[COVID-19] Nhiều ngân hàng vào cuộc giảm lãi suất huy động và cho vay

Lê Mỹ 17/03/2020 16:00

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ mạnh một loạt lãi suất điều hành, có hiệu lực từ 17/3, một số các ngân hàng cũng đã bắt đầu điều chỉnh hạ lãi suất huy động.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã có phản ứng nhanh, ra quyết định điều chỉnh lãi suất huy động. Cụ thể, đối với khách hàng cá nhân, lãi suất huy động được OCB điều chỉnh giảm từ 0,2% cho tất cả các kỳ hạn, hiệu lực từ 17/3/2020. Hiện lãi suất huy động dao động từ 4,6%/năm đối với kỳ hạn ngắn, riêng kỳ hạn từ 6 tháng trở lên lãi suất tiết kiệm vẫn được OCB áp dụng mức tương đối cạnh tranh trên thị trường từ 7% trở lên. Song song với đó, OCB khuyến khích khách hàng gửi tiết kiệm online trên OCB OMNI với tất cả các kỳ hạn ở mức cộng thêm lãi suất 0,1% so với gửi tại quầy và cộng thêm lãi suất trên kỳ hạn, giá trị tùy khoản, so với biểu niêm yết.

Ngân hàng tặng khẩu trang cho khách hàng khi đến giao dịch

Hiện lãi suất huy động dao động từ 4,6%/năm đối với kỳ hạn ngắn, riêng kỳ hạn từ 6 tháng trở lên lãi suất tiết kiệm vẫn được OCB áp dụng mức tương đối cạnh tranh trên thị trường từ 7% trở lên.

Lãnh đạo OCB cho biết quyết định điều chỉnh lãi suất là tuân thủ chủ trương của Chính phủ và NHNN đề ra, cũng là nhằm góp phần ổn định mặt bằng lãi suất huy động, tạo cơ sở tiếp tục giảm lãi suất cho vay cho khách hàng trong thời gian tới. 

Trong khi đó, sáng ngày 17/3, HDBank cũng đã triển khai điều chỉnh lãi suất tiền gửi của khách hàng tổ chức với các kỳ hạn dưới 6 tháng, mức giảm từ 0,2-0,25%. Theo đó, lãi suất không kỳ hạn chỉ còn 0,3%, lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng ở mức 4,25%, từ 3-5 tháng là 4,45%. Các kỳ hạn huy động khác của HDBank vẫn giữ nguyên không thay đổi biểu lãi suất đã niêm yết trước 17/3.

Một số ngân hàng trước đó, cũng đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động để giảm chi phí đầu vào. Mức giảm lãi suất tiền gửi dao động từ 0,1 - 0,4 điểm phần trăm ở một số kỳ hạn, và được triển khai ở khoảng tuần đầu tháng 3. Điển hình có ABBank áp dụng biểu lãi suất huy động mới từ 6/3 theo xu hướng giảm lãi ở một số kỳ hạn và xét trên giá trị của từng khoản tiền gửi, bao gồm cả kỳ huy động trên 6 tháng và trên 12 tháng. Techcombank cũng công bố biểu lãi suất mới, giảm 0,1 - 0,2 điểm phần trăm so với trước. Cụ thể, ở kỳ hạn 12 tháng tại quầy, tùy theo số tiền gửi, lãi suất giảm từ mốc 6,3 - 7% mỗi năm xuống tương ứng còn 6,1 - 6,8% một năm. Triển khai đồng loạt giảm lãi suất huy động của diễn ra với LienVietPostBank, PBank, SCB, VIB...

Có thể bạn quan tâm

  • Ngành ngân hàng trao 120 tỷ đồng chung tay chống dịch COVID-19 và chống hạn mặn

    12:46, 17/03/2020

  • NHNN quyết định giảm đồng loạt lãi suất điều hành

    19:00, 16/03/2020

  • NHNN chính thức ban hành Thông tư hướng dẫn cơ cấu nợ, miễn giảm lãi cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

    19:09, 12/03/2020

  • [GÓP SỨC CHỐNG COVID-10] Thủ tướng: "Người có tiền góp tiền, có sức góp sức, có ý tưởng góp ý tưởng"

    14:40, 17/03/2020

Nhìn chung, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng trở nên khó khăn do tác động của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp bị cắt nguồn thu, đình trệ hoạt động, người lao động bị giảm thu nhập dẫn đến giảm sức mua, sức hấp thụ vốn được dự báo sẽ còn chậm lại. Theo đó, việc NHNN ra quyết định giảm mạnh một loạt lãi suất điều hành bao gồm cả lãi suất huy động, cho vay là phù hợp với diễn biến nền kinh tế và đúng hướng chủ đích hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Các ngân hàng trên cơ sở quy định của NHNN ban hành, giảm lãi suất đầu vào cũng là giảm áp lực chi phí huy động, tạo vốn rẻ hơn và có nhiều điều kiện để cung cấp vốn cho doanh nghiệp, người dân khắc phục thiệt hại do dịch COVID-19, tiếp tục hỗ trợ sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Trước khi điều chỉnh lãi suất huy động, bản thân nhiều TCTD cũng đã triển khai đồng loạt các chương trình hạ lãi suất cho vay. Mức lãi vay ưu đãi được áp dụng trên diện rộng đến cả doanh nghiệp, các hộ kinh doanh lẫn khách hàng cá nhân. Vietinbank có gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, HDBank có gói 5.000 tỷ đồng tài trợ ưu đãi cho doanh nghiệp SME với lãi suất ưu đãi chỉ 6,5%/năm cùng nhiều gói cho vay ưu đãi chuyên biệt khác và sắp tới sẽ dành dành 10.000 tỷ đồng cho vay bình ổn thị trường tiêu dùng sản xuất và cung ứng made in Vietnam, hỗ trợ nuôi trồng, chế biến và sản xuất trong nước, với lãi suất linh hoạt dành cho khách hàng doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các chuỗi siêu thị như Saigon Coop, Masan...

OCB cũng triển khai gói tín dụng ưu đãi 500 tỷ đồng dành cho các công ty xuất nhập khẩu và chuỗi cung ứng thuộc những ngành ưu tiên phát triển của khối Khách hàng Siêu nhỏ (MSME). VPBank đã giảm lãi vay tới 1,5% cho các khách hàng SME; VIB công bố đã giảm lãi vay đối với khoảng 2.500 tỷ đồng trên tổng dư nợ của 600 khách hàng với kỳ hạn vay ngắn hạn; Sacombank triển khai giảm lãi vay 2%/ năm cho cả khách hàng doanh nghiệp và cá nhân...

Như dự đoán của các công ty chứng khoán trước ngày 16/3, lãi suất huy động sẽ giảm khi NHNN có quyết định can thiệp với các biện pháp mạnh tay hơn thông qua hạ các lãi suất điều hành. "Việc NHNN hạ lãi suất điều hành không tác động trực tiếp tới lãi suất huy động và cho vay doanh nghiệp và dân cư nhưng có thể kéo giảm lãi suất trên liên ngân hàng, hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM", Bộ phận nghiên cứu của SSI đánh giá.

Với thực tế tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm chỉ đạt 0,06%, mức thấp nhất so với cùng kỳ của 6 năm trở lại đây, tức là chỉ có 5.000 tỷ đồng được giải ngân trong 2 tháng qua, các biện pháp điều chỉnh mạnh tay này của NHNN và nỗ lực của các ngân hàng như nêu, hy vọng sẽ tăng thêm điều kiện để tăng sức hấp thụ vốn của nền kinh tế với thời gian không quá trễ.

Lê Mỹ