“Giấc mơ” giảm lãi suất cho vay… xa vời
Không chỉ tăng lãi suất huy động, các nhà băng còn chạy đua phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao, khiến viễn cảnh giảm lãi suất cho vay theo chân các NHTM nhà nước trở thành… xa vời.
Chạy đua hút vốn bằng lãi suất
Sau một thời gian dài khá bình lặng, thị trường tiền tệ lại gợn sóng kể từ đầu tháng 8 với việc khá nhiều nhà băng tăng mạnh lãi suất huy động. Đơn cử Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) vừa áp dụng biểu lãi suất huy động tiết kiệm mới, trong đó lãi suất cao nhất là 8,4%/năm dành cho các kỳ hạn 13 tháng, 24 tháng và 36 tháng. Thậm chí với hình thức tiết kiệm online, lãi suất được cộng thêm 0,1%, tức cao nhất là 8,5%/năm.
Điều đáng chú ý trong cuộc đua lần này là mức lãi suất trên 8%/năm đã bắt đầu xuất hiện ở các kỳ hạn ngắn. Chẳng hạn Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa triển khai Chương trình ưu đãi chào thu với lãi suất lên tới 7,8%/năm ở kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng là 8%/năm, 12 tháng 8,1%/năm, 13 tháng 8,2%/năm.
Hiện lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng cao nhất là 5,5%/năm; kỳ hạn 6 tháng cao nhất là 7,5%/năm; 9 tháng cao nhất là 8%/năm; 12 tháng cao nhất là 8,4%/năm; 18 tháng cao nhất là 8,5%/năm và kỳ hạn từ 24 tháng trở lên cao nhất là 8,7%/năm.
Không chỉ tăng lãi suất huy động tiết kiệm mà không ít nhà băng còn chạy đua phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao ngất ngưởng. Theo đó, lãi suất chứng chỉ tiền gửi cao nhất trên thị trường hiện nay là 10,2%/năm thuộc về Ngân hàng TMCP Bản Việt dành cho chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 60 tháng. Các kỳ hạn còn lại của nhà băng này cũng ở mức khá cao như 24 tháng 9,5%/năm, 36 tháng 9,8%/năm, 48 tháng 10%/năm. Trước đó, lãi suất chứng chỉ tiền gửi cao nhất là 9,1% thuộc về NHTMCP Việt Á (VietABank) và NHTMCP Quốc tế (VIB).
Có thể bạn quan tâm
Các ngân hàng đua tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài
11:09, 22/08/2019
ABBANK tăng lãi suất tiền gửi lên 8,5%/năm
15:01, 20/08/2019
Lãi suất cho vay khó giảm trên diện rộng
11:05, 11/08/2019
Giảm lãi suất cho vay sẽ lan tỏa trong hệ thống ngân hàng?
06:10, 01/08/2019
Một lãnh đạo của Ngân hàng Bản Việt cho biết, hiện nay huy động vốn tiết kiệm chủ yếu tập trung ở những kỳ hạn ngắn hoặc từ 12 - 18 tháng là dài nhất. Vì thế, lần này Bản Việt đưa ra chứng chỉ tiền gửi với kỳ hạn lên 5 năm với mức lãi suất đủ để hấp dẫn khách hàng có thể dịch chuyển dòng tiền gửi từ ngắn hạn sang dài hạn...
Khó giảm lãi suất cho vay
Những diễn biến nói trên phần nào cho thấy cơn khát vốn trung- dài hạn hiện nay của các nhà băng mà nguyên nhân chủ yếu là để đáp ứng yêu cầu vốn ngắn hạn cho vay trung- dài hạn đã được giảm về còn 40% kể từ đầu năm và đang được dự kiến sẽ giảm tiếp về 30% trong thời gian tới.
Quả vậy, ngay khi Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung- dài hạn xuống còn 30% được đưa ra lấy ý kiến đóng góp, đã có nhiều nhận định, áp lực huy động vốn sẽ tăng lên tại các NHTM có tỷ lệ tín dụng dài hạn cao, khiến các NHTM này phải tăng lãi suất huy động và qua đó kéo mặt bằng lãi suất huy động toàn hệ thống tăng lên.
Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, việc NHNN có ý định sẽ giảm dần tỷ lệ này theo lộ trình về mức 30% trong 2-3 năm tới sẽ buộc các NHTM tiếp tục phải thực hiện việc cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng duy trì lãi suất huy động trung và dài hạn ở mức cao.
“Do lãi suất đầu vào không giảm, mặt bằng lãi suất cho vay đầu ra ở các lĩnh vực không ưu tiên như bất động sản, tiêu dùng sẽ khó có khả năng giảm trong thời gian tới. Cơ hội cho lãi suất giảm (nếu có) sẽ chỉ mang tính định hướng, dành cho các lĩnh vực ưu tiên và thông qua nhóm NHTM cổ phần gốc quốc doanh”, BVSC nhận định.
Trên thực tế, trái với kỳ vọng động thái giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên thêm 0,5% kể từ ngày 1/8 của 4 ông lớn NHTM Nhà nước sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa rộng khắp ra toàn hệ thống, đến nay các ngân hàng cổ phần tư nhân vẫn “án binh bất động” giống như lần giảm lãi suất hồi đầu năm nay.
Sở dĩ các NHTM Nhà nước giảm được lãi suất cho vay là do giá vốn đầu vào của họ khá thấp nhờ có được nguồn tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức kinh tế lớn, đặc biệt là của Kho bạc Nhà nước. Trong khi các ngân hàng cổ phần tư nhân chẳng những không có được lợi thế này, mà uy tín thương hiệu không bằng, hệ thống mạng lưới cũng không thể phủ rộng khắp như các NHTM Nhà nước lớn nên thường phải trả lãi suất huy động cao hơn. Do đó, các ngân hàng này khó giảm được lãi suất cho vay.