Tăng trưởng tín dụng khó “cán đích”
Việc tín dụng mới tăng khoảng 8% trong 8 tháng đầu năm nay không khỏi khiến nhiều người lo lắng cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay.
Mặc dù một số ngân hàng được nới room tín dụng, song nhiều chuyên gia không khỏi lo ngại cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019 khi mà tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu mới hoàn thành được hơn 57% kế hoạch cả năm.
Ông Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế-NHNN cho biết, tính đến cuối năm 2019, tín dụng tăng khoảng hơn 8% so với cuối 2018.
Tín dụng chậm lại
Theo thống kê của NHNN, tính đến cuối tháng 6/2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế là 7,742 triệu tỷ đồng, tăng 7,36% so với cuối năm 2018. Chiểu theo số liệu này có thể thấy, tín dụng đến cuối tháng 8 mới chỉ tăng thêm khoảng 0,64 điểm phần trăm trong tháng 7-8 vừa qua; tức mỗi tháng chỉ tăng khoảng 0,32 điểm phần trăm, chỉ bằng 1/4 mức tăng trưởng tín dụng bình quân hàng tháng trong 6 tháng đầu năm 2019.
Việc tín dụng mới tăng khoảng 8% trong 8 tháng đầu năm nay không khỏi khiến nhiều người lo lắng cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay. Bởi vì, mức tăng này còn thấp hơn cả mức tăng 8,5% của cùng kỳ năm 2018- là năm mà tín dụng chỉ tăng 13,89%. Muốn hoàn thành mục tiêu tín dụng năm nay, tín dụng bình quân phải tăng khoảng 1,5% trong 4 tháng cuối năm– điều không hề dễ dàng trong bối cảnh hiện nay.
Đó có thể là lý do NHNN đã cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng, trong đó VPBank được nâng hạn mức tín dụng từ 12% lên 16%; trong khi ACB, Techcombank và MB được nâng từ 13% lên 17%...
Với những quy định hiện nay của NHNN, các ngân hàng có xu hướng hạn chế cho vay trung - dài hạn và chỉ tập trung cho vay ngắn hạn. Điều này cũng khiến dư nợ tín dụng dễ biến động hơn.
Thế nhưng, ngay cả khi được nới room thì khả năng tăng thêm tín dụng của nhiều ngân hàng cũng rất hạn chế. Đơn cử như VPBank, mặc dù đã được nới room tín dụng lên 16%, song tín dụng 6 tháng đầu năm nay đã tăng 11,57%, nên dư địa tín dụng còn lại khoảng 4,5% trong 6 tháng cuối năm.
Có thể bạn quan tâm
Nỗi lo tăng trưởng tín dụng khó cán đích
06:10, 05/07/2019
Ngân hàng vẫn thận trọng với tăng trưởng tín dụng
05:01, 26/06/2019
Bất ngờ với mục tiêu tăng trưởng tín dụng của nhiều nhà băng
05:01, 17/05/2019
NHNN sẽ không nới lỏng thêm tăng trưởng tín dụng
15:35, 08/05/2019
Tăng trưởng tín dụng nên linh hoạt
11:01, 14/01/2019
Tăng trưởng tín dụng 2019 nhìn từ góc độ cung và cầu
14:20, 27/11/2018
Nhóm ngân hàng tư nhân sẽ có mức tăng trưởng tín dụng cao?
05:30, 16/10/2018
NHNN tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng
11:00, 21/07/2018
Khó đạt mục tiêu
Trên thực tế, các nhà băng được nới room tín dụng đều có quy mô nhỏ và vừa, hơn nữa mức tăng cũng không lớn nên tăng trưởng tín dụng chung sẽ không có nhiều thay đổi.
Công ty chứng khoán SSI cho biết, nếu không tính Vietcombank, thì 8 ngân hàng đã đáp ứng chuẩn Basel II có tổng dư nợ khoảng 1,1 triệu tỷ đồng. Và nếu cả 8 ngân hàng này được nâng hạn mức tín dụng lên mức kỳ vọng thì số dư nợ tăng thêm khoảng 46 nghìn tỷ đồng, tức chỉ khoảng 0,6% tổng dư nợ toàn hệ thống.
Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của các NHTM Nhà nước rất ì ạch. Đặc biệt với VietinBank, do hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) đang ở sát ngưỡng tối thiểu nên tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 2,38%. Hiện 4 ông lớn ngân hàng quốc doanh chiếm tới 50% thị phần tín dụng nên việc tín dụng của các ngân hàng này tăng trưởng ở mức thấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến mức tăng trưởng chung.
Đó là chưa kể, sẽ có không ít nhà băng sẽ không có tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm, nếu không được nới room tín dụng do đã sớm hoàn thành kế hoạch cả năm. Với những ngân hàng này, muốn cho vay thêm, chỉ có cách tích cực thu hồi nợ cũ.
Cũng chính bởi vậy, với kịch bản tăng trưởng GDP thực từ 6,6- 6,8% và lạm phát bình quân từ 3,5-4% (như mục tiêu Chính phủ đề ra), nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2019 sẽ vào khoảng 12 - 13%, thấp hơn mục tiêu 14% đề ra đầu năm.
Tuy nhiên, một chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp không nên quá lo lắng, bởi dư địa tín dụng vẫn còn lớn. Theo đó, hiện tín dụng mới tăng khoảng 8%, có nghĩa trong 4 tháng cuối năm tín dụng có thể tăng thêm khoảng 5- 6%.
“Ngay cả trường hợp tín dụng năm nay chỉ tăng 12%, thì tín dụng sẽ tăng bình quân 1%/tháng. Tức mỗi tháng sẽ có thêm hơn 72 nghìn tỷ đồng tín dụng mới”, vị chuyên gia trên tính toán và cảnh báo, các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi tiếp cận các ngân hàng đã cạn room tín dụng.