Các định chế tài chính Hàn Quốc tại Việt Nam và chuỗi giá trị “mang theo”
Với khoảng 150.000 người cùng hơn 7.000 doanh nghiệp có mặt tại Việt Nam, thì 16 định chế tài chính có thể được coi là những mắt xích cuối trong chuỗi giá trị “mang theo” của Hàn Quốc đến Việt Nam.
Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Du - Quyền Chánh thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) tại sự kiện khai trương chi nhánh tại Hà Nội của Ngân hàng KB Kookmin (Hàn Quốc) thì trong những năm qua, Hàn Quốc được đánh giá là một trong những quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Đến nay, đã có 16 định chế tài chính của Hàn Quốc có mặt tại Việt Nam dưới các hình thức như: Ngân hàng 100% vốn nước ngoài; chi nhánh ngân hàng nước ngoài; công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính… Các định chế tài chính này đã góp phần đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế phát triển giữa Việt Nam và Hàn Quốc, tạo kênh kết nối thanh toán và dịch vụ tài chính ngân hàng giữa nền kinh tế hai nước, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp cũng như cư dân của hai nước.
Có thể bạn quan tâm
Sức hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng
09:31, 21/02/2019
Vì sao các ngân hàng giảm lãi suất huy động?
05:01, 21/02/2019
Nỗ lực giảm phụ thuộc vào tín dụng của các ngân hàng đã đi đến đâu?
14:35, 19/02/2019
Với chính sách “phương Nam mới” của Tổng thống đương nhiệm Moon Jae-in, Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục là điểm đến của các doanh nghiệp và người Hàn Quốc. Nắm bắt xu thế, đi theo các hoạt động đầu tư thì các dịch vụ tài chính của Hàn Quốc cũng “nối đuôi nhau” sang Việt Nam để tiếp tục “khép kín” chuỗi giá trị.
Ông Hur Yin, Chủ tịch Ngân hàng KB Kookmin cho rằng với những điều kiện tốt và tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm trên 6%, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có quy mô đầu tư lớn nhất của Hàn Quốc. Bởi vậy, các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cần được cung cấp các giải pháp tài chính cũng như kết nối với công ty mẹ tại Hàn Quốc thông qua các ngân hàng Hàn Quốc tại Việt Nam.
Cũng theo ông Hur Yin thì hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 150.000 người Hàn Quốc đang sinh sống và hơn 7.000 doanh nghiệp đang hoạt động và rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang giao dịch với các doanh nghiệp này. Như vậy, chắc chắn lượng giao dịch giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ ngày càng tăng lên.
Như vậy, với việc có lợi thế từ quan hệ đối tác sẵn có tại Hàn Quốc cộng với việc có thể cung cấp những dịch vụ tài chính, kết nối “liên thông” giữa hai nước, thì ngân hàng KB Kookmin nói riêng và các định chế tài chính khác của Hàn Quốc tại Việt Nam nói chung đang có lợi thế trong việc tiếp cận và cung cấp dịch vụ tài chính cho các khách hàng là doanh nghiệp và người Hàn Quốc tại Việt Nam. Đây cũng được xem là thách thức đặt ra cho các ngân hàng nội địa trong việc tiếp cận tập khách hàng rất lớn và tiềm năng này.
Cũng cần thấy rằng, không chỉ dừng lại ở việc đi theo chuỗi giá trị của các hoạt động đầu tư đến Việt Nam mà các định chế tài chính của Hàn Quốc đã và đang mở rộng quy mô và có tham vọng với thị trường Việt Nam và có thế lấy Việt Nam làm bàn đạp để tiến ra khu vực Đông Nam Á.
Ông Hur Yin cho rằng, dân số Việt Nam với gần một trăm triệu người nhưng tỷ lệ sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng còn thấp và đang ở giai đoạn đầu phát triển, do đó đây chính là thị trường có tiềm lực lớn để phát triển các dịch vụ tài chính tiên tiến của Hàn Quốc. Dựa trên những thành tựu kỳ vọng đạt được tại thị trường Việt Nam, trong tương lại, KB Kookmin Việt Nam sẽ trở thành bàn đạp cho sự mở rộng xúc tiến toàn cầu.