Ngân hàng nào sẽ được nới room ngoại lên 49% theo EVFTA?
Theo Hiệp định EVFTA, các ngân hàng Châu Âu sẽ được nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại 2 ngân hàng Việt Nam lên tối đa 49% mà không phải chờ quyết định nới room chung.
Ngoại trừ nhóm Big 4
Hiệp định EVFTA và EVIPA vừa được Nghị viện Châu Âu (EP) thông qua được kỳ vọng sẽ tác động đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh lợi ích to lớn từ thương mại hàng hóa, nhiều tác động tích cực cũng đến với thương mại dịch vụ và đầu tư.
Việt Nam và EU cam kết tạo môi trường đầu tư cởi mở, thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp hai bên trong các lĩnh vực như dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối…
Riêng đối với lĩnh vực ngân hàng, trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xem xét tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng EU nâng mức nắm giữ cổ phần lên 49% vốn điều lệ tại 2 ngân hàng TMCP của Việt Nam. Tuy nhiên, cam kết này không áp dụng với 4 ngân hàng TMCP mà Nhà nước đang nắm cổ phần chi phối là BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank.
Việc thực hiện cũng vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định về thủ tục mua bán, sáp nhập cũng như các điều kiện an toàn, cạnh tranh, bao gồm giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần áp dụng đối với từng nhà đầu tư là cá nhân, tổ chức trên cơ sở đối xử quốc gia, theo quy định của pháp luật của Việt Nam.
Trong dịch vụ bảo hiểm, Việt Nam cho phép nhượng tái bảo hiểm qua biên giới, cam kết dịch vụ bảo hiểm y tế tự nguyện theo luật Việt Nam. Riêng đối với yêu cầu cho phép thành lập chi nhánh công ty tái bảo hiểm, Việt Nam chỉ cho phép sau một giai đoạn quá độ.
Có thể bạn quan tâm
EVFTA: Tìm vé qua cổng thiên đường
06:00, 13/02/2020
EVFTA: Dấu mốc mới của Việt Nam trên hành trình cải cách và hội nhập
01:00, 13/02/2020
M&A ngân hàng sẽ tiếp tục "nổi sóng"
11:01, 29/07/2019
Tuân thủ Basel II: M&A ngân hàng sẽ có sự chuyển biến
11:00, 01/03/2019
M&A ngân hàng sẽ sôi động hơn
11:01, 24/12/2018
Ngân hàng nào đáp ứng tiêu chí?
Theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ, một tổ chức sở hữu không quá 15% vốn điều lệ. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại các ngân hàng là 30%. Trường hợp ngoại lệ nói trên theo quy định tại EVFTA có thể cho phép room ngoại của các TCTD châu Âu tại 2 ngân hàng TMCP Việt Nam được vượt khỏi mức trần quy định hiện hành.
Theo bà Nguyễn Thanh Huyền- Vụ Hợp tác Quốc tế Bộ Tài chính, EVFTA được xây dựng theo nguyên tắc chọn – cho, khác với phương thức chọn- bỏ theo Hiệp định CPTPP. Đối với lĩnh vực dịch vụ, các khía cạnh mở cửa bao gồm phương thức đầu tư liên quan đến thành lập hiện diện thương mại ở các nước sở tại (liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, góp vốn/mua cổ phần…).
Đối với lĩnh vực tài chính thì ngân hàng được ưu tiên nới room ngoại phải thuộc ngân hàng cổ phần. Còn ngân hàng cổ phần nào sẽ đáp ứng được tiêu chí để các TCTD châu Âu nâng room ngoại lên 49%, phía EU sẽ xem xét và Bộ Tài chính và NHNN sẽ cân nhắc.
Một chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, việc lựa chọn ngân hàng được nới room ngoại của các TCTD Châu Âu lên 49% sẽ được dựa vào các tiêu chí, như sạch nợ xấu, hoạt động tín dụng cốt lõi, đáp ứng các tiêu chuẩn của NHNN.
Ở Top 10 ngân hàng TMCP tư nhân uy tín năm 2019 đã được công bố, các ngân hàng Techcombank, VPBank, ACB lần lượt đứng 3 vị trí dẫn đầu. Tiếp đó là TPBank, SHB, HDBank, Sacombank, VIB, MSB và SCB. Liệu việc nới room ngoại lên 49% cho duy nhất 2 ngân hàng có rơi vào 3 ngân hàng đứng ở 3 vị trí dẫn đầu hay không, cho đến nay vẫn là ẩn số.