[eMagazine] Doanh nghiệp “kêu trời” vì không với tới gói 300.000 tỷ đồng
Dù gói hỗ trợ tín dụng 285.000 tỷ đồng (nay là 300.000 tỷ đồng) đã được triển khai từ một vài tháng nay, nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được gói này.
Gói hỗ trợ tín dụng trí giá 300.000 tỷ đồng đã sẵn sàng, trong đó nhiều ngân hàng cũng đã tung ra các gói tín dụng của riêng mình với lãi suất ưu đãi. Chẳng hạn như đầu tháng 4/2020, Techcombank đã công bố triển khai các gói tín dụng ưu đãi lên tới 20.000 tỷ đồng dành cho khách hàng doanh nghiệp chịu tác động của dịch COVID-19. Gói hỗ trợ này bao gồm giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng hiện hữu chịu tác động của COVID-19, tối đa lên đến 2%, hay giải ngân trong hạn mức với mục đích thanh toán lương và các khoản theo lương với lãi suất đặc biệt ưu đãi, thấp hơn đến 5% so với lãi suất thông thường.
Hay như gói vay vốn trung- dài hạn “Đồng hành, Vươn xa” của BIDV có quy mô 20.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ từ 7,3%/năm, triển khai từ nay đến 30/09/2020 (hoặc đến hết quy mô gói); HDBank cũng công bố hạ lãi suất 2-4,5% không cần yêu cầu hay chứng minh thiệt hại do COVID-19. Song song với đó là cấp tiếp gói Swift SME 5.000 tỷ đồng hỗ trợ nhanh các khách hàng doanh nghiệp để có dòng vốn ổn định sản xuất kinh doanh và gói 5.000 tỷ đồng cho vay chi lương cán bộ nhân viên (CBNV)…
Tuy nhiên khi trao đổi với DĐDN, nhiều doanh nghiệp phản ánh vẫn khó tiếp cận được gói tín dụng 300.000 tỷ đồng. Bởi muốn muốn vay vốn thì doanh nghiệp phải chứng minh được vay để làm gì, dự án có thật không, có hiệu quả không, có nguyên liệu đầu vào, có thị trường đầu ra, có tài sản đảm bảo hay không…? Đây là những điều kiện thực sự hóc búa đối với nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh dịch bệnh đang vắt kiệt sức của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, phải chịu trách nhiệm bảo toàn vốn với cổ đông, với người dân và với pháp luật, nên không thể cho vay quá dễ dãi. Do đó, cần cơ chế bảo lãnh, hoặc cho vay tái cấp vốn để các ngân hàng hỗ trợ mạnh tay hơn đối với các doanh nghiệp.
“Ngành ngân hàng đã và đang hỗ trợ doanh nghiệp, chấp nhận giảm lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng không phải cho vay vô tội vạ, vô điều kiện. Nếu cho vay quá dễ dãi, doanh nghiệp dùng vốn vay để đảo nợ, sử dụng không hiệu quả thì nợ xấu sẽ tăng vọt, ai sẽ chịu trách nhiệm?”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế-NHNN nhấn mạnh.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HOREA):
Khoanh nợ để “khoan sức doanh nghiệp” trong mùa dịch
Vốn tín dụng lúc này có ý nghĩa sống còn đối với các doanh nghiệp hơn lúc nào hết. Việc Chính phủ và NHNN chỉ đạo, giao các ngân hàng triển khai các gói tín dụng, theo đăng ký đã đạt 300.000 tỷ đồng là một hỗ trợ có ý nghĩa lớn, là cơ hội để các doanh nghiệp đàm phán lại với ngân hàng.
Trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản cũng như các lĩnh vực khác, chắc chắn, mỗi doanh nghiệp, chủ đầu tư sẽ có những điều khoản riêng về nợ vay, trả lãi, trả nợ khác nhau… Theo đó, việc đàm phán cũng phải do chính từng doanh nghiệp đứng ra thực hiện và không thể đòi hỏi hay mong muốn có chính sách hỗ trợ như nhau.
Hiện tại, HOREA đang soạn thảo phương án đề xuất NHNN tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng triển khai mạnh hơn nữa các giải pháp hỗ trợ khách hàng thiệt hại do dịch COVID-19, đặc biệt tiếp sức cho các doanh nghiệp cầm cự và ổn định kinh doanh vượt qua mùa dịch. Trong đó, chú trọng xem xét lại cấu trúc lãi vay để giảm lãi suất vay cho doanh nghiệp ở mức lãi suất thấp nhất. Bởi lúc này cũng như hậu dịch, chắc rằng thị trường đều khó có điều kiện hấp thụ hàng hóa như khi điều kiện bình thường.
Bên cạnh đó, như NHNN đã chỉ đạo, các NHTM cần quan tâm xem xét các đề nghị của doanh nghiệp, đặc biệt không chuyển nợ quá hạn, nợ đến hạn chưa trả của doanh nghiệp thành nợ xấu ngay lúc này. Ngành ngân hàng cần thực hiện chính sách “khoan sức doanh nghiệp” – qua khoanh nợ.
HOREA cũng kiến nghị NHNN chỉ đạo các NHTM và đề nghị các NHTM sẽ triển khai tín dụng cho vay mua nhà với mức lãi suất thấp hơn mức trước đây (trước đây cho vay lãi trên dưới 10%/năm), đồng thời đề nghị xem xét giảm áp lực trả nợ gốc và lãi vay cho khách hàng mua nhà. Có như vậy, mới kích cầu kinh tế, kích cầu bất động sản, qua đó ngân hàng cũng giải ngân được tín dụng để gói hỗ trợ tín dụng thực sự kích thích kinh tế đi qua dịch bệnh.
Luật sư Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA):
Xem xét kéo dài thêm thời gian lùi nộp tiền thuế
Hiện nay, Nhà nước có 2 gói hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh và người dân có giá trị lớn, trong đó gói hỗ trợ tài khóa trị giá 180.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tín dụng trị giá 300.000 tỷ đồng.
Cho đến hiện tại, gói tài khóa được doanh nghiệp đón nhận rất tốt. Gói này sẽ có hiệu ứng tích cực giúp doanh nghiệp, người dân được lùi nộp thuế (lùi chứ không phải miễn), giúp giảm bớt áp lực chi phí thuế và tiền thuê đất trong một thời gian khó khăn nhất định.
Để gói này hiệu quả hơn nữa, thì cơ quan quản lý cần có các hướng dẫn cụ thể hơn, tránh chồng chéo quy định và thủ tục hành chính, tránh tình trạng xin- cho cũng như hồi tố về sau.
Trong khi đó, ở gói tín dụng 300.000 tỷ đồng, có một bất cập rất khó xử lý, đó là gói này dựa trên sự chủ động cân đối của các ngân hàng. Bản thân ngân hàng cũng là doanh nghiệp, họ không thể mạnh tay cho vay đối với các trường hợp khách hàng tín nhiệm thấp, không có tài sản đảm bảo hay phương án kinh doanh không khả thi, tiềm ẩn rủi ro cao. Do đó, những doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân nào đã có tín nhiệm nhất định, đã tiếp cận được tín dụng, thì mới được giảm lãi suất cho vay và được vay mới theo gói tín dụng này. Và họ được hỗ trợ theo dạng trước đây vay lãi ví dụ 6%/năm, thì nay lãi vay sẽ giảm xuống 5%/năm.
Những đối tượng nào trước đây khó tiếp cận tín dụng, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có cấu trúc vốn mỏng, không có tài sản đảm bảo, sản xuất kinh doanh đang gặp khó khăn…, thì nay cũng khó tiếp cận tín dụng theo gói tín dụng 300.000 tỷ đồng. Hay nói cách khác, nếu doanh nghiệp nào không đủ điều kiện, thì ngân hàng đương nhiên không cho vay.
Trên thực tế, cũng không thể ép được ngân hàng vì ngân hàng cũng phải kinh doanh, phải đảm bảo an toàn vốn vay. Trừ trường hợp tiếp vốn bù lãi suất thì may ra ngân hàng mới có thể dành một khoản cho vay hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất thấp, nới lỏng điều kiện hơn.
Tôi cho rằng, quan hệ tín dụng – doanh nghiệp hiện tại vẫn đang là quan hệ theo cơ chế thị trường, ngay ở các chương trình kết nối doanh nghiệp – ngân hàng cũng vậy. Do đó để hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp, vẫn cần gói tài khóa nhiều hơn, thậm chí nên chăng có thể tăng và kéo dài thêm thời gian lùi nộp tiền thuế nếu diễn biến dịch phức tạp kéo dài, hoặc thậm chí miễn tiền thuê đất… Theo cách thức đó, thì Nhà nước hỗ trợ gì, doanh nghiệp và người dân được hưởng luôn. Còn với những đơn vị kinh doanh mà không tiếp cận được tín dụng hỗ trợ, thì vẫn phải xoay vốn bên ngoài, cầm cự, giảm thiểu các chi phí không cần thiết để qua cơn sóng gió, mới hy vọng hồi phục trở lại.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT- TGĐ Công ty Du lịch Vietravel:
Cần có gói hỗ trợ riêng cho ngành du lịch
Với nhiều doanh nghiệp lữ hành, việc tiếp cận tín dụng từ ngân hàng thương mại, nhất là các gói ưu đãi lãi suất rất khó vì doanh nghiệp lữ hành không có tài sản thế chấp. Trụ sở của phần lớn doanh nghiệp lữ hành đều đi thuê hoặc mua thì giá trị cũng không cao để bảo đảm khoản vay.
Do đó, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến được tay doanh nghiệp trong ngành du lịch lại quá khó, trong khi du lịch là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19.
Ngành du lịch thời gian qua đã đóng góp vào tăng trưởng GDP trên 8%, riêng tại TP HCM ngành đóng góp tới 10%-11%, nên Chính phủ cần có gói giải cứu riêng cho du lịch; quy định rõ cách tiếp cận để các doanh nghiệp trong ngành mũi nhọn này có thể cầm cự, chờ cơ hội phục hồi sau dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNG:
Cần giản hóa thủ tục xét duyệt tín dụng hơn nữa
Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) đã công bố BCTC hợp nhất quý 1/2020 với doanh thu và lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ. Cụ thể doanh thu thuần đạt hơn 773 tỷ đồng, giảm 4% và lãi sau thuế đạt gần 34 tỷ đồng, giảm 10% cùng kỳ năm trước.
Dịch bệnh COVID-19 khiến nguyên phụ liệu nhập khẩu tháng 2 của Công ty bị chậm, nên các chỉ tiêu công ty xây dựng cho quý 1 không đạt như kỳ vọng. Trong khi đó, các khoản chi phí đầu vào, chi phí lương công ty vẫn duy trì thanh toán đúng theo quy định và hợp đồng đã ký.
Trong bối cảnh đại dịch bùng phát, TNG đã sản xuất khẩu trang kháng khuẩn phục vụ chống dịch đã giúp doanh thu tiêu thụ nội địa trong quý vừa qua đạt 63,3 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.
Nhìn chung, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp dệt may nói riêng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận gói tín dụng 300.000 tỷ đồng. Bởi vì đây là gói tín dụng do Chính phủ giao cho các ngân hàng giải ngân, chứ không phải từ ngân sách. Do đó, NHNN dành nhiều quyền tự quyết cho các ngân hàng thương mại. Trong khi bản thân các ngân hàng cũng hoạt động theo cơ chế của doanh nghiệp, phải chịu sức ép về chỉ tiêu lợi nhuận, về đồng vốn đã huy động.
Có thể bạn quan tâm
[TIẾP SỨC KINH TẾ] Các gói hỗ trợ 22 tỷ USD của Việt Nam có gì?
05:17, 16/04/2020
[TIẾP SỨC KINH TẾ ] Thêm 210 triệu USD hỗ trợ doanh nghiệp SME trong mùa dịch
12:30, 15/04/2020
[TIẾP SỨC KINH TẾ] Doanh nghiệp sẽ phá sản nếu gói cứu trợ chưa được giải ngân trong tháng 4
11:10, 15/04/2020
[TIẾP SỨC KINH TẾ] Tiếp cận gói tín dụng 300.000 tỷ đồng khó như "bắc thang lên trời"
05:09, 15/04/2020
Trước thực trạng nói trên, NHNN cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại đơn giản hóa thủ tục xét duyệt tín dụng hơn nữa, tăng cường cho vay tín chấp để giúp các doanh nghiệp dệt may tiếp cận gói tín dụng 300.000 tỷ đồng, có như vậy doanh nghiệp mới có cơ hội cầm cự, sống sót qua mùa dịch.
Ông Vương Công Văn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thiên Bằng:
Quỹ bảo lãnh tín dụng hành động tích cực hơn
Gói hỗ trợ tín dụng 300.000 tỷ đồng đã cho thấy sự phản ứng nhanh và linh hoạt của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trước những khó khăn của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, tôi cho rằng gói tín dụng này vẫn chưa có quy định cụ thể, vẫn còn chung chung, vẫn còn vấn đề mâu thuẫn lợi ích trong quá trình triển khai.
Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, khó khăn lớn nhất của chúng tôi là không nhập được các nguyên vật liệu từ nước ngoài như khuy áo, khoá, trong khi nguồn nguyên liệu trong nước có giá rát đắt, không cạnh tranh được về giá thành phẩm. Đầu ra cho sản phẩm cũng bị hạn chế khi thị trường trong nước không có khách hàng mới, việc xuất khẩu sang các thị trường như EU, Mỹ cũng bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Việc thực hiện cách ly xã hội cũng khiến doanh nghiệp gặp khó trong vấn đề sản xuất do phải cho 50% công nhân tạm nghỉ việc. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải đóng các khoản như thuế, bảo hiểm, chi phí mặt bằng… Do đó, việc kéo dài thời hạn lùi đóng tiền thuế, BHXH… là rất thiết thực trong điều kiện hiện nay.
Theo tôi, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần phải có sự đồng nhất giữa các địa phương, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phải đúng và trúng, bởi chúng ta không còn nhiều thời gian, phải khẩn trương trước khi quá muộn.