VNDIRECT: Chính sách tài khoá cần được ưu tiên sử dụng để hỗ trợ nền kinh tế

Minh Ngọc 21/03/2020 12:16

Trong thời gian qua, các Ngân hàng Trung ương (NHTW) đồng loạt hạ lãi suất điều hành để ngăn chặn đà suy giảm kinh tế trước đại dịch COVID-19.

Cụ thể ngày 15/3, Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (FED) đã quyết định cắt giảm 100 điểm cơ bản lãi suất điều hành xuống mức gần 0% trong nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế Mỹ chống lại những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19.

Đây là một trong những bước đi quyết liệt nhất của FED kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khi hạ lãi suất điều hành xuống mức 0% (cận dưới) đến 0,25% (cận trên), tương đương với mức lãi suất điều hành trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008.

Đồng thời, FED tuyên bố tái khởi động lại chương trình nới lỏng định lượng (QE) bằng việc cam kết mua 700 tỷ USD trái phiếu Chính phủ và chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp.

Bên cạnh đó, FED Mỹ còn thông báo thêm một số hành động, bao gồm cho phép các ngân hàng thương mại vay tái chiết khấu với thời hạn lên tới 90 ngày và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống còn 0%.

Thêm vào đó, FED còn phối hợp với 5 ngân hàng khác để đảm bảo nguồn cung USD trên toàn thế giới thông qua các hợp đồng hoán đổi.

Các hành động trên của FED theo sau những quyết định được đưa ra trước đó vào ngày 3/3 khi FED tuyên bố hạ 50 điểm cơ bản lãi suất điều hành và tăng mạnh quy mô các thỏa thuận mua lại (repo) trị giá 1.500 tỷ USD. 

Theo đó sẽ mua lại trái phiếu kho bạc và các chứng khoán khác từ các ngân hàng và thương nhân với thỏa thuận bán lại có lãi vào ngày hôm sau hoặc sau đó.

Đây là một chuỗi các hành động khẩn cấp của FED nhằm đảm bảo đủ thanh khoản cho các định chế tài chính nhằm ổn định thị trường tài chính cũng như giảm lãi suất đi vay xuống mức thấp nhất có thể để hỗ trợ nền kinh tế.

Tuy nhiên, các động thái hỗ trợ của FED chưa thể xóa đi lo ngại ngày một tăng của nhà đầu tư về viễn cảnh suy giảm của nền kinh tế toàn cầu, theo đó các chỉ số chứng khoán trên thế giới tiếp tục giảm điểm mạnh trong phiên ngày 16/3.

Các NHTW trên thế giới đồng loạt nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế đối phó với đại dịch COVID-19

Các NHTW trên thế giới đồng loạt nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế đối phó với đại dịch COVID-19

Động thái mới nhất của FED nằm trong chuỗi các hành động phối hợp của các NHTW trên thế giới nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế toàn cầu.

Tính từ đầu tháng 2 năm 2020, đã có trên 30 NHTW trên thế giới đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất điều hành cũng như tung ra gói nới lỏng định lượng (QE) nhằm cung cấp thanh khoản và hỗ trợ bình ổn thị trường tài chính.

Có thể bạn quan tâm

  • [DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH TUẦN TỪ 16-21/3] NHNN hạ lãi suất điều hành

    [DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH TUẦN TỪ 16-21/3] NHNN hạ lãi suất điều hành "giải cứu" doanh nghiệp

    11:25, 21/03/2020

  • NHNN quyết định giảm đồng loạt lãi suất điều hành

    NHNN quyết định giảm đồng loạt lãi suất điều hành

    19:00, 16/03/2020

  • [GÓI HỖ TRỢ 285 NGÀN TỶ ĐỒNG] NHNN xem xét cơ cấu lại khoản nợ tổng 21.753 tỷ đồng cho doanh nghiệp

    [GÓI HỖ TRỢ 285 NGÀN TỶ ĐỒNG] NHNN xem xét cơ cấu lại khoản nợ tổng 21.753 tỷ đồng cho doanh nghiệp

    13:59, 13/03/2020

  • NHNN chính thức ban hành Thông tư hướng dẫn cơ cấu nợ, miễn giảm lãi cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

    NHNN chính thức ban hành Thông tư hướng dẫn cơ cấu nợ, miễn giảm lãi cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

    19:09, 12/03/2020

Tuy nhiên, VNDIRECT cho rằng các biện pháp nới lỏng tiền tệ là chưa đủ để ngăn chặn sự suy giảm của nền kinh tế thế giới trong nửa đầu năm 2020 do ảnh hưởng của việc đóng cửa nhà máy tại một số nơi trên thế giới để phòng dịch COVID-19 đã gây ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Vì vậy, VNDIRECT cho rằng các Chính phủ trên thế giới cần phối hợp hành động và tung ra các gói hỗ trợ tài khóa mạnh mẽ hơn nữa nhằm ngăn chặn đà suy giảm kinh tế.  

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có động thái mạnh mẽ để hỗ trợ nền kinh tế chống lại các tác động tiêu cực từ COVID-19

Diễn biến một số loại lãi suất điều hành của NHNNVN (2014-2020)

Diễn biến một số loại lãi suất điều hành của NHNNVN (2014-2020)

Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn giảm xuống 5%/năm từ mức 6%/năm trước đó và lãi suất tái chiết khấu giảm xuống 3,5%/năm từ mức 4%/năm trước đó.

Đối với lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016, NHNN ban hành Quyết định số 420 giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm.

NHNN đồng thời hạ lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm. Bên cạnh đó, NHNN còn nâng lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND lên 1,0%/năm từ mức 0,8%/năm.

Theo quan điểm của VNDIRECT, động thái cắt giảm lãi suất lần này của NHNN là rất quyết liệt với mục tiêu bổ sung thanh khoản cho hệ thống tài chính nhằm vượt qua giai đoạn sóng gió hiện nay cũng như hạ chi phí vay vốn của các doanh nghiệp nội địa để hỗ trợ nền kinh tế.

Tuy nhiên, VNDIRECT dự đoán lạm phát năm nay có thể tiệm cận mức trần Quốc hội giao là 4,0%, do đó dư địa để NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành không còn nhiều.

Ngoài ra, VNDIRECT nhận thấy trong tình hình hiện tại rất khó để các ngân hàng thúc đẩy cho vay vì nhu cầu tín dụng trong giai đoạn hiện nay khá thấp do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Do đó, VNDIRECT cho rằng chính sách tài khoá cần được ưu tiên sử dụng trong các quý tới đây để hỗ trợ nền kinh tế.

Minh Ngọc