Nợ xấu "săn" người mua
Mặc dù Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu cho phép bán nợ xấu theo giá thị trường, nhưng các chủ nợ thường rao bán nợ xấu mức giá cao nên rất khó bán...
Có thể bạn quan tâm
Ngân hàng tích cực thu hồi nợ xấu
07:39, 09/11/2018
Thống đốc liên tục “giục” các ngân hàng đẩy nhanh xử lý nợ xấu
09:50, 08/11/2018
Hạn chế nợ xấu bất động sản gia tăng
05:15, 29/10/2018
Hạ giá vẫn ế
Cuối tháng 10/2018, vừa qua hạn cuối nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá khoản nợ của Công ty CP Thuận Thảo Sài Gòn và 92 khách hàng, nhưng không có người tham gia. Đây là lần thứ 3, khoản nợ này được mang ra đấu giá, tuy nhiên cũng giống như 2 lần trước khoản nợ xấu này bị ế nặng.
Trong đợt đấu giá đầu tiên vào tháng 8/2018, mức giá khởi điểm bằng với khoản nợ gốc là 1.208 tỉ đồng, sau đó giảm xuống 1.090,373 tỉ đồng, 1.035,855 tỉ đồng và mới nhất là khoản nợ Thuận Thảo Sài Gòn vừa công bố giảm giá đấu phiên tới 51.792 tỉ đồng so với trước, còn 984,063 tỉ đồng do không có nhà đầu tư đăng ký mua.
Theo Sở Giao dịch HOSE, đây không phải là trường hợp cá biệt mà là tình trạng chung đối với nhiều khoản nợ được mang ra đấu giá trước đó. Khoản nợ của Công ty TNHH Thành Phố Vàng với tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất 7.851,2 m2 (P.Phú Hữu, Q.9, TP.HCM) đấu giá nhiều lần, nhưng cũng không bán được dù lần sau giá đã giảm hơn lần đấu giá trước.
Được biết, đây là khoản nợ thu hồi đầu tiên theo Nghị quyết 42, dự án phức hợp Sài Gòn One Tower có vị trí đắc địa (34 Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM). Thế nhưng, hơn 1 năm trôi qua, khoản nợ này vẫn chưa được xử lý khi mức đấu giá lên tới 6.110 tỉ đồng (tổng dư nợ gốc lẫn lãi lên hơn 7.000 tỉ đồng). Theo giới đầu tư, dự án này mới chỉ hoàn thành phần thô nhưng bỏ hoang một thời gian dài nên ngoài số tiền trên, người mua còn phải bỏ ra một số tiền lớn để triển khai tiếp dự án nên muốn bán được cũng không phải dễ dàng gì...
Chẳng riêng dự án ngàn tỉ, các khoản nợ xấu có giá trị nhỏ hơn nhưng không phải bất động sản càng khó. VietinBank chi nhánh Hà Nội vừa có thông báo bán tài sản bảo đảm nợ vay của Công ty CP thương mại NEM để thu hồi khoản nợ hơn 110,8 tỉ đồng, trong đó dư nợ gốc gần 61 tỉ đồng.
Tuy nhiên, khoản nợ này khó thu hồi, vì tài sản đảm bảo là hàng tồn kho thời trang quần áo có giá trị ghi nhận chưa đến 34 tỉ đồng tính đến nay. Chưa kể, ngân hàng này lại không đưa ra giá khởi điểm khoản nợ và điểm đặc biệt khoản nợ cao gấp hơn 3 lần giá trị tài sản bảo đảm. VietinBank cho biết vẫn chưa có giá khởi điểm đấu giá khoản nợ này.
Khoản nợ của CTCP Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân, với tổng dư nợ là 2.378 tỷ đồng tại BIDV Phú Tài. Trước đó, khoản nợ đã được đưa ra đấu giá vào ngày 24/8 và ngày 29/9 nhưng không thành công.
Lần thông báo đấu giá này, giá khởi điểm tiếp tục hạ xuống thấp, chỉ còn 984 tỷ đồng, thấp hơn lần lượt 106 tỷ đồng và 224 tỷ đồng so với giá khởi điểm của hai phiên đấu giá liền trước.
Thời gian nộp phiếu trả giá là từ 8h – 9h ngày 18/10/2018 tại Công ty Cổ phần Bán đấu giá Lam Sơn – số 111A Tân Sơn Nhì, Phường Tân Sơn Nhì, Quận Tân Phú, TP. HCM. Thời gian công bố giá là lúc 9h05 cùng ngày.
Như vậy đây đã là lần thứ 5 VAMC và BIDV đấu giá khối tài sản này. So với mức cao nhất từng đưa ra, giá khởi điểm đã giảm tới 260 tỷ đồng.
Lý giải điều này, ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, các chủ nợ muốn bán nợ giá cao là điều đương nhiên, tuy nhiên cần linh động khi thị trường không chấp nhận thì điều chỉnh giá giảm xuống. Nghị quyết 42 của Quốc hội cho phép mua bán nợ xấu theo giá thị trường, thậm chí chấp nhận giá thấp hơn so với giá sổ sách là hỗ trợ rất lớn cho các ngân hàng bán nợ xấu. Tuy nhiên, việc bán nợ theo giá thị trường không phải dễ, đặc biệt là những khoản nợ lớn cần phải có công ty định giá chuyên nghiệp...
Cần có tổ chức định giá chuyên nghiệp nợ xấu
Theo kế hoạch, VAMC đặt mục tiêu xử lý tối thiểu 140.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua vào năm 2022, kế hoạch của năm 2018 là xử lý 34.504 tỷ đồng dư nợ gốc, đã thu hồi 30.641 tỷ đồng trong năm 2017, đã bán 865 khoản nợ với giá 6.472 tỷ đồng và 4.865 tỷ đồng tài sản đảm bảo…
Một phần trong hơn 300.000 tỷ nợ xấu đã bán sang VAMC đã được đầu mối này xử lý, một phần một số ngân hàng thương mại chủ động tất toán trước hạn, phần còn lại từ thời điểm này, theo kỳ hạn 5 năm của trái phiếu đặc biệt bắt đầu lần lượt đáo hạn.
Theo báo cáo 9 tháng của các ngân hàng 9 tháng đầu năm, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng mạnh tại nhiều ngân hàng. Đơn cử: ACB với hơn 1.264 tỷ đồng, tăng tới hơn 60% so với cuối năm 2017; MBBank gần 1.319 tỷ đồng, tăng tới 62% so với cuối năm 2017; Techcombank gần 2.027 tỷ đồng, tăng 30,5%; VietinBank, nợ xấu cuối quý 3 năm 2018 ở mức 12.127 tỷ đồng, tăng hơn 3.100 tỷ, tương đương 34,6% so với đầu năm. Nợ xấu tại OCB tăng 65% trong 9 tháng lên mức 1.429 tỷ đồng, chiếm 2,66% dư nợ cho vay khách hàng tại nhà băng này. Tại Vietcombank, đến cuối quý 3, nợ xấu cũng lên tới hơn 4.000 tỷ đồng...
Nợ xấu trong xu hướng chung đã giảm nhưng nợ có khả năng mất vốn lại tăng. Giới phân tích cho rằng, đó không hẳn là kết quả tiêu cực bởi dù nợ nhóm 5 có khả năng mất vốn tăng mạnh nhưng theo quy định các ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro toàn bộ 100%. Việc hạch toán và trích lập này sẽ khiến ngân hàng chủ động hơn khi xét đưa ra ngoại bảng vào cuối năm.
Để giải quyết dứt điểm nợ xấu tồn đọng, theo các chuyên gia các ngân hàng cần phối hợp với VAMC cùng các tổ chức định giá chuyên nghiệp có phương án giải quyết dứt điểm và hạ giá các khoản nợ xấu rao bán như vậy mới tìm được người mua...