Vì sao Fitch Ratings hạ triển vọng tín nhiệm của 5 ngân hàng?
Fitch Ratings vừa hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm của VietinBank, Vietcombank và ANZ Việt Nam từ "tích cực" xuống "ổn định" và của ACB và MB từ "ổn định" xuống "tiêu cực".
Fitch Ratings cho biết sở dĩ tổ chức này hạ bậc tín nhiệm của các ngân hàng nói trên do tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tăng chậm lại, đạt 3,82% trong quý I so với mức 7% của quý IV/2019 và tăng trưởng cả năm có thể chỉ ở mức 3,3%, thấp nhất từ năm đầu tiên sau cải cách 1987. Điều này có thể tác động tiêu cực đến hoạt động tín dụng của các ngân hàng trong thời gian tới. Fitch Ratings mong đợi sự phục hồi kinh tế vững chắc vào năm 2021, dù những tác động xấu từ đại dịch sẽ vẫn còn kéo dài đối với các ngân hàng.
Một chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, việc Fitch hạ bậc tín nhiệm của 5 ngân hàng nói trên không ảnh hưởng nhiều đến các ngân hàng này. Sở dĩ như vậy là bởi, xếp hạng tín nhiệm của Fitch hay bất kỳ tổ chức quốc tế nào chỉ có tính chất tham khảo để các nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư vào một tài sản nào đó. Với các ngân hàng, những xếp hạng này cũng có tác động nhất định đến hoạt động phát hành trái phiếu hay huy động tiền gửi… Tuy nhiên, các ngân hàng nội đa phần chỉ hoạt động tại thị trường nội địa, trong khi hiện không mấy người dân trong nước quan tâm đến xếp hạng này của các tổ chức quốc tế. Bởi vì, khi quyết định gửi tiền, nhiều người chủ yếu quan tâm đến lãi suất…
"Việc các ngân hàng bị Fitch hạ triển vọng tín nhiệm có thể sẽ khiến các ngân hàng nói trên gặp khó khăn hơn trong việc huy động vốn từ thị trường quốc tế cũng như tìm kiếm các nhà đầu tư nước ngoài", vị chuyên gia nói trên nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Bộ Tài chính nói gì về việc Fitch Ratings giữ nguyên hệ số tín nhiệm của Việt Nam?
13:30, 10/04/2020
Vì sao Fitch dự báo Việt Nam tăng trưởng 3,3% năm 2020?
09:54, 09/04/2020
Vì sao Fitch nâng triển vọng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên tích cực?
00:00, 10/05/2019
Fitch nâng triển vọng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên tích cực
20:08, 09/05/2019
Trong khi đó, Fitch cũng hạ triển vọng chất lượng tài sản của tất cả các ngân hàng Việt Nam từ ổn định xuống tiêu cực. Đánh giá tiêu cực này cũng xem xét đến yếu tố tăng trưởng tín dụng nhanh của các ngân hàng trong những năm gần đây, đặc biệt là cho vay tiêu dùng và cho vay không có tài sản bảo đảm. Tại một số ngân hàng, các khoản dự phòng rủi ro tín dụng chưa đủ, khiến cho bộ đệm tài chính vẫn chưa vững chắc. Nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục phải nắm giữ trái phiếu của Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC).
Trong thời gian qua, NHNN đã cắt giảm lãi suất điều hành và chỉ đạo các ngân hàng thương mại tung ra các gói hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đồng thời nới lỏng các quy định về phân loại và trích lập dự phòng. Do đó, Fitch cho rằng ngành ngân hàng đã trở thành kênh trung gian quan trọng trong việc cứu trợ tài chính và có thể sẽ chịu phần lớn gánh nặng chính sách.
Đặc biệt, Fitch nhận định lợi nhuận của các ngân hàng sẽ chịu áp lực đáng kể do nhu cầu tín dụng giảm và lãi suất cho vay thấp hơn sau khi NHNN tuyên bố cắt giảm lãi suất điều hành và yêu cầu các ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
"Lãi suất tiền gửi không giảm quá nhiều do đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền. Tăng trưởng tín dụng chậm hơn và thu nhập từ phí thấp hơn, đồng nghĩa các ngân hàng có thu nhập lõi thấp hơn để chi trả cho các chi phí tín dụng", Fitch cho biết.
Đáng chú ý, triển vọng về cơ cấu vốn của hầu hết các ngân hàng được Fitch xếp hạng triển vọng là ổn định với hy vọng lợi nhuận sẽ đủ để hỗ trợ tăng trưởng bảng cân đối kế toán.