Cơ hội chuyển mình cho VietABank
Sau một số lần tăng vốn bất thành, Ngân hàng TMCP Việt Nam (VietABank) tiếp tục “thử sức” trong năm nay để đáp ứng chuẩn Basel II.
Với lợi nhuận tăng trưởng tích cực trong năm 2019 và nỗ lực đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ..., nhiều chuyên gia nhận định VietABank có thể sẽ thành công trong đợt phát hành lần này.
Hướng tới chuẩn Basel II
HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) vừa thông qua Nghị quyết về việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ. Theo đó, ngân hàng dự kiến phát hành 150,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 100:43 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được 1 quyền mua và cứ 100 quyền mua được mua 43 cổ phiếu mới phát hành thêm). Theo đó, số cổ phiếu mới phát hành thêm sẽ được làm tròn xuống hàng đơn vị.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2018 thì giá trị sổ sách tại thời điểm 31/12/2018 của ngân hàng là 12.099 đồng/cổ phiếu. Nhưng do đây là đợt phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu nên HĐQT trình ĐHĐCĐ phê duyệt giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Thời gian phát hành cụ thể sẽ do HĐQT Ngân hàng quyết định sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận phương án phát hành.
Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của VietABank sẽ tăng từ gần 3.500 tỷ lên hơn 5.000 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc Ngân hàng này sẽ có cơ hội đáp ứng chuẩn Basel II.
Tăng trưởng tích cực
Theo báo cáo tài chính năm 2019, thu nhập lãi thuần giảm 8% so với năm trước, ghi nhận hơn 1.019 tỷ đồng, và hoạt động dịch vụ tăng mức lỗ lên hơn 13 tỷ đồng. Nhờ hoạt động kinh đồng doanh ngoại hối có lãi gần 10 tỷ đồng; hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lãi gần 2 tỷ đồng, cùng với hoạt động khác có lãi hơn 221 tỷ đồng và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm mạnh 27%, VietABank ghi nhận lãi sau thuế 244 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm 2018. Đây là mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực nhất trong nhiều năm qua.
Ông Nguyễn Văn Hảo, Tổng giám đốc VietABank, cho biết ngân hàng đang nỗ lực nghiên cứu sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; ứng dụng công nghệ và trí thông minh nhân tạo; từng bước xây dựng số hóa hoạt động nghiệp vụ và kinh doanh, cung cấp dịch vụ ngân hàng hiện đại cho khách hàng.
Chiến lược phát triển công nghệ nằm trong kế hoạch dài hạn của VietABank nhằm gia nhập sân chơi 4.0, mở rộng nền tảng ngân hàng số với nhiều dịch vụ cho khách hàng. Ngân hàng tập trung vào nền tảng mobile và điện toán đám mây để quản lý thông tin, dữ liệu theo hướng tự động hóa của ngành ngân hàng.
Có thể bạn quan tâm
VietABank lọt Top 100 sản phẩm, dịch vụ tin và dùng 2019
21:00, 18/11/2019
VietABank triển khai tín dụng phát triển nông nghiệp tại Tây Nguyên
16:53, 22/01/2019
VietABank mở rộng mạng lưới chi nhánh trên toàn quốc
10:46, 16/11/2018
VietABank chi 150 tỷ đồng mua gom 4,16% vốn PGBank
05:30, 18/09/2017
Cần chiến lược theo chiều sâu
Chuyên gia kiểm toán Nguyễn Văn Hải- KPMG cho biết, những ngân hàng quy mô lớn có lợi thế về cho vay do có mạng lưới khách hàng lớn; những ngân hàng này cũng triển khai cho vay ở những phân khúc có biên lợi nhuận cao như vay tiêu dùng... Cùng với lợi thế về cho vay, hoạt động dịch vụ cũng là lợi thế của những ngân hàng lớn, trong đó có thể kể đến dịch vụ thẻ và đặc biệt là nguồn thu từ việc liên kết bán bảo hiểm ngày càng gia tăng. Khi có dịch vụ tốt, ngân hàng sẽ có khả năng huy động vốn tốt hơn và cũng có nhiều đầu ra để cho vay, quay vòng vốn hơn...
Các ngân hàng có quy mô nhỏ gặp khó khăn khi cạnh tranh với những “ông lớn” đang ngày càng bành trướng về quy mô. Theo đó, nâng cao năng lực quản trị, đầu tư công nghệ hiện đại, đa dạng hóa dịch vụ, mở rộng mạng lưới hoạt động… là yêu cầu cấp thiết với các ngân hàng nhỏ trong điều kiện hiện nay.
Trước thực trạng trên, VietABank cũng đã và đang nỗ lực đáp ứng chuẩn Basel II, số hóa hoạt động kinh doanh, đổi mới dịch vụ… Điều này được kỳ vọng sẽ giúp ngân hàng trụ vững và vươn lên trong thời gian tới.
Một chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, Việt Á Bank cũng như các ngân hàng nhỏ cần có những chiến lược riêng dựa trên vị thế của mình. Trong thời gian tới, VietABank cần có chiến lược theo chiều sâu và có giá trị cốt lõi riêng, có như vậy mới tăng năng lực cạnh tranh và mở rộng thị phần hoạt động trong thời gian tới.