Rủi ro tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng

Hà Anh 05/02/2020 11:00

Hầu hết các ngân hàng đều hoàn thành vượt mục tiêu lợi nhuận đề ra trong năm 2019 và ngày càng nhiều ngân hàng đạt lợi nhuận trên chục nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, phần lớn thu nhập của các nhà băng vẫn dựa trên tín dụng nên lợi nhuận không bền vững nếu môi trường kinh doanh không thuận lợi, trong đó dịch Corona là một trong những yếu tố tác động tiêu cực...

Lợi nhuận của một số ngân hàng năm 2019

Lợi nhuận của nhiều ngân hàng tăng mạnh trong năm 2019

Ngân hàng bội thu

Hiện đã có khá nhiều ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý 4 năm 2019 với con số lợi nhuận vô cùng khả quan, thậm chí có nhà băng đạt lợi nhuận tăng tới trên 70% so với năm trước. Số ngân hàng có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng cũng đã có thêm nhiều cái tên mới. Nếu như năm ngoái chỉ có Vietcombank và Techcombank nằm trong nhóm này với mức lợi nhuận tương ứng là 18.269 tỷ đồng và 10.661 tỷ đồng, thì năm nay có tới 7 ngân hàng có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng.

Theo đó, với 23.123 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng gần 14% so với năm 2018, Vietcombank vẫn đang dẫn đầu hệ thống về lợi nhuận. Với mức lợi nhuận này, Vietcombank đã hoàn thành 112,8% mục tiêu lợi nhuận đã đề ra và là nhà băng đầu tiên đạt lợi nhuận xấp xỉ 1 tỷ USD. Ngôi vị á quân cũng vẫn do Techombank nắm giữ với 12.838 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 20,4% so với năm trước và hoàn thành 109,26% kế hoạch năm.

Mặc dù chỉ xếp ở vị trí thứ ba, song trường hợp của VietinBank lại đáng chú ý hơn cả. Theo đó, mặc dù gặp không ít khó khăn trong việc tăng trưởng tín dụng do chưa tăng được vốn điều lệ, nên VietinBank chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận khá khiêm tốn là 9.500 tỷ đồng trong năm 2019. Thế nhưng kết thúc năm 2019, nhà băng này đã đạt lợi nhuận trước thuế hơn 11.780 tỷ đồng, tăng 79,6% so với năm 2018, vượt qua hàng loạt đối thủ từ vị trí thứ 7 lên vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng lợi nhuận năm 2019.

Tuy nhiên, nếu tính cả Agribank thì có lẽ ngôi vị thứ ba sẽ thuộc về nhà băng này khi mà chỉ trong 11 tháng của năm 2019, lợi nhuận trước thuế của Agrribank đã đạt trên 11.700 tỷ đồng.

Sự vươn lên mạnh mẽ của VietinBank đã đẩy BIDV tụt một bậc xuống vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng năm 2019 với 10.876 tỷ đồng, tăng 15,8% so với năm 2018. Tiếp đó là VPBank với lợi nhuận trước thuế 10.334 tỷ đồng, tăng 12,34%; MB với 10.036 tỷ đồng, tăng 29,21%; ACB với 7.516 tỷ đồng, tăng 17,64%;…

Một điểm đáng chú ý nữa trong bức tranh lợi nhuận ngân hàng năm qua là sự vươn lên mạnh mẽ của các ngân hàng tầm trung. Đơn cử TPBank cũng là một trường hợp rất đáng chú ý khi mà lợi nhuận của nhà băng này đã tăng tới 71,3% trong năm 2019 lên 3.868 tỷ đồng. VIB cũng vậy khi mà lợi nhuận của nhà băng này cũng tăng gần 49% so với năm trước lên 4.082 tỷ đồng.

Xét về hiệu quả kinh doanh thì các ngân hàng cổ phân tư nhân xem ra vẫn đang vượt trội hơn. Hiện Techcomabnk đang giữ vị trí dẫn đầu về chỉ số ROA là 3,35%; tiếp đó là VPBank với 2,74%; MB với 2,44%; TPBank với 2,35% và VIB với 2,21%; ACB là 1,96%. Trong khi ngân hàng quốc doanh có chỉ số ROA cao nhất là Vietcombank cũng chỉ ở mức 1,89%.

Có thể bạn quan tâm

  • Lợi nhuận ngân hàng tăng mạnh nhờ đâu?

    Lợi nhuận ngân hàng tăng mạnh nhờ đâu?

    05:00, 30/10/2019

  • Lợi nhuận ngân hàng sẽ phân hóa mạnh

    Lợi nhuận ngân hàng sẽ phân hóa mạnh

    05:30, 10/10/2019

  • Ẩn số tăng trưởng tín dụng

    Ẩn số tăng trưởng tín dụng

    16:38, 07/11/2019

  • Ngân hàng vẫn thận trọng với tăng trưởng tín dụng

    Ngân hàng vẫn thận trọng với tăng trưởng tín dụng

    05:01, 26/06/2019

  • Bất ngờ với mục tiêu tăng trưởng tín dụng của nhiều nhà băng

    Bất ngờ với mục tiêu tăng trưởng tín dụng của nhiều nhà băng

    05:01, 17/05/2019

Vẫn phụ thuộc nhiều vào tín dụng

Tuy nhiên, phân tích sâu báo cáo tài chính của các nhà băng có thể thấy, tín dụng vẫn là mảng kinh doanh có đóng góp lớn nhất vào doanh thu và lợi nhuận của các nhà băng.

Chẳng hạn như Vietcombank, mặc dù dư nợ cho vay khách hàng của nhà băng này chỉ tăng 16,28% trong năm qua, nhưng số dư nợ cho vay khách hàng tuyệt đối lên tới gần 734.707 tỷ đồng, tăng 102,8 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2018. Chỉ riêng con số tăng thêm này đã lớn hơn tổng dư nợ cho vay khách hàng tại thời điểm cuối năm 2019 của không ít nhà băng nhỏ. Nhờ đó, trong năm qua, thu nhập lãi thuần của Vietcombank đạt tới 34.577 tỷ đồng, tăng 21,7% so với năm 2018.

Đặc biệt, do quy mô dư nợ cho vay khách hàng lớn nhất hệ thống, đạt gần 1.116.925 tỷ đồng nên không có gì là khó hiểu khi thu nhập lãi thuần của BIDV cao nhất trong hệ thống khi đạt gần 35.995 tỷ đồng trong năm qua dù chỉ tăng 3,67% so với năm trước. Do quy mô tín dụng nhỏ hơn nên thu nhập lãi thuần của VietinBank chỉ đạt 33.199 tỷ đồng trong năm qua, song con số này tăng tới 49,5% so với năm trước.

Tương tự trong năm qua thu nhập lãi thuần của VPBank cũng đạt tới 30.492 tỷ đồng, tăng 23,44% so với năm trước; thu nhập lãi thuần của Techcombank cũng đạt gần 14.258 tỷ đồng, tăng 25,18%...

“Việc kinh doanh vẫn phụ thuộc nhiều vào tín dụng khiến cho lợi nhuận của các ngân hàng thiếu bền vững và tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là rủi ro nợ xấu nếu môi trường kinh doanh không được thuận lợi”, một chuyên gia ngân hàng nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, lãnh đạo một nhà băng tầm trung cũng nhìn nhận, hiện Chính phủ, NHNN đang có chủ trương siết chặt tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là tín dụng vào những lĩnh vực có mức độ rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán để kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, cũng như ngăn ngừa rủi ro nợ xấu phát sinh.

“Năm nay, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tiếp tục được khống chế khoảng 14%, trong khi Chính phủ và NHNN vẫn đang có chủ trương kéo giảm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó còn là lộ trình giảm dần tỷ trọng vốn ngắn hạn cho vay trung- dài hạn. Tất cả những điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu từ tín dụng của các ngân hàng. Vì thế, muốn duy trì được đà tăng trưởng lợi nhuận, các ngân hàng cần phải đẩy mạnh phát triển các dịch vụ phi tín dụng”, vị lãnh đạo này chia sẻ.

Kết quả cuộc điều tra về xu hướng kinh doanh của các TCTD vừa được Vụ Dự báo thống kê thuộc NHNN công bố mới đây cho thấy, chỉ có 98% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2020 của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2019, 2% TCTD kỳ vọng không đổi. Lợi nhuận toàn hệ thống kỳ vọng tăng trưởng bình quân 16,92% trong năm 2020, thấp hơn nhiều mức kỳ vọng bình quân về tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2019 là 20,13%.

Hà Anh