Sức ép mới với các ngân hàng nhỏ
Việc các “ông lớn” NHTM Nhà nước tuyên bố giảm lãi suất đang tạo ra nhiều áp lực cho các nhà băng nhỏ.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019 diễn ra hôm 9/1, hai NHTM Nhà nước là Vietcombank và Agribank đã tuyên bố giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể ông Trịnh Ngọc Khánh – Chủ tịch HĐTV Agribank cho biết, hưởng ứng lời kêu gọi của Thống đốc NHNN, ngay từ đầu năm 2019, Agribank sẽ tiếp tục thực hiện giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay đối với 05 đối tượng ưu tiên theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016.
Có thể bạn quan tâm
Vietcombank là ngân hàng đầu tiên giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp
17:42, 09/01/2019
OCB "tặng nóng" lãi suất cho khách hàng gửi tiết kiệm cuối năm
10:29, 07/01/2019
Mặt bằng lãi suất mới
11:01, 14/12/2018
Mặt bằng lãi suất huy động sẽ tăng trong năm 2019?
11:01, 10/12/2018
Trong khi đó, Vietcombank cũng tuyên bố giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn VND thuộc lĩnh vực ưu tiên theo quy định của NHNN, như lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và doanh nghiệp khởi nghiệp trong năm 2019. Cụ thể, nhà băng này sẽ áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND tối đa là 6%/năm, tương đương giảm 0,5% so với mức trần quy định của NHNN, áp dụng cho tất cả các khoản cho vay đang còn dư nợ và các khoản cho vay mới phát sinh trong năm 2019; đồng thời giảm đồng loạt 0,5%/năm trong năm 2019 đối với các khoản vay trung- dài hạn VND hiện tại của doanh nghiệp.
Động thái giảm lãi suất của hai ông lớn này không khỏi khiến nhiều người ngạc nhiên khi mà mặt bằng lãi suất năm 2019 được dự báo vẫn còn nhiều sức ép.
Theo ông Lê Đức Thúy – nguyên Thống đốc NHNN, lãi suất năm 2019 nhiều khả năng sẽ ở mức cao như cuối năm 2018. TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cũng cảnh báo: “Việt Nam có thể phải tăng nhẹ lãi suất theo đà tăng của thế giới, điều này là rủi ro mà doanh nghiệp cần hết sức lưu ý”.
Trên thực tế, mặt bằng lãi suất huy động vẫn tiếp tục tăng trong những ngày cuối năm 2018, đầu năm 2019. Hiện lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng đều được các nhà băng đẩy kịch trần là 5,5%/năm; trong khi lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng đã được đẩy lên cao nhất tới 8,2%/năm; 9 tháng cao nhất là 8,3%/năm; 12 tháng là 8,55%/năm; trên 24 tháng là 8,6%/năm. Bản thân Vietcombank cũng đã nhiều lần tăng lãi suất huy động trong những tháng cuối năm 2018.
Số liệu thống kê của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho thấy, năm 2018 lãi suất tiền gửi bình quân tăng từ 5,11% năm 2017 lên 5,25% năm 2018; lãi suất cho vay bình quân năm 2018 cũng tăng lên khoảng 8,91% so với mức 8,86% của năm 2017.
Ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch HĐQT Vietcombank cũng nhìn nhận, việc giảm thêm 0,5%/năm lãi suất cho cả kỳ hạn ngắn, trung, dài hạn khiến Vietcombank giảm khoảng 450 tỷ đồng lợi nhuận trong thời gian tới.
Ghi nhận sự đồng hành chia sẻ của Vietcombank với cộng đồng doanh nghiệp thông qua động thái giảm lãi suất, song giới phân tích cũng cho rằng, đó cũng là điều nên làm khi mà năm qua hoạt động kinh doanh của các nhà băng thành công rực rỡ. Đơn cử như Vietcombank, lợi nhuận trước thuế năm 2018 của ngân hàng này đạt tới hơn 18.000 tỷ đồng. Rõ ràng việc bỏ ra 450 tỷ đồng để giảm lãi suất là quá nhỏ so với mức lợi nhuận khủng nêu trên.
Thế nhưng, động thái này của các ông lớn đang tạo một áp lực lớn đối với các ngân hàng nhỏ. Nếu không giảm lãi suất theo chân các ông lớn, nguy cơ mất khách hàng là rất lớn. Tuy nhiên, giảm lãi suất có thể khiến các nhà băng nhỏ rơi vào tình trạng thua lỗ khi mà bình quân giá vốn đầu vào của các ngân hàng này thường cao hơn nhiều so với các ngân hàng lớn. Khó khăn càng thêm chồng chất khi mà với quan điểm hiện nay của NHNN, nhiều khả năng room tín dụng của các ngân hàng nhỏ cũng rất thấp, trong khi tín dụng vẫn đang là nguồn sống chính của họ.
Tất cả những điều đó sẽ khiến cho việc phân hóa “giai tầng” trong các nhà băng sẽ diễn ra ngày một sâu sắc hơn và câu chuyện sáp nhập để gia tăng năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh lại một lần nữa được nhắc tới.