Tăng trưởng tín dụng nên linh hoạt
Nhiều chuyên gia khuyến nghị, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chỉ nên mang tính định hướng và được điều chỉnh linh hoạt phù hợp với diễn biến kinh tế trong nước và thế giới.
Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng đến cuối năm 2018 đã tăng khoảng 14% so với cuối năm 2017.
Chỉ tiêu tăng tín dụng thấp
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019 vừa diễn ra mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 14%. Đây là chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Theo các chuyên gia, việc cơ quan quản lý đưa ra hạn mức trên là bởi:
Thứ nhất, năm 2018 tín dụng chỉ tăng khoảng 14% - thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, song GDP vẫn đạt tới 7,08%, cao nhất trong 11 năm qua. Điều đó cho thấy tăng trưởng kinh tế đã giảm bớt sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.
Có thể bạn quan tâm
Tăng trưởng tín dụng 2019 nhìn từ góc độ cung và cầu
14:20, 27/11/2018
Nhóm ngân hàng tư nhân sẽ có mức tăng trưởng tín dụng cao?
05:30, 16/10/2018
NHNN tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng
11:00, 21/07/2018
NHNN sẽ kiểm soát tăng trưởng tín dụng
09:59, 17/11/2017
Thống đốc NHNN trả lời chất vấn về vấn đề tăng trưởng tín dụng phục vụ tăng trưởng kinh tế
19:44, 16/11/2017
Thống đốc NHNN: Tăng trưởng tín dụng không tạo áp lực lên lạm phát
15:58, 16/11/2017
Thống đốc Lê Minh Hưng: NHNN không bị áp lực nào gây sức ép lên tăng trưởng tín dụng
09:17, 08/11/2017
Thứ hai, sau nhiều năm tín dụng tăng trưởng ở mức cao đã đẩy dư nợ tín dụng lên mức 7 triệu tỷ đồng, tương đương 130% GDP so với mức 100% GDP vào cuối năm 2014. Nếu như trong những năm tới, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam vẫn đạt tốc độ 15,6%/năm, trong khi GDP danh nghĩa chỉ tăng 10,2%/năm như giai đoạn 2012 - 2016, thì sau khoảng 10 năm nữa tỷ lệ tín dụng/GDP sẽ đạt mức 200% - thuộc hàng cao nhất thế giới.
Theo TS. Nguyễn Đức Độ - Giảng viên Học viện Tài chính, khi tỷ lệ tín dụng/GDP cao, thì sự ổn định của hệ thống tài chính nói riêng và của nền kinh tế nói chung sẽ trở nên nhạy cảm hơn với những biến động về lãi suất. “Một sự gia tăng nhỏ của lãi suất có thể khiến nghĩa vụ trả lãi gia tăng đáng kể và khiến tính bền vững của nền kinh tế bị suy giảm”, ông Độ cho biết.
Thứ ba, việc tín dụng tăng nhanh cũng tiềm ẩn rủi ro nợ xấu gia tăng trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.
Ngoài ra, lộ trình áp dụng chuẩn Basel II đã cận kề cũng khiến tín dụng khó tăng cao. Quả vậy, để đảm bảo các tiêu chí khắt khe theo chuẩn Basel II đòi hỏi không ít ngân hàng phải tăng vốn điều lệ nếu muốn duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng như những năm qua. Nếu không tăng được vốn, thậm chí nhiều nhà băng còn buộc phải thu hẹp lại bảng cân đối tài sản, đồng nghĩa với việc tín dụng có thể tăng trưởng âm. Trường hợp của VietinBank trong năm qua là một ví dụ điển hình. Ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, do hệ số an toàn vốn (CAR) đang ở sát ngưỡng tối thiểu, nên kể từ tháng 9/2018 ngân hàng này không dám tăng tín dụng, vì thế tín dụng năm 2018 của VietinBank chỉ tăng 6,1%.
Căn cứ vào năng lực ngân hàng
Mặc dù thừa nhận tăng trưởng kinh tế năm qua đã bớt phụ thuộc vào tín dụng, song theo giới chuyên gia, điều đó không đồng nghĩa với việc tăng trưởng đã bớt phụ thuộc vào tăng vốn đầu tư. Bằng chứng là tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm qua vẫn tăng 11,2% và bằng 33,5% GDP, cao hơn so với mức 33,3% GDP của năm 2017.
TS. Võ Trí Thành- nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, nếu kinh tế thế giới suy giảm, giá cả thế giới giảm gây tác động tiêu cực tới kinh tế Việt Nam, chính sách tiền tệ cần linh hoạt hơn, bởi quá chặt chẽ sẽ ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, lãnh đạo không ít ngân hàng thương mại cũng tỏ ra băn khoăn với hạn mức tăng trưởng quá thấp như vậy. Đây cũng là điều dễ hiểu khi mà hiện nguồn thu từ tín dụng vẫn chiếm tỷ trọng 70%, thậm chí là 80% trong tổng nguồn thu của các nhà băng. Lợi nhuận thấp khiến các nhà băng không chỉ khó thu hút thêm cổ đông mới mà ngay cả chuyện thuyết phục các cổ đông cũ bỏ thêm tiền để tăng vốn cũng gặp nhiều khó khăn.
“NHNN nên cân nhắc nới room tín dụng cho các ngân hàng nhỏ, bởi với các ngân hàng này, tín dụng tăng 5-7%, thậm chí cả chục phần trăm cũng chưa bằng các ngân hàng lớn tăng 1%. Trong khi điều này giúp các ngân hàng nhỏ nâng cao năng lực cạnh tranh”, lãnh đạo một NHTMCP nhỏ cho biết.
Thế nhưng, cơ quan quản lý có một cái nhìn rất khác. Mặc dù cũng khẳng định chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ được điều chỉnh linh hoạt tùy theo tình hình diễn biến kinh tế vĩ mô, song theo người đứng đầu ngành Ngân hàng, những ngân hàng nào hoạt động an toàn lành mạnh, được NHNN công nhận áp dụng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế sẽ được cho phép tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn, chứ không ưu tiên cho các ngân hàng nhỏ.
Quan điểm này của NHNN nhận được sự đồng tình của giới chuyên môn. TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV khuyến nghị, room tăng trưởng tín dụng không nên cào bằng mà tùy vào năng lực của từng ngân hàng.