[COVID-19] Nhiều nước tung gói hỗ trợ tài chính tiếp sức nền kinh tế

Nguyễn Long 12/03/2020 11:00

Ứng phó với thiệt hại do đại dịch toàn cầu COVID-19 gây ra, nhiều quốc gia đưa ra biện pháp giảm lãi suất và các gói tài chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân...

Các nước rục rịch tung gói hỗ trợ kinh tế trước ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Các nước rục rịch tung gói hỗ trợ kinh tế trước ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Mỹ: Gói phục hồi kinh tế khẩn cấp hướng đến nhiều đối tượng

Nhằm đối phó các rủi ro từ dịch COVID-19, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ vừa hạ lãi suất mặc dù chưa tới phiên họp định kỳ ngày 17 - 18/3. Theo đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hạ 0,5% lãi suất tham chiếu, về quanh mức 1 - 1,25%. Quyết định này được đưa ra sau khi thị trường chứng khoán Mỹ có tuần lễ tồi tệ nhất kể từ năm 2008.

Bên cạnh đó, trong bài phát biểu từ Phòng Bầu dục đêm 11/3 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông sẽ cung cấp gói phục hồi kinh tế khẩn cấp cho những người Mỹ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tổng thống Trump cho biết ông sẽ đề nghị Quốc hội tăng thêm 50 tỷ USD cho chương trình này.

Để đảm bảo những người lao động Mỹ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có thể ở nhà mà không lo ngại về những khó khăn tài chính, tôi sẽ sớm có hành động khẩn cấp chưa từng thấy nhằm hỗ trợ tài chính. Mục đích của nó là dành cho các công nhân bị bệnh, phải cách ly hoặc phải chăm sóc người khác do dịch Covid-19. Tôi sẽ đề nghị Quốc hội có bước đi pháp lý để mở rộng biện pháp trợ giúp này”, người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định.

Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng công bố các biện pháp bổ sung nhằm ngăn chặn dịch COVID-19. “Tôi đã chỉ đạo Cơ quan doanh nghiệp nhỏ (SBA) thực hiện quyền hạn của họ nhằm hỗ trợ vốn và thanh khoản cho các công ty bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. SBA sẽ cung cấp các khoản vay kinh tế ở các bang và vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng. Đây là những khoản vay lãi suất thấp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ khắc phục được sự ngắt quãng kinh tế tạm thời do dịch COVID-19”.

Có thể bạn quan tâm

  • [COVID-19] VCCI Thanh Hóa kiến nghị giải pháp hỗ trợ, gỡ khó cho doanh nghiệp

    04:30, 09/03/2020

  • Gói tài chính 280.000 tỷ đồng hỗ trợ thiệt hại mùa dịch được phân bổ ra sao?

    16:04, 06/03/2020

  • Thanh Hóa hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

    17:39, 05/03/2020

  • Cần Nhà nước hỗ trợ để gạo Việt hưởng lợi từ EVFTA

    11:54, 05/03/2020

  • Sắp có gói tín dụng hỗ trợ thiệt hại dịch COVID-19 trị giá 285.000 tỷ đồng

    10:37, 05/03/2020

Anh: Tung gói hỗ trợ tài chính cao nhất từ trước đến nay

Nhận định sự bùng nổ của COVID-19 sẽ gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã quyết định cắt giảm lãi suất khẩn cấp 50 điểm cơ bản. Lãi suất hiện tại của Anh là 0,25%.

Quyết định này được đưa ra chỉ 1 tuần sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất khẩn cấp cũng như chỉ vài giờ trước khi Chính phủ Anh công bố ngân sách.

Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 8/2016 BOE quyết định giảm lãi suất. Theo BOE, dù mức độ tổn hại từ cú sốc kinh tế do dịch COVID-19 gây ra là chưa rõ ràng, nhưng hoạt động kinh tế tại Anh có thể suy giảm trong vòng vài tháng tới.

Không chỉ vậy, theo CNBC, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak tuyên bố Quốc hội Anh sẽ chi khoảng 7 tỷ bảng (tương đương 9 tỷ USD ) để hỗ trợ thị trường lao động và 5 tỷ bảng ( 6,46 tỷ USD ) cho hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Ông Sunak cũng công bố gói tài chính 18 tỷ bảng ( 23,26 tỷ USD ) để hỗ trợ nền kinh tế Anh. Như vậy, quy mô gói cứu trợ chống dịch Covid-19 của chính phủ Anh lên đến 30 tỷ bảng (gần 39 tỷ USD ).

Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách Anh tuyên đây là gói hỗ trợ lớn nhất của nước này kể từ năm 1992.

Hàn Quốc: Gói kích thích, cứu chuỗi cung ứng và tiêu dùng

Hàn Quốc đã công bố gói kích thích 11.700 tỷ won (tương đương 9,8 tỷ USD) để bảo vệ nền kinh tế, ngăn chặn dịch bệnh ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng và làm suy yếu tiêu dùng trong bối cảnh Hàn Quốc đang là ổ dịch lớn thứ hai ở bên ngoài Trung Quốc. 

Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-Ki thông báo ngân sách bổ sung 11.700 tỷ won, dự kiến trình Quốc hội thông qua, sẽ dùng để cấp cho hệ thống y tế, chăm sóc trẻ em và hỗ trợ các thị trường hàng ngoài trời (outdoor markets).

Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hong Nam-Ki cho biết: “Trong ngân sách bổ sung này, 3.200 tỷ won sẽ bù đắp cho thâm hụt doanh thu và 8.500 tỷ won sẽ là số tiền bổ sung bơm vào nền kinh tế. Nền kinh tế đang trong tình trạng báo động. Chúng tôi sẽ ưu tiên các chính sách nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực dễ bị tổn thương, các doanh nghiệp vừa và nhỏ và nhóm lao động làm việc tự do”.

Nhật Bản: Hướng đến doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ

Nhật Bản trong tuần tới cũng sẽ công bố đợt 2 các biện pháp giảm thiểu thiệt hại đối với nền kinh tế do dịch COVID-19, trong đó trọng tâm sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ ứng phó với tình trạng thiếu hụt tài chính bằng cách sử dụng 270 tỷ JPY (tương đương 2,5 tỷ USD) vốn dự phòng ngân sách quốc gia.

Chính phủ Nhật dự kiến tổng gói tài chính hỗ trợ cho các đối tượng này trị giá 430,8 tỷ JPY. Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cho biết, những nhà đầu tư có liên kết với chính phủ sẽ cung cấp các khoản vay không tính lãi dành cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp, Nhật Bản cũng sẽ sử dụng gói tài chính trên để đầu tư vào các hạng mục y tế và trợ cấp cho những trường hợp phải ở nhà trông con do các trường học đều đã đóng cửa đến tháng 4.

Bộ Tài chính Nhật Bản cũng kêu gọi các tổ chức tín dụng và ngân hàng khu vực lắng nghe tình hình thực tế của các doanh nghiệp để có thể đưa ra biện pháp hỗ trợ thích hợp.

Việt Nam: Gói tài chính đi cùng tài khóa trị giá 280.000 tỉ đồng

Hôm 6/3 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị 11 với 7 giải pháp trọng tâm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch dịch bệnh COVID-19.

Gói tín dụng để tiếp tục đầu tư cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 có tổng giá trị 280.000 tỉ đồng trên toàn hệ thống. Trong đó gói tín dụng hỗ trợ các đối tượng bị thiệt hại bởi dịch và khắc phục sản xuất kinh doanh dự kiến trị giá 250.000 ti đồng, với sự tham gia của các tổ chức tín dụng lớn. Song song là gói tài khóa miễn giảm thuế, phí và các loại phí trị giá 30.000 tỉ đồng.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thời điểm hiện nay, việc hạ lãi suất hay “bơm” nguồn tín dụng ưu đãi trước mắt không hỗ trợ được nhiều cho các doanh nghiệp. Bởi khó khăn hiện tại của doanh nghiệp không phải vấn đề của thị trường tiền tệ mà là thị trường hàng hóa đang bị ngưng trệ. Doanh nghiệp sản xuất vẫn đứng trước nỗi lo lớn về đứt đoạn nguồn cung. Cầu tiêu dùng cũng sụt giảm do tâm lý lo ngại đại dịch, người dân thắt chặt chi tiêu.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 0,06%, giảm so với mức tăng 1% cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy, các doanh nghiệp đang phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh do dịch bệnh.

TS.Bùi Quang Tín – Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM khẳng định, thị trường khó có thể hấp thụ được một lượng vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng này trong một sớm một chiều. Vì vậy bên cạnh những gói tín dụng lãi suất thấp, hiệu quả hơn là ngành ngân hàng nên xem xét cắt giảm lãi vay với dư nợ hiện tại cho doanh nghiệp.

Các tổ chức tín dụng cũng đã và đang chờ rà soát và chờ Thông tư hướng dẫn để xem xét cơ cấu khoản nợ,  giãn nợ cho các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ khắc phục thiệt hại do dịch, duy trì sản xuất.

Nguyễn Long