Thách thức hệ sinh thái của TCB

Hà Phương 05/11/2018 12:24

Việc xây dựng hệ sinh thái ngân hàng- doanh nghiệp đã giúp Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (HoSE: TCB) trở thành ngân hàng tư nhân dẫn đầu về các chỉ số hiệu quả và sinh lời.

Tuy nhiên, điều này cũng khiến TCB phụ thuộc và chịu tác động từ đối tác. TCB vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2018 vượt trội so với các NHTMCP tư nhân khác, nhờ một phần không nhỏ từ hệ sinh thái cùng doanh nghiệp phát triển bền vững.

 Thu nhập lãip/thuần và lợi nhuận sau thuế của TCBp/

Thu nhập lãi thuần và lợi nhuận sau thuế của TCB

Tăng trưởng vượt bậc

Theo Báo cáo tài chính quý 3/2018, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2018 của TCB đạt 7.774 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước. TCB tự tin cán đích kế hoạch lợi nhuận 10.000 tỷ đồng cả năm nay.

Cơ cấu thu nhập của TCB ngày càng đa dạng hơn, tiếp tục chuyển dịch theo định hướng chiến lược. Tỷ trọng doanh thu từ hoạt động tín dụng của TCB giảm từ 53% xuống 48%.

Tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng thu nhập hoạt động do TCB đã xử lý xong nợ xấu bán cho VAMC.

Đặc biệt, hệ số an toàn vốn (CAR) của TCB vào thời điểm cuối tháng 9/2018 đạt mức 14,33%, cao hơn 2,31% so với cùng kỳ là do mức độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tổng tài sản.
Tại thời điểm cuối tháng 9/2018, TCB duy trì tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROAE) ở mức 25,4% và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROAA) là 3,2%. Cả hai chỉ số này đang ở mức hàng đầu trong số các ngân hàng trong nước và trong khu vực. Ngoài ra, TCB đang trên đà đạt tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 34,17%, đi trước so với yêu cầu của NHNN.

7.774
tỷ đồng là lợi nhuận trước thuế của TCB, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước. TCB tự tin sẽ cán đích kế hoạch lợi nhuận 10.000 tỷ đồng.

Theo Ban Lãnh đạo TCB, việc chủ động giảm tỷ lệ này xuống dưới 40% trước 1/1/2019 nhằm đảm bảo khả năng phục vụ khách hàng một cách liên tục và không bị hạn chế bởi tỷ lệ an toàn vốn theo yêu cầu của NHNN.
Nếu không xét tăng trưởng từ thu nhập lãi cơ bản, thì TCB nói riêng và các ngân hàng thương mại cổ phần nói chung đều ghi nhận điểm chung có sự tăng mạnh về thu hoạt động dịch vụ, cho thấy những ngân hàng tư nhân đang nỗ lực cạnh tranh và phát huy lợi thế riêng trong định hướng ngân hàng bán lẻ.

Lấy hệ sinh thái làm thước đo tăng trưởng

Theo Ban Lãnh đạo TCB, để có kết quả tăng tưởng cao, TCB áp dụng phương pháp tiếp cận theo hệ sinh thái nhằm thu hút khách hàng mới- đó chính là khách hàng doanh nghiệp. Phương pháp này hướng tới toàn bộ chuỗi giá trị, bắt đầu từ các khách hàng doanh nghiệp lớn, rồi mở rộng sang nhà cung cấp, nhà phân phối và khách hàng cuối cùng của những doanh nghiệp này. TCB hướng tới cung cấp giải pháp một cửa cho toàn bộ chuỗi giá trị.

Toàn bộ chuỗi giá trị gồm mảng ngân hàng bán buôn, mảng doanh nghiệp SME và mảng khách hàng cá nhân, đóng góp 8% vào tổng tiền gửi không kỳ hạn và 24% tổng lãi thuần hoạt động dịch vụ của TCB. Trong đó, quan hệ đối tác của TCB với Vingroup là chuỗi giá trị mạnh nhất của ngân hàng này.

Khách hàng vay mua nhà là phân khúc chiến lược của TCB chủ yếu được khai thác từ Vingroup khi hơn 85% khoản vay mua nhà của TCB đến từ những dự án của Vingroup với hơn 11.000 khách hàng.

Tính đến cuối năm 2017, gần 11% khoản vay dài hạn của Vingroup đến từ TCB. Nếu không xét đến khoản vay hợp vốn thì TCB là “chủ nợ” lớn thứ hai của Vingroup sau Vietcombank. TCB cũng là trái chủ của Vingroup khi nắm giữ gần 300 tỷ đồng trái phiếu Vingroup phát hành ra.

Tuy nhiên, theo đánh giá của HSC, rủi ro lớn nhất của TCB là cho vay lĩnh vực BĐS. Hiện TCB có tỷ trọng cho vay lĩnh vực BĐS và xây dựng cao, chiếm 20,2% tổng dư nợ tại thời điểm quí 1/2018. Nếu tính cả cho vay mua nhà, thì cho vay lĩnh vực BĐS và xây dựng của TCB xấp xỉ 47,5% tổng dư nợ, cao hơn 30% so với các ngân hàng khác.

Ngoài ra, nợ xấu cũng là rủi ro tiềm ẩn khi nợ xấu hình thành mới là 3.068,4 tỷ đồng (tăng 18,8% so với đầu năm); Nợ nhóm 2 chiếm 1,7% tổng dư nợ (tăng 20,1% so với đầu năm lên 2.802 tỷ đồng); Nợ nhóm 3 chiếm 0,27% tổng dư nợ (giảm 22,7% với đầu năm xuống 444,6 tỷ đồng); Nợ nhóm 4 chiếm 0,57% tổng dư nợ (tăng 103,4% so với đầu năm lên 926,7 tỷ đồng); Nợ nhóm 5 chiếm 1,04% tổng dư nợ (tăng 1,9% so với đầu năm lên 1.697,2 tỷ đồng)…

“Con dao hai lưỡi”

Việc xây dựng và sở hữu một hệ sinh thái ngân hàng- doanh nghiệp không phải ngân hàng hay doanh nghiệp nào cũng thực hiện thành công.

Giữa các mắt xích trong hệ sinh thái với nhau là mối quan hệ tương hỗ. Ngân hàng đóng vai trò như một cổng tài chính đáp ứng nhu cầu vốn và thanh khoản của doanh nghiệp. Ngược lại, ngân hàng cũng có lợi không nhỏ từ việc quản lý dòng tiền và lãi vay từ các doanh nghiệp. Không những thế, hệ sinh thái mang đến một nguồn lực dùng chung như nguồn vốn, khách hàng và quản trị mà các đối tác có thể tận dụng hoặc chia sẻ cho nhau.

Để mối quan hệ này được chặt chẽ và phát huy tối đa hiệu quả, những tổ chức này thường nắm giữ cổ phần của nhau để tăng sự ràng buộc, nhưng không được vượt quá các tỷ lệ theo quy định của NHNN.
Có thể kể đến một số hệ sinh thái ngân hàng- doanh nghiệp đang hoạt động có hiệu quả như: HDBank – VietJet, SHB - Tập đoàn T&T, Techcombank – Vingroup - Masan…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hệ sinh thái ngân hàng - doanh nghiệp được xem như “con dao hai lưỡi”. Bởi việc tập trung khai thác hệ sinh thái tạo nên sự lệ thuộc vào một nhóm đối tượng cũng như tạo hiệu ứng domino khi có biến động xảy ra, chẳng hạn như chất lượng nhà ở của Vingroup có thể sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến khoản vay mua nhà tại TCB…
Bên cạnh đó, mặt trái nhập nhằng và khó bóc tách giữa hệ sinh thái ngân hàng- doanh nghiệp và sở hữu chéo có thể mang lại những hệ lụy nếu như việc cho vay và sử dụng nguồn vốn vay được nới lỏng nhờ vào mối quan hệ.

Hà Phương