Với Thông tư 13/2018/TT-NHNN, ngân hàng đã thực hiện kiểm soát nội bộ tới đâu?
Một trong những nội dung chính sách từ cơ quan quản lý mà các ngân hàng đã và đang triển khai thực hiện nhằm hướng đến chuẩn Basel II là Thông tư 13/2018/TT-NHNN (Thông tư 13) về kiểm soát nội bộ.
Theo đó, việc áp dụng kiểm soát nội bộ theo thông lệ quốc tế hứa hẹn giúp các ngân hàng xử lý được các lỗ hổng giám sát và quản lý rủi ro.
Từ Basel II...
Tính đến 30/6/2019, hệ thống tài chính đã ghi nhận một loạt các ngân hàng được công nhận chuẩn Basel II. Đó là Vietcombank, VIB, OCB, Techcombank, VPBank, MB, ACB, TPBank và Maritime Bank. Để được công nhận chuẩn này, các ngân hàng đều phải giải quyết và đáp ứng các chuẩn mực theo 3 trụ cột gồm:
Thứ nhất, duy trì tỷ lệ vốn tự có (CAR) tối thiểu 8% theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN và cách tính toán vốn theo phương pháp tiêu chuẩn.
Thứ hai, thực hiện các chuẩn mực đối với hệ thống kiểm soát bộ ngân hàng với các hướng dẫn trong Thông tư 13 phù hợp từng tổ chức và đánh giá mức độ đủ vốn của từng ngân hàng.
Thứ ba, tăng cường kỷ luật thị trường thông qua tăng cường công khai thông tin của các ngân hàng.
KPMG ký kết hợp đồng tư vấn trọn gói triển khai Thông tư 13 tại Eximbank.
Soi chiếu ba trụ cột này, sẽ thấy việc áp dụng trụ cột này có liên quan trực tiếp tới trụ cột kia và ngược lại. Trong đó, trụ cột quan trọng có tính nền tảng để đảm bảo hoạt động của ngân hàng luôn đáp ứng quy định tỷ lệ vốn tối thiểu tự có ở mức an toàn và mức đủ vốn – phải dựa trên khung khổ pháp lý đầy đủ và đồng bộ trong công tác giám sát của quản lý cấp cao, kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro, đánh giá nội bộ trong hệ thống ngân hàng. Đó chính là nội dung triển khai của Thông tư 13 – là nội dung mà không chỉ các đơn vị đã đạt chuẩn Basel II thực hiện; còn có nhiều TCTD cũng đang lấy đó làm điểm tựa để thay đổi cấu trúc hoạt động, nỗ lực vươn lên, lột xác hoặc lấy lại vị thế hàng đầu trong thị trường.
... đến kiểm soát nội bộ
Đánh giá vai trò của kiểm soát nội bộ với hoạt động của TCTD, một chuyên gia cho rằng, Thông tư 13 giúp các ngân hàng tuân thủ theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra, giám sát của NHNN đối với các ngân hàng thương mại, nhằm giảm bớt tổn thất, nguy cơ mất khả năng thanh toán, đổ vỡ của hệ thống ngân hàng.
Có thể bạn quan tâm
Thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm Kỳ II: Doanh nghiệp thế giới áp dụng kiểm soát nội bộ thế nào?
11:04, 31/07/2019
Thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm Kỳ I: Kiểm soát nội bộ ngăn ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp
11:00, 27/07/2019
Basel II: Không cán đích bằng mọi giá
09:00, 26/04/2019
Ngân hàng sắp cạn room tín dụng
11:05, 19/07/2019
“Qua 2 giai đoạn tái cơ cấu, hệ thống các tổ chức tín dụng đã có nhiều nỗ lực để tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa, củng cố hoạt động, đi đến ổn định, bền vững. Tuy nhiên cũng trong tái cơ cấu, đã có nhiều tổ chức lộ ra các lỗ hổng thiếu hiệu quả giám sát, thiếu đề cao quản lý rủi ro, thiếu các “tuyến bảo vệ” và dự phòng cho hành động phù hợp khi các lỗ hổng có dấu hiệu xuất hiện. Việc áp dụng Thông tư 13, nâng cao vai trò của kiểm soát nội bộ theo thông lệ quốc tế theo đó càng trở nên quan trọng”, một chuyên gia đánh giá.
Tại Eximbank, một tổ chức đang nỗ lực tái cơ cấu ở dự án “New Eximbank”, song song với đầu tư công nghệ và tăng năng lực vốn để đảm bảo hướng đến Basel II thông suốt, Eximbank cũng sẵn sàng áp dụng các quy định tại Thông tư 13. Ông Nguyễn Cảnh Vinh – Quyền Tổng Giám đốc Eximbank cho biết, ngày 31/07 vừa qua, ngân hàng đã chính thức ký kết Hợp đồng dịch vụ tư vấn với nhà thầu tư vấn là Công ty TNHH Thuế và Tư Vấn KPMG (KPMG) – một trong 4 công ty thuộc Big Four kiểm toán hàng đầu thế giới. Theo đó, KPMG sẽ thực hiện tư vấn cho Eximbank toàn bộ các cấu phần của Thông tư 13 nhằm bảo đảm Eximbank đáp ứng được các tiêu chuẩn ở mức cao nhất theo thông lệ quốc tế về việc xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ.
Ông Nguyễn Cảnh Vinh cũng đánh giá, việc thực hiện Thông tư 13 không chỉ là vấn đề tuân thủ mà quan trọng hơn là sự đảm bảo an toàn, tồn tại và phát triển của mỗi ngân hàng trong thị trường cạnh tranh hiện nay. "Sự hợp tác với KPMG trong việc tư vấn còn thể hiện sự cam kết của Eximbank hướng tới xây dựng và phát triển hệ thống quản trị rủi ro hiện đại vững mạnh và theo thông lệ quốc tế", TGĐ Eximbank nói.
Lưu ý rằng với việc áp dụng Thông tư 13 – nâng cao kiểm soát nội bộ, các TCTD phải đáp ứng nhiều yêu cầu như quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật các TCTD (bao gồm việc xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ để bảo đảm hiệu quả và an toàn trong hoạt động; bảo vệ, quản lý, sử dụng an toàn, hiệu quả tài sản và các nguồn lực; Hệ thống thông tin tài chính và thông tin quản lý trung thực, hợp lý, đầy đủ và kịp thời; Tuân thủ pháp luật và các quy chế, quy trình, quy định nội bộ); hay có đủ nguồn lực về tài chính, con người, công nghệ thông tin để đảm bảo hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ; xây dựng, duy trì văn hóa kiểm soát, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho tổ chức….
Nói cách khác, áp dụng và triển khai được Thông tư 13 đồng nghĩa các TCTD đã thực thi được “bước nhảy” quan trọng trong hành trình đến với chuẩn Basel II và xa hơn, đến với hoạt động bền vững, trên nền tảng kiểm soát nội bộ chuẩn mực, phù hợp thông lệ quốc tế và phát huy năng lực cạnh tranh cao hơn.
Ông Nguyễn Công Ái – Tổng Giám đốc KPMG đánh giá rằng với trường hợp Eximbank, tiềm lực và quyết tâm cũng như hiệu quả từ việc xốc lại bộ máy lãnh đạo-nhân sự cao cấp ngân hàng suốt giai đoạn qua, cộng thêm sự đồng thuận của các cổ đông lớn, giàu kinh nghiệm quản trị tài chính ngân hàng quốc tế như SMBC đang giúp Eximbank có cơ hội lấy lại vị thế NHTM hàng đầu trên thị trường.