Tích trữ đồng USD hoàn toàn không có lợi

Hà Phương 07/08/2018 11:05

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu khẳng định doanh nghiệp hay người dân tích trữ USD sẽ hoàn toàn không có lợi trong bối cảnh hiện nay.

Thị trường có nhiều biến động song người dân và doanh nghiệp không nên tích trữ đồng USD trong thời điểm này

Thị trường có nhiều biến động, song người dân và doanh nghiệp không nên tích trữ đồng USD trong thời điểm này.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, tỷ giá có thể thay đổi trong thời gian tới. Nhưng nếu rút tiền từ ngân hàng để mua và chờ đồng USD tăng giá thì không có lợi. Hiện các ngân hàng ở Việt Nam áp dụng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất là 7,2% /năm, trong khi lãi suất của đồng USD nếu gửi ngân hàng chỉ 0%.

TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, từ nay đến cuối năm, VND có thể mất giá nhưng sẽ không mất giá cao hơn mức lãi suất mà các ngân hàng Việt Nam đang trả cho khách hàng, ngay cả khi tính đến yếu tố lạm phát của VND. "Nếu tính lạm phát của Việt Nam cho cả năm 2018 là khoảng 4%, thì tiền VND có thể mất giá trị so với USD chỉ khoảng 2%", ông Hiếu phân tích.

Do vậy, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, doanh nghiệp hay người dân tích trữ USD sẽ hoàn toàn không có lợi trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, chỉ có các tổ chức tín dụng được NHNN cho phép thì mới được quyền mua bán USD. Nếu người dân nhận USD từ nước ngoài, thì có thể gửi ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng trong nước hoặc giữ ngoại tệ tiền mặt, nhưng không được phép kinh doanh (mua đi bán lại) nếu không có giấy phép...

Trong nhiều diễn biến bất thường về căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, trái với việc nhiều đồng tiền tại thị trường mới nổi mất giá đáng kể so với đồng USD, biến động tỷ giá USD/VND vẫn được Quỹ đầu tư Vinacapital đánh giá là "ổn định".

Đồng USD tăng giá thời gian qua là một trong các nguyên nhân khiến các nhà đầu tư rút tiền khỏi phần lớn các quốc gia nhóm thị trường mới nổi. Nguyên nhân bởi theo tính toán của Vinacapital, khối nợ bằng USD tại các nước thị trường mới nổi đã tăng vọt trong thập kỷ qua (gần 4.000 tỷ USD). Vay nợ bằng USD gia tăng khi USD tăng giá. Bên cạnh đó, việc đồng nội tệ mất giá cũng khiến giá nhập khẩu tăng, qua đó đẩy lạm phát tại các quốc gia bị thâm hụt thương mại lớn tăng cao hơn.

Vinacapital nhận định các nhà đầu tư nước ngoài thường tìm kiếm lợi nhuận lâu dài ở Việt Nam, hơn là thông qua các giao dịch đầu cơ vốn là động lực chính cho dòng tiền "nóng" từ các nhà đầu tư cá nhân.

Theo quan điểm của quỹ đầu tư này,  những rủi ro từ việc đồng USD tăng giá đối với thị trường tiền tệ không phải là mối quan tâm lớn đối với Việt Nam. Thặng dư thương mại của Việt Nam dự kiến vượt trên mức 2% GDP trong năm nay. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng từ 2,3 tháng giá trị nhập khẩu vào cuối năm 2016 đến hơn 3 tháng nhập khẩu hiện nay.

Vinacapital kỳ vọng NHNN sẽ giảm giá VND từ 1-2% vào năm 2018 để đáp ứng được cả hai mục tiêu: vừa duy trì tỷ giá hối đoái đủ sự ổn định để khuyến khích dòng vốn đầu tư nước ngoài, vừa cải thiện khả năng cạnh tranh xuất khẩu...

Theo các chuyên gia, những yếu tố khách quan và chủ quan cho thấy, đã đến lúc chính sách điều hành tỷ giá cần linh hoạt hơn, cho phép tỷ giá trung tâm biến động theo chiều hướng chung, với biên độ mà nhiều chuyên gia đề xuất là không quá 3%. Có như vậy mới tác động tích cực được tới nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của nước ta.

Điều hành tỷ giá trong bối cảnh này thực sự là một bài toán khó đối với NHNN, nhưng với những bước đi bài bản đã được thực hiện thành công suốt thời gian dài vừa qua của NHNN, thì rõ ràng là vẫn có lời giải. Quan trọng là lời giải ấy cần ra đúng thời điểm để tác động tích cực.

Tại phiên họp Chính phủ trực tuyến mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, diễn biến giá USD tăng trong mấy ngày qua nằm trong dự liệu của cơ quan này. Với lượng dự trữ ngoại hối hiện đạt khoảng 63,5 tỷ USD, NHNN luôn luôn chủ động các phương án điều hành tỷ giá, sẵn sàng can thiệp thị trường ngoại tệ khi cung - cầu có vấn đề.

Hà Phương