VietinBank sẽ tiếp tục cơ cấu lại
Đó là khẳng định của ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank tại Lễ kỷ niệm 30 năm xây dựng và phát triển Ngân hàng TMCP Công Thương VN (VietinBank).
Trong thông điệp của mình, ông Lê Đức Thọ cũng khẳng định: Trong bối cảnh Ngành Ngân hàng Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới, hoạt động của các ngân hàng thương mại có nhiều biến đổi, đòi hỏi VietinBank phải nỗ lực triển khai thành công chiến lược phát triển kinh doanh với các mục tiêu và giải pháp đột phá. Toàn hệ thống VietinBank sẽ tiếp tục cơ cấu lại để phát triển mạnh mẽ, đa dạng hóa cơ cấu kinh doanh, tăng trưởng có chọn lọc, tăng trưởng gắn với hiệu quả, nâng cao năng lực tài chính, củng cố, nâng cao năng lực cạnh tranh lên tầm khu vực, quốc tế; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ cao; xây dựng, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, cơ chế quản trị và điều hành theo mô hình ngân hàng hiện đại; tiếp tục hoàn thiện và phát huy những giá trị cốt lõi của văn hóa VietinBank, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, xây dựng và phát triển VietinBank thực sự hiệu quả, an toàn, bền vững.
Biểu dương những thành tích mà VietinBank đạt được, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: trong các tế bào của nền kinh tế, ngân hàng được xem là tế bào có chứa bộ gene hết sức năng động và sáng tạo. Đây cũng là một trong những nơi sôi động nhất trong nhiều hoạt động đổi mới và sáng tạo của một nền kinh tế.
Thủ tướng đặt vấn đề, liệu Vietinbank có khát vọng cháy bỏng để làm một trong những tế bào hạt nhân tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành ngân hàng Việt Nam hay không. Cuộc cách mạng này sẽ làm thay đổi nhiều khía cạnh rất cơ bản của hoạt động tài chính ngân hàng với vô vàn ứng dụng mới, các công nghệ mới, hứa hẹn làm thay đổi căn bản mô hình hoạt động, phương thức quản trị và dịch vụ ngân hàng. Theo Thủ tướng, nếu chậm chân, chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua của các ngân hàng ở khu vực và toàn cầu. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ trong khu vực và trên toàn cầu, nếu các ngân hàng Việt Nam không nhạy bén, chuyển mình và bị lỡ nhịp trong tiến trình đổi mới, toàn bộ nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ bị chậm bước trên hành trình phát triển.
Theo đó, Thủ tướng nêu ra một số đề nghị, với mục tiêu chung, dài hạn của Vietinbank là trở thành tập đoàn tài chính có quy mô lớn, có hiệu quả hoạt động tốt nhất hệ thống ngân hàng Việt Nam vào năm 2020, Thủ tướng cho rằng, năm 2020 đã không còn xa nữa, “tôi nghĩ đến lúc chúng ta phải xác định lại tầm nhìn và mục tiêu mới của mình xa hơn, hướng đến năm 2045”.
Thủ tướng đánh giá cao mục tiêu mà Vietinbank đang phấn đấu, đó là nằm trong tốp 10 ngân hàng thương mại lớn nhất ASEAN, một trong hai ngân hàng thương mại Việt Nam đứng trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á và là một trong những ngân hàng thương mại Việt Nam đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng tầm nhìn đến năm 2045 của Vietinbank cần phải lớn hơn nữa, khát vọng cao hơn nữa.
Để có thể hiện thực hóa tầm nhìn mới này, ngay từ bây giờ, Vietinbank phải tiếp tục nỗ lực hoàn thiện và nâng cấp mình. Tiếp tục lành mạnh hóa và nâng cao tiềm lực tài chính, năng lực quản trị ngân hàng phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Vietinbank cần tích cực tham gia tư vấn, hỗ trợ việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa bảng cân đối tài sản và tài chính của toàn hệ thống.
Đồng thời, cần tăng cường đầu tư mạnh cho nghiên cứu và phát triển. Bên cạnh công nghệ thì yếu tố con người vẫn là quyết định. Vietinbank cần đầu tư và vun đắp đội ngũ nhân lực có chất lượng với trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ thuật cao, đặc biệt chú trọng khía cạnh đạo đức, luôn nuôi dưỡng khát vọng vượt lên chính mình của đội ngũ nhân viên, xem đó là bản sắc văn hóa và lợi thế cạnh tranh của Vietinbank.
Không ngừng mở rộng, nâng cấp chất lượng, đa dạng hóa dịch vụ tài chính ngân hàng, phù hợp với nhu cầu và xu hướng của khách hàng. Mở rộng độ bao phủ, tăng khả năng kết nối và tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng cho người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các đối tượng khách hàng lâu nay chúng ta chưa chạm tới. Cần chú trọng bảo đảm an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu khách hàng.
Thủ tướng cho rằng, thực hiện chức năng kinh doanh, Vietinbank cũng không quên thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp như một tiêu chuẩn không thể thiếu của bất kỳ doanh nghiệp hiện đại nào ngày nay bằng những đóng góp và chia sẻ với cộng đồng, môi trường và xã hội, hướng đến những giá trị nhân văn cao cả, phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành ngân hàng và cả Vietinbank.
Ngoài ra, với tư cách là ngân hàng sở hữu nhà nước, Vietinbank cần ưu tiên bảo đảm khả năng cân đối vốn cho các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như nông nghiệp, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo thuận lợi hơn nữa cho các loại hình doanh nghiệp tiếp cận vốn và phát triển kinh doanh. Đó là nhiệm vụ của mọi ngân hàng trong đó có Vietinbank.
Năm 1988, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Nghị định số 53/1988/NĐ-HĐBT mở đường cho việc tổ chức lại hệ thống ngân hàng. Ngày 8/7/1988, Ngân hàng Công Thương Việt Nam (nay là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam/VietinBank) chính thức khai trương, đi vào hoạt động trên cơ sở nhân sự và chức năng, nhiệm vụ của Vụ Tín dụng Công nghiệp, Vụ Tín dụng Thương nghiệp - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Phòng Tín dụng Công nghiệp và Thương nghiệp thuộc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố, thị xã. Ba thập kỷ xây dựng và phát triển của VietinBank gắn liền với công cuộc đổi mới cùng đất nước, cũng là hành trình của ý chí kiên định, nỗ lực không ngừng, tiên phong đổi mới mạnh mẽ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để vươn lên xác lập vị thế dẫn đầu, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao phó. Đặc biệt, đó còn là hành trình ý nghĩa “Nâng giá trị cuộc sống” đầy tự hào. Từ một đơn vị phải đi thuê trụ sở, hệ thống mạng lưới nhỏ, đến nay, VietinBank đã có hệ thống gồm Trụ sở chính, 7 công ty con, 155 chi nhánh và gần 1.000 phòng giao dịch trên toàn quốc. Trên thị trường quốc tế, VietinBank hội nhập mạnh mẽ với sự hiện diện của 2 chi nhánh ở Cộng hòa Liên bang Đức, 1 ngân hàng con 100% vốn tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và 1 văn phòng đại diện ở Myanmar. Từ quy mô tài sản chỉ 718 tỷ đồng những ngày đầu thành lập, đến hết năm 2017, tổng tài sản của VietinBank đã đạt mốc 1,1 triệu tỷ đồng, tăng gấp 1.500 lần và khẳng định vị trí hàng đầu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Dư nợ tín dụng của VietinBank đến hết năm 2017 đạt 840 nghìn tỷ đồng, gấp 1.400 lần so với ngày mới thành lập. Lợi nhuận trước thuế tăng trưởng cao liên tục với tốc độ tăng trưởng bình quân năm đạt 22%, trong đó tổng lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2013 - 2017 đạt hơn 40 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với giai đoạn 5 năm trước đó (2008 - 2012). Trong 30 năm hoạt động, với tổng số nộp Ngân sách Nhà nước đạt gần 37.000 tỷ đồng và hơn 7.000 tỷ đồng dành cho từ thiện, an sinh xã hội, VietinBank là ngân hàng nhiều năm liền nằm trong Top 10 Doanh nghiệp đóng góp Ngân sách Nhà nước cao nhất, xác lập dấu ấn sâu đậm trong cộng đồng, góp phần cùng Đảng, Nhà nước thực hiện xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững trên phạm vi cả nước. Với các thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, VietinBank đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước và nhân dân trao tặng. Nhân dịp này, tập thể Lãnh đạo, cán bộ, người lao động VietinBank vinh dự và tự hào được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 2. Đây là phần thưởng vô cùng lớn lao và ý nghĩa đối với toàn thể cán bộ, người lao động trong hệ thống VietinBank, ghi nhận những nỗ lực vượt bậc, những đóng góp quan trọng của VietinBank đối với sự phát triển của đất nước và là động lực để toàn thể cán bộ, nhân viên VietinBank tiếp tục phấn đấu vươn lên, viết tiếp những trang sử vẻ vang cho sự lớn mạnh của một tập thể anh hùng. |