Vì sao ngân hàng thừa vốn, doanh nghiệp vẫn “kêu” thiếu vốn?
Đó là câu hỏi đặt ra của Phó thống đốc thường trực NHNNN Việt Nam Đào Minh Tú tại Hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp khu vực ĐBSCL diễn ra vào sáng ngày 29/8.
Thời gian qua, dù còn rất nhiều khó khăn, thách thức và đầy biến động phức tạp của nền kinh tế thế giới và trong nước, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thống đốc NHNN, ngành Ngân hàng luôn sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về vốn, lãi suất, thủ tục cũng như cung cấp các dịch vụ tài chính an toàn, hiện đại và thuận lợi nhất cho khách hàng.
Với mạng lưới 350 chi nhánh TCTD và trên 150 quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn khu vực ĐBSCL, tín dụng của khu vực những năm qua liên tục tăng và đạt bình quân khoảng 15% giai đoạn 2015 - 2018. Đến cuối tháng 7/2019, dư nợ tín dụng của khu vực đạt gần 624 nghìn tỷ đồng, tăng 7,76% so với 31/12/2018 (cao hơn mức tăng trưởng chung đối với nền kinh tế 7,46%), trong đó dư nợ tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn đạt trên 340 nghìn tỷ đồng, tăng 14,8%; lĩnh vực DNNVV tăng 6,3%; xuất khẩu tăng 3,7%.
Có thể bạn quan tâm
Nhiều người khởi nghiệp không muốn công ty 'lớn' vì khó tiếp cận vốn
06:36, 28/08/2019
Tài sản thế chấp "ngáng chân" doanh nghiệp nhỏ tiếp cận vốn
11:30, 17/05/2019
Rào cản nào trong tiếp cận vốn tín dụng của Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam?
14:34, 02/04/2019
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn
00:51, 10/09/2018
Tín dụng đối với một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù là thế mạnh của khu vực có tốc độ tăng trưởng khá như: thủy sản tăng 8,45%, đặc biệt là lúa gạo tăng 13,92%.
Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động tín dụng đối với doanh nghiệp, người dân vùng ĐBSCL còn nhiều khó khăn do xuất khẩu thiếu ổn định, cạnh tranh gay gắt, giá xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chủ lực có xu hướng giảm, trong khi thiếu các cơ chế, các quỹ dự phòng để xử lý rủi ro phát sinh, đã ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng tín dụng.
Do các điều kiện ràng buộc về tài sản thế chấp, báo cáo tài chính “đẹp”… nên các ngân hàng vẫn trong tình trạng thừa tiền, nhưng các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện tiếp cận vốn vay. Đây là một trong những khó khăn then chốt mà ngành ngân hàng đang tìm biện pháp tháo gỡ để khơi thông tín dụng cho nền kinh tế.
Nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và đáp ứng nhu cầu vốn vay phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ông Đào Minh Tú cho biết, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp sau:
Thứ nhất, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất cho vay góp phần tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Thứ hai, rà soát, đề xuất hoàn thiện thể chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để các TCTD cung ứng đầy đủ, đa dạng các sản phẩm dịch vụ tài chính.
Thứ ba, hoàn thiện hành lang pháp lý về cấp tín dụng của các TCTD để tăng cường khả năng cung ứng vốn phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Thứ tư, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp tại Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (đặc biệt là DNNVV) tiếp cận vốn tín dụng.
Thứ năm, NHNN tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát và đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của hệ thống các TCTD; đồng thời duy trì và nâng cao chỉ số hoạt động thông tin tín dụng cả chiều rộng và chiều sâu, góp phần cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng, môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.