Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn dự kiến giảm xuống 30%

Ngọc Anh 11/04/2019 14:00

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố Dự thảo Thông tư quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

ử

Theo dự thảo Thông tư của NHNN, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn dự kiến giảm xuống 30%

Dự thảo Thông tư này thay thế Thông tư 36, đưa ra lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo 2 phương án.

Đối với phương án 1, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn đến hết 30/6/2020 là 40%. Từ 1/7/2020 đến 30/6/2021, tỷ lệ áp dụng là 35% và từ sau 1/7/2021 là 30%.

Với phương án 2, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn ở mức 40% đến 30/6/2020 và giảm còn 37% từ 1/7/2020 đến 30/6/2021. Sau đó, từ 1/7/2021 đến 30/6/2022, tỷ lệ này hạ xuống mức 34%, từ 1/7/2020 giảm xuống 30% từ 1/7/2020.

Theo NHNN, việc điều chỉnh này được thực hiện để phù hợp với chủ trương của Chính phủ và tình hình thực tế cho vay trung, dài hạn của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

"Điều này cũng từng bước kiểm soát được rủi ro thanh khoản nhằm bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trước những thay đổi của các yếu tố từ trong và ngoài nước, góp phần ổn định hoạt động, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững", NHNN cho biết.

Có thể bạn quan tâm

  • Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm dần xuống bao nhiêu?

    Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm dần xuống bao nhiêu?

    07:49, 31/12/2017

  • Vì sao NHNN giãn lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn?

    Vì sao NHNN giãn lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn?

    07:30, 25/08/2017

Ngoài ra, theo tính toán của NHNN, việc giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn hàng năm 5% không tác động lớn đến hoạt động của các ngân hàng và nhu cầu vốn trung, dài hạn của nền kinh tế. Đồng thời, tỷ lệ này giảm cũng thúc đẩy các doanh nghiệp không phụ thuộc vào vốn ngân hàng, chủ động tiếp cận các nguồn vốn khác như phát hành cổ phiếu tăng vốn, phát hành trái phiếu hay hợp tác thực hiện dự án với các đối tác nước ngoài...

Trước đó, NHNN đã ban hành Thông tư 16/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014 về giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, trong năm 2018, tỷ lệ áp dụng là 45% với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 90% với tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Từ ngày 1/1/2019, tỷ lệ áp dụng với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm xuống còn 40%, giữ nguyên với tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Ngoài ra, một nội dung rất lớn khác trong dự thảo là việc điều chỉnh hệ số rủi ro. Hiện nay, các khoản phải đòi được bảo đảm toàn bộ bằng nhà ở (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai), quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất của bên vay có hệ số rủi ro 50%.

Theo đề xuất mới, các khoản đòi này phải đáp ứng một trong các điều kiện: Là khoản cho vay để phục vụ hoạt động kinh doanh theo quy định của Ngân hàng Nhà nước quy định hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Là khoản cho vay cá nhân để khách hàng mua nhà ở xã hội, mua nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ; Là khoản cho vay cá nhân để khách hàng mua nhà có giá trị dư nợ gốc dưới 1,5 tỷ đồng.

Đáng chú ý, hệ số rủi ro tăng lên 150% đối với khoản phải đòi đối với cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống mà dư nợ gốc của một khách hàng có giá trị từ 3 tỷ đồng trở lên.

Việc điều chỉnh này, theo Ngân hàng Nhà nước, xuất phát từ chủ trương kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản theo hướng: thắt chặt nguồn tín dụng, giảm hạn mức cho vay đối với các dự án bất động sản cao cấp và một chủ đầu tư có nhu cầu vay số lượng lớn cho nhiều dự án bất động sản...

Ngọc Anh