại chương trình, các đại biểu tập trung thảo luận, đưa ra ý kiến, quan điểm về hoạt động báo chí, truyền thông trong các vấn đề liên quan đến an ninh thông tin tài chính, tiền tệ quốc gia và hoạt động tín dụng, an ninh tài chính, tiền tệ trong nước và thế giới đang khá nóng bỏng hiện nay. Từ đó, các đại biểu đã đề xuất những giải pháp hiệu quả, kịp thời nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của giới truyền thông về an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia. Trong đó, nhấn mạnh đến tuyên truyền, phổ biến giúp giới truyền thông nhận thức tốt hơn các quy định của pháp luật về hoạt động tài chính – tiền tệ để giới truyền thông hiểu và tạo điều kiện phối hợp với Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính và các tổ chức tài chính - tín dụng trong việc tuyên truyền bảo vệ hoạt động an ninh tài chính, tiền tệ.

Theo TS Cấn Văn Lực, truyền thông có nhiều tác động khác nhau đến sự an toàn của hệ thống tài chính - tiền tệ, trong đó có 5 yếu tố cần lưu ý:

Thứ nhất, để đối phó với những tin đồn mang nặng tính định hướng mục tiêu xấu, việc truyền thông kịp thời sẽ ngăn chặn, bác bỏ, hạn chế tâm lý đám đông, gây mất cân đối thị trường trong bối cảnh sức đề kháng của nền kinh tế còn yếu, trình độ của người dân chưa cao.

Thứ hai, với mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô, chính sách tài chính - tiền tệ, các thông tin đều được đưa kịp thời và minh bạch cùng các phân tích, bình luận, tư vấn từ các chuyên gia, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tự đánh giá, từ đó đưa ra những quyết định tài chính ít rủi ro.

Dẫn chứng câu chuyện về Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017 đưa vào quy định về cho phép phá sản ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực cho biết, nhờ có sự phân tích từ các chuyên gia, công chúng đã có cái nhìn tích cực về điều luật này, mặc dù đã có một số tin đồn xuyên tạc chủ trương đúng đắn trên.

"Thực tế, trên thế giới có thể thấy công tác truyền thông trước những thay đổi điều chỉnh chính sách là rất quan trọng", ông Lực cho biết và nhấn mạnh, những đợt tăng lãi suất của FED, ECB... đã được đưa ra tín hiệu truyền thông trước so với thời điểm thực hiện chính thức, giúp các thành viên thị trường chủ động, có biện pháp ứng xử phù hợp và không gây biến động cả ở thị trường Mỹ cũng như trên thế giới.

Thứ ba, theo khảo sát của Công ty Công nghệ thanh toán toàn cầu Visa, chỉ có 51% người dân Việt Nam tự chấm mình đạt 6-10 điểm về kiến thức tài chính. Ông Lực cho rằng, việc truyền thông trong tài chính, tiền tệ là một trong những công cụ nâng cao hiểu biết cho doanh nghiệp, đặc biệt trong việc giảm bớt tín dụng đen và nợ xấu.

Thứ tư, về phía các cơ quan quản lý, truyền thông là công cụ trợ giúp nắm bắt nhu cầu thị trường và các xu hướng phát triển để có những điều tiết, điều chỉnh chiến lược, từ đó có những điều tiết vận hành thông suốt và hiệu quả.

Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, xu thế triển khai ngân hàng số internet banking và công nghệ tài chính (fintech) đang diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, không phải cơ quan quản lý nào cũng nắm rõ cách ứng dụng xu thế này trong thực tiễn doanh nghiệp. Qua những thông tin được truyền tải, từ các nhà hoạch định chính sách đến những nhà điều hành doanh nghiệp đã có những cập nhật và điều chỉnh, bước đầu định hình phương thức quản lý phù hợp, sát với thực tiễn để không bỏ lỡ cuộc chơi với thế giới.

Thứ năm, để đối phó với các hành vi tiêu cực, tiêu biểu là hiện tượng tín dụng đen đã được phát giác nhanh chóng tại một số tỉnh thành nước ta trong thời gian qua, rất cần có sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông để tăng tính an toàn, hiệu quả của hệ thống tài chính, tiền tệ.

Có thể nói, đẩy mạnh thông tin, truyền thông để tác động tới việc hình thành niềm tin, thái độ hành vi của công chúng, hình thành và định hướng dư luận xã hội là việc làm cần thiết. Thông tin, truyền thông đối với việc đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ góp phần nâng cao ý thức của người dân, tổ chức và doanh nghiệp trong lĩnh vực này, cũng như ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời phản ánh được những hạn chế, yếu kém của ngành tài chính ngân hàng để kịp thời khắc phục, ngăn chặn.

Nguyễn Long