ABBANK đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.358 tỷ đồng năm 2020
ABBANK đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2020 là 1.358 tỷ đồng, đề xuất chưa chia cổ tức 2019 để tích luỹ vốn tăng cường năng lực tài chính, phục vụ chiến lược phát triển trong các năm tới.
Ngày 12/6 tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông. Tại Đại hội, ABBANK đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2020 với những chỉ tiêu tài chính cơ bản, bao gồm: Tổng tài sản đạt 110.918 tỷ đồng (tăng 8,2% so với năm 2019); Huy động từ khách hàng đạt 81.052 tỷ đồng (tăng 8,4% so với thực hiện năm 2019); Dư nợ tín dụng đạt 69.646 tỷ đồng (tăng 10,5% so với thực hiện năm 2019).
Lợi nhuận trước thuế đạt 1.358 tỷ đồng (tăng 10,5% so với thực hiện năm 2019); Tổng thu nhập tăng 641,1 tỷ (tương đương tăng 17,7% so với thực hiện năm 2019), trong đó thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 228,8 tỷ đồng (tương đương tăng 115,3% so với thực hiện năm 2019); Kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3% tổng dư nợ theo quy định của NHNN.
Các Báo cáo, Tờ trình đã được Đại hội đồng Cổ đông thông qua với tỷ lệ đồng ý cao thể hiện sự đồng thuận, thống nhất của Cổ đông.
Dự kiến, giai đoạn 2020 – 2025, ABBANK tiếp tục theo đuổi chiến lược bán lẻ, phát triển bền vững với mục tiêu trở thành một trong những ngân hàng có hiệu quả hoạt động tốt nhất Việt Nam.
"Từ năm 2020, ABBANK sẽ tập trung đẩy mạnh thu hút và khai thác sâu thêm nhiều khách hàng, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quản lý rủi ro vượt trội; chủ động và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các kênh bán hàng và phục vụ khách hàng… ABBANK cũng hướng tới việc đẩy mạnh tỷ trọng thu nhập từ bán lẻ (bao gồm khách hàng cá nhân và khách hàng SMEs) lên chiếm tối thiểu 70% tổng thu nhập từ khách hàng, thu từ dịch vụ (gồm phí bảo lãnh) chiếm tối thiểu 20% tổng thu nhập", đại diện ABBANK cho biết.
Cũng tại Đại hội, ABBANK đã quyết định phương án tạm chưa chia cổ tức nhằm tích luỹ vốn tăng cường năng lực tài chính, cải thiện chỉ số an toàn vốn (CAR) theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN về việc thực hiện Đề án tự tái cơ cấu và chiến lược phát triển của Ngân hàng trong giai đoạn 2020 – 2025. Lợi nhuận chưa phân phối sẽ được sử dụng để thực hiện phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ trong những năm tới cho cổ đông theo tỷ lệ cổ phần nắm giữ và tạo lợi thế khi niêm yết cổ phiếu ABBANK.
Đối với công tác niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, Hội đồng Quản trị đã báo cáo Đại hội cổ đông về sự thay đổi lộ trình kế hoạch dự kiến thực hiện niêm yết cổ phiếu ABBANK do liên quan công tác chuyển trụ sở chính từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội theo Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông 2019.
Dự kiến sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý đăng ký doanh nghiệp tại Hà Nội, ABBANK sẽ nộp hồ sơ lưu ký và niêm yết; đồng thời việc niêm yết bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho cổ đông. Trường hợp việc niêm yết chưa thể thực hiện được trong năm 2020, ABBANK sẽ hoàn thành đăng ký lưu ký tập trung cổ phiếu tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và thực hiện đăng ký giao dịch trên UPCoM phù hợp với lộ trình yêu cầu của NHNN tại công văn số 1222/NHNN-TTGSNH ngày 27/02/2020 theo Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán ban hành theo Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 28/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Đại hội đồng cổ đông cũng thống nhất bầu ông Jason Lim Tsu Yang hiện là Trưởng ban Phát triển chiến lược và kinh doanh của Maybank, người đại diện 50% vốn góp của Maybank tại ABBANK, đảm nhiệm chức danh Thành viên Hội đồng Quản trị trong nhiệm kỳ hiện tại (2018 – 2022).
Trong năm 2019, ABBANK đã hoàn thành vượt kế hoạch được giao với lợi nhuận trước thuế đạt 1.229 tỷ đồng, tăng 328,2 tỷ đồng (tương đương tăng 36,4%) so với năm 2018. Tổng thu nhập đạt 3.618,3 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2018.
Hoạt động kinh doanh của ABBANK ghi nhận sự ổn định, đảm bảo tính thanh khoản: Dư nợ tín dụng đạt 63.028 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2018 và hoàn thành 100% kế hoạch năm 2019. Trong đó, cả 3 phân khúc khách hàng doanh nghiệp lớn, SMEs, cá nhân đều ghi nhận kết quả tăng trưởng tốt lần lượt 5%, 26%, 12% so với năm 2018.
Huy động đạt 74.786 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2018. Huy động từ cả 3 phân khúc khách hàng Doanh nghiệp lớn, SMEs, Cá nhân đều tăng, lần lượt 7%, 1%, 16% so với năm 2018. Đáng chú ý, trong năm 2019, ABBANK phát hành thành công 3.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 03 năm góp phần làm tăng nguồn vốn trung hạn của ngân hàng, danh mục giấy tờ có giá do ABBANK phát hành đến cuối năm đạt 5.170 tỷ đồng, tăng 176% so với năm 2018.
Công tác thu hồi, xử lý nợ và kiểm soát nợ xấu tiếp tục được ABBANK thực hiện quyết liệt, đảm bảo an toàn vốn, an toàn hoạt động của Ngân hàng. Tính đến 31/12/2019, nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,72% tổng dư nợ, tăng nhẹ 0,07% so với 2018.
Đặc biệt, trong năm 2019, năng lực quản trị của ABBANK cũng được tăng cường thông qua các Dự án chiến lược nhằm đáp ứng theo các yêu cầu về tuân thủ quy định của NHNN, như: dự án Basel, dự án LOS (Loan Originating System – Hệ thống quản lý khoản vay); Dự án quản trị dữ liệu - Data governance, triển khai dự án số hóa Ngân hàng với những ứng dụng thanh toán hiện đại, thú vị nhằm nâng cao trải nghiệm dịch vụ cho khách hàng và đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Có thể bạn quan tâm