Trung gian dẫn vốn cho doanh nghiệp
Tín dụng đã và đang tăng trưởng rất chậm, trong khi nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang rất cần vốn để hồi phục sản xuất kinh doanh hậu dịch COVID-19.
Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia cho rằng cần trung gian kết nối giữa Nhà nước, ngân hàng và doanh nghiệp để khơi thông dòng vốn tín dụng cho doanh nghiệp.
Thế khó của ngân hàng
Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, hiện nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp không trả được nợ, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu gia tăng, ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của hệ thống TCTD. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp đã phát sinh nợ quá hạn, không đủ điều kiện để các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 01/2020/NHNN-TT nhưng vẫn liên tục kiến nghị, tạo áp lực cho các TCTD.
So với những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19, ngành ngân hàng ban đầu được các định chế đánh giá chịu thiệt hại nhẹ hơn. Song trên thực tế, thiệt hại của ngành này không hề nhẹ khi khoảng 70% tổng thu nhập của các TCTD vẫn đến từ thu nhập lãi.
“Không phải ngân hàng không muốn “tiêu” nhanh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, mà không được nới lỏng điều kiện vay. Bài học xử lý nợ xấu hậu khủng hoảng tài chính 2008 hay gần nhất là bài học của các ngân hàng 0 đồng, đối với chúng tôi, đến nay vẫn còn nóng”, Tổng giám đốc một ngân hàng nhấn mạnh.
Ngược lại, nếu không đẩy tín dụng, ngân hàng lại rơi vào khó khăn kép khi thiếu nguồn thu chính bù đắp cho các thiếu hụt do khoanh, giãn nợ, trích lập dự phòng rủi ro nợ cũ- mới.
Cần vai trò trung gian dẫn vốn
TS.Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, cho rằng nếu có đối tượng trung gian kết nối giữa bên ban hành chính sách (Nhà nước), bên thực thi chính sách (ngân hàng), bên thụ hưởng chính sách (doanh nghiệp), giúp các bên “thấu hiểu” nhau, thì gói hỗ trợ tín dụng sẽ được thúc đẩy với tốc độ nhanh hơn”, TS. Vũ Thành Tự Anh khuyến nghị.
Dẫn chứng các tổ chức kiểm toán quốc tế, như EY, KPMG… thường có các cẩm nang hướng dẫn doanh nghiệp muốn vay vốn ở Anh, Mỹ, TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng, nếu các bên trung gian ở Việt Nam cũng bắt tay làm ngay như vậy, sẽ không còn cảnh nhiều DNNVV than không tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng. “Cẩm nang này cần nêu rõ các tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu cần lưu ý, thực hiện… để doanh nghiệp tham khảo”, TS. Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh.
Trung gian này cũng bao gồm cả quỹ bảo lãnh tín dụng, được nhiều doanh nghiệp đặt kỳ vọng nhưng vẫn chưa phát huy được hiệu quả mong đợi mà DĐDN đã phản ánh trong kỳ báo trước.
Bên cạnh đó, không hàm nghĩa hạ chuẩn vay, nhưng TS.Vũ Thành Tự Anh cho rằng, thay vì chỉ nhìn tài sản đảm bảo hay dòng tiền, triển vọng của dự án kinh doanh, ngân hàng có thể căn cứ trên số liệu tăng trưởng nhân lực, việc đóng góp nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ với người lao động và an sinh xã hội của doanh nghiệp… trong năm liền trước để cấp vốn cho các doanh nghiệp.
Trên thực tế, trong nghiệp vụ thẩm định tín dụng chung, phần lớn các TCTD không có các tiêu chí nói trên. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc bổ sung những tiêu chí mới như trên là vô cùng cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp và nuôi dưỡng nguồn thu tương lai của mình.
Có thể bạn quan tâm
Cách nào nâng cao vai trò Quỹ bảo lãnh tín dụng?
11:30, 08/05/2020
Đề nghị Chính phủ tăng cường nguồn lực tài chính và con người cho các quỹ bảo lãnh tín dụng
10:49, 09/05/2020
[TIẾP SỨC KINH TẾ] Cần cơ chế hỗ trợ tín dụng đặc biệt cho các doanh nghiệp SME
06:01, 24/04/2020
[eMagazine] Các gói hỗ trợ tín dụng đã kích nhưng... hoạt thế nào?
14:50, 23/04/2020
Các gói hỗ trợ tín dụng đã kích nhưng... hoạt thế nào?
11:00, 23/04/2020
Gói hỗ trợ tín dụng đã được kích hoạt thực sự?
11:01, 03/04/2020