Vì sao các ngân hàng giảm lãi suất huy động?
Thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang rất dồi dào nhờ dòng tiền quay trở lại sau dịp Tết Nguyên đán. Đó chính là lý do một số nhà băng giảm nhẹ lãi suất huy động.
Tranh thủ gửi tiền vì sợ… lãi suất giảm
Mới chỉ bước sang tuần làm việc thứ hai sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thế nhưng giao dịch tại các nhà băng khá sôi động, trong đó phần đông là khách hàng tìm đến để gửi tiền. Mặc dù số tiền lương, thưởng nhận được trước Tết là khá lớn, song không mấy người chịu gửi ngay vào ngân hàng mà còn để chi tiêu trong dịp Tết, thậm chí nhiều người còn rút tiền về để chi dùng. Sau Tết họ lại “tất tả” tìm đến ngân hàng để gửi những khoản tiền còn dư, không chi dùng hết. Diễn biến năm nay cũng không ngoại lệ, song cũng có những nét khá đặc biệt.
Có thể bạn quan tâm
Làn sóng giảm lãi suất huy động sẽ diễn ra mạnh hơn?
05:01, 15/02/2019
Vì sao các “ông lớn” giảm lãi suất cho vay?
05:01, 02/02/2019
Lãi suất cho vay khó tránh khỏi tăng cao trong năm 2019
11:01, 17/01/2019
Khó ổn định mặt bằng lãi suất 2019
05:13, 12/01/2019
Mặt bằng lãi suất huy động sẽ tăng trong năm 2019?
11:01, 10/12/2018
Trong vai một khách hàng đến giao dịch, phóng viên tìm đến một phòng giao dịch ngân hàng nằm trên phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Mặc dù mới chỉ 9h30 sáng, song tại đây đã có khá đông khách đến giao dịch, trong đó có khá nhiều khách hàng gửi tiền. Chị Hương – một người dân tại Cầu Giấy cho biết, hôm nay chị đến đây là để thăm dò xem lãi suất ngân hàng nào cao thì gửi. “Sau Tết, lượng tiền chi tiêu còn dư khá nhiều. Gửi ngân hàng là tốt nhất vì đỡ lo bảo quản, lại còn có lãi. Đến đây thấy ngân hàng này lãi suất cũng cao, lại có thêm quà khuyến mãi, nên tôi gửi luôn”, chị Hương chia sẻ.
Đó cũng là tâm lý chung của không ít bà nội trợ. Quả vậy, gửi tiền thời gian này của khách hàng được hưởng lãi suất khá hấp dẫn, với kỳ hạn 24 tháng lãi suất cao nhất lên tới 8,6%/năm. Không chỉ vậy, các ngân hàng còn đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Đơn cử như trong suốt tháng Giêng năm Kỷ Hợi, khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại Sacombank sẽ được lì xì đến 68.000 đồng, thậm chí nhận ngay 1 chỉ vàng Thần tài SBJ khi gửi tiết kiệm 1,5 tỷ đồng…
Tuy nhiên, trong dòng người gửi tiền năm nay cũng có không ít người mang tâm trạng như anh Dũng. “Mấy hôm vừa rồi xem tin tức thấy có một số ngân hàng giảm lãi suất, nên tôi vội gom tất cả số tiền còn dư lại sau Tết để gửi, sợ thời gian tới lãi suất sẽ giảm nữa sẽ bị thiệt”, anh Dũng cho biết.
Thanh khoản dồi dào
Dòng tiền quay trở lại đã giúp thanh khoản của các nhà băng dồi dào hơn so với thời điểm trước Tết. Không chỉ vậy, với việc mua vào 4 tỷ USD của NHNN trong tháng đầu năm nay cũng đồng nghĩa với việc đã có hơn 93.000 tỷ đồng được bơm vào hệ thống, giúp cải thiện thanh khoản cho các ngân hàng.
Theo Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong tuần đầu tiên của năm mới Kỷ Hợi (từ 11/2 đến 15/2), mặc dù NHNN hút ròng 51.558 tỷ đồng qua thị trường mở, song lãi suất trên thị trường liên ngân hàng vẫn giảm mạnh ở các kỳ hạn chủ chốt (qua đêm, 1 tuần và 2 tuần) với biên độ 0,34% - 0,41%. “Tuần sau Tết Nguyên Đán cho thấy thanh khoản hệ thống đã trở về trạng thái tích cực hơn”, BVSC đánh giá.
Một diễn biến khác cũng cho thấy thanh khoản của các nhà băng đang rất dồi dào đó là việc Kho bạc Nhà nước đã huy động thành công toàn bộ 11.750 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (kể cả lượng phát hành thêm) ở tất cả các kỳ hạn; lãi suất trúng thầu cũng giảm khá mạnh.
Thanh khoản dồi dào hơn đã khiến một số nhà băng có xu hướng điều chỉnh giảm lãi suất huy động trở lại sau khi tăng khá mạnh hồi cuối năm trước. Diễn biến này không nằm ngoài dự báo của giới chuyên môn. TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia ngân hàng cho biết, hiện vẫn đang tồn tại một quy luật “cuối năm rút tiền, đầu năm gửi tiền” và quy luật đó cũng phần nào chi phối hoạt động của các nhà băng. “Thanh khoản của hệ thống ngân hàng thường dồi dào hơn sau Tết. Khi đó, tình hình lãi suất trong nước sẽ tạm ổn định”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Trong báo cáo phân tích thị trường tiền tệ tháng 1 vừa được công bố, Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng nhận định, với bối cảnh hiện tại, lãi suất huy động các tháng tới có thể được duy trì ổn định ở mức hiện tại, thậm chí có thể giảm. Tuy nhiên theo công ty này, các rủi ro từ diễn biến quốc tế vẫn còn và có thể thay đổi cục diện rất nhanh nên rất khó để đưa ra đoán định diễn biến trong trung và dài hạn.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, những cơn biến động trên thị trường tài chính quốc tế và sự biến động trong hệ thống tài chính ngân hàng của Việt Nam sẽ tiếp tục gây áp lực lên lãi suất. Do đó, lãi suất trong năm 2019 có thể vẫn sẽ theo xu hướng tăng.