Vấn đề nào sẽ làm nóng mùa ĐHCĐ ngân hàng 2019?

Hà Anh 02/03/2019 05:01

Ngoài vấn đề tăng vốn, chia cổ tức, câu chuyện nhân sự cấp cao sẽ là một trong những nội dung đáng chú ý trong mùa ĐHCĐ của các ngân hàng trong năm nay.

ĐHCĐ dự kiến diễn ra vào ngày 29/3 tới đây, ngân hàng sẽ bầu HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới (2019 - 2023).

ĐHCĐ của VIB dự kiến diễn ra vào ngày 29/3 tới đây, sẽ bầu HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới (2019 - 2023).

Từ bầu lại HĐQT…

Hiện đã có khá nhiều ngân hàng công bố về thời gian dự kiến sẽ tiến hành ĐHCĐ năm 2019. Sớm nhất trong số này có lẽ là LienVietPostBank với kế hoạch tổ chức ĐHCĐ dự kiến vào ngày 28/3 tại TP.HCM, sau đó 1 ngày là đến ĐHCĐ của VIB.

Còn lại hầu hết các nhà băng sẽ tổ chức ĐHCĐ vào cuối tháng 4, trong đó ĐHCĐ của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) vào ngày 23/4, trong khi trong ngày 26/4 có tới 3 ĐHCĐ của các ngân hàng: Vietcombank và Sacombank và Eximbank. Còn MBBank và Saigonbank mới chỉ dự kiến sẽ tiến hành ĐHCĐ trong tháng 4…

Có thể bạn quan tâm

  • Nhân sự ngân hàng tiếp tục biến động mạnh sau mùa đại hội cổ đông

    Nhân sự ngân hàng tiếp tục biến động mạnh sau mùa đại hội cổ đông

    22:10, 02/11/2015

  • ABBANK thay Tổng giám đốc

    ABBANK thay Tổng giám đốc

    22:13, 17/10/2018

  • Bà Dương Thị Mai Hoa chính thức giữ chức Tổng giám đốc ABBANK

    Bà Dương Thị Mai Hoa chính thức giữ chức Tổng giám đốc ABBANK

    10:45, 25/07/2018

  • Eximbank tái cấu trúc nội bộ với “New Eximbank”

    Eximbank tái cấu trúc nội bộ với “New Eximbank”

    10:40, 18/04/2017

Hiện chưa có ngân hàng nào công bố tài liệu cho ĐHCĐ sắp tới, nhưng một số nội dung cũng đã được hé lộ, trong đó nhiều ngân hàng sẽ tiến hành bầu hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ mới. 

Quả vậy, 2019 là năm mà nhiệm kỳ hiện tại của HĐQT và BKS nhiều ngân hàng sẽ kết thúc và chắc chắn các nhà băng này sẽ phải bầu ra HĐQT và BKS cho nhiệm kỳ tới. Chẳng hạn như tại MBBank, nhiệm kỳ 2014-2019 của HĐQT và BKS sẽ kết thúc, nên ĐHCĐ năm nay sẽ tiến hành bầu HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới 2019 - 2024.

Hay như Saigonbank, trong thông báo mới đây, ngân hàng này cũng cho biết, một trong những nội dung quan trọng tại ĐHCĐ năm 2019 sẽ là bầu HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2019 – 2024.

Trong khi nhiệm kỳ VII (2016 - 2019) của HĐQT và BKS của VIB cũng sẽ kết thúc và theo các thông tin phát đi từ nhà băng này, tại ĐHCĐ dự kiến diễn ra vào ngày 29/3 tới đây, ngân hàng sẽ bầu HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới (2019 - 2023).

… đến thay “tướng”

Nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù không nằm trong đối tượng bầu bán tại ĐHCĐ năm nay, song nhân sự trong Ban điều hành của nhiều nhà băng cũng sẽ thay đổi, đặc biệt là vị trí Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc. Ngoài nguyên nhân bất khả kháng, như nghỉ hưu, xin nghỉ việc vì lý do sức khỏe, lý do cá nhân…, việc thay đổi nhân sự Ban điều hành còn do phải tìm kiếm các nhân sự phù hợp với định hướng chiến lược phát triển của ngân hàng trong giai đoạn mới.

Một chuyên gia cho rằng, CEO ngân hàng là một chiếc ghế cực nóng, không phải ai cũng muốn ngồi. Ngoài sức ép phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận để đẹp lòng HĐQT, đẹp lòng cổ đông, còn nhiều rủi ro khác, trong đó có rủi ro pháp lý cũng là nguyên nhân khiến việc tìm kiếm vị trí này chẳng khác nào “đáy bể mò kim”.

Đơn cử như trường hợp của ABBank, trong năm 2018, nhà băng này đã phải nhiều lần thay vị trí Tổng giám đốc. Theo đó, ngày 11/1/2018 ABBank đã hàng bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Quân đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn Tổng giám đốc thay cho ông Cù Anh Tuấn bất ngờ xin thôi nhiệm vì lý do cá nhân. Tuy nhiên, ông Quân cũng chỉ ngồi ở vị trí này được khoảng 4 tháng khi ngày 27/4/2018, HĐQT ABBank đã bổ nhiệm bà Dương Thị Mai Hoa đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng giám đốc ABBANK từ ngày 04/5/2018. Thế nhưng, cũng giống như ông Quân, sau 5 tháng giữ chiếc ghế nóng này, bà Hoa bất ngờ xin từ chức vì lý do cá nhân và từ ngày 18/10/2018, chiếc ghế này được chuyển giao cho ông Phạm Duy Hiếu.

Trường hợp của SeABank cũng vậy, ngày 8/2/2018 – tức chỉ ngay trước ngày nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất, ngân hàng công bố thông tin bất ngờ là ông Nguyễn Cảnh Vinh thôi nhiệm chức Tổng giám đốc vì lý do cá nhân sau hơn 4 tháng đảm nhận ghế nóng. Trước khi đảm nhận vị trí Tổng giám đốc SeABank, ông Vinh đã nắm giữ cương vị là Phó Tổng giám đốc của Techcombank trong 6 năm. Sau khi rời SeABank, ông Vinh đầu quân cho Eximbank với cương vị là Phó Tổng giám đốc và có thời gian thị trường đồn đoán ông Vinh có thể sẽ thay ông Lê Văn Quyết – CEO của Eximbank.

Lại nói chuyện của Eximbank. Trong kỳ ĐHCĐ thường niên năm 2018, nhiều cổ đông đã chất vấn ban lãnh đạo Eximbank về việc như 5 năm liền không chia cổ tức, khách hàng mất tiền... và hỏi Tổng giám đốc Lê Văn Quyết có ý định từ chức hay không. Trả lời câu hỏi này, ông Quyết cho biết hợp đồng với Eximbank đã kết thúc và có thể rời khỏi chức vụ này nếu HĐQT tìm được người thay thế. Thậm chí ông Quyết còn thông tin: “mới đây tôi đã chính thức bày tỏ nguyện vọng với HĐQT nên tìm kiếm nhân sự mới phù hợp hơn với mục tiêu của ngân hàng trong giai đoạn mới". Thế nhưng, từ tháng 4/2018 đến nay, nhân sự cấp cao của nhà băng này vẫn giữ nguyên. Trước đó, năm 2017 nhà băng này đã cắt giảm tới… 8 Phó Tổng giám đốc với lý do tinh gọn bộ máy quản lý, nâng cao hiệu quả thực hiện dự án “New Eximbank” đã được đề ra trước đó.

Hay như LienVietPostbank, ngay trong tuần làm việc thứ 2 của năm Kỷ Hợi, nhà băng này đã có quyết định miễn nhiệm và chấm dứt hợp đồng lao động với bà Nguyễn Thu Hoa – Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối khách hàng chiến lược; đồng thời bổ nhiệm bà Vũ Thu Hiền nắm giữ vị trí này.

Chính vì vậy, dư luận đang theo dõi sát sao vấn đề nhân sự cấp cao của các nhà băng có gì thay đổi trong mùa ĐHCĐ năm nay. Tất cả hãy còn ở phía trước và chúng ta hãy chờ xem!

Hà Anh