Thực hư vụ sổ tiết kiệm giả ở OCB
Vụ bà Huỳnh Tuyết Hằng khiếu nại sổ tiền gửi tiết kiệm giả ở Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) khiến nhiều người đặt câu hỏi tiền gửi tiết kiệm có xác suất rủi ro?.
Theo thông tin phản ánh, từ tháng 9/2011, bà Huỳnh Tuyết Hằng đến Hội sở OCB để thực hiện các giao dịch tiền gửi. Đến tháng 1/2019, bà Hằng đứng tên 1 sổ tiết kiệm trị giá 4,7 tỷ đồng và chồng bà đứng tên một sổ 1 tỷ đồng.
Theo bà Hằng, với 2 sổ này, bà vẫn nhận lãi hàng tháng đúng kỳ hạn và chỉ đến khi không nhận được số tiền lãi như thường lệ, biết được bà Vũ Phương Thảo, nhân viên của OCB- người đã trực tiếp giao dịch với bà Hằng, đã thôi việc từ tháng 5/2018, bà Hằng mới biết 2 sổ tiết kiệm nói trên là giả. Bà đã thuê Công ty Luật Hưng Yên đại diện pháp lý gửi đơn khiếu nại OCB tất toán sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi tại OCB.
Mới đây, OCB đã chính thức thông báo không có căn cứ xác định OCB có nhận tiền huy động của Bà Hằng với số tiền gần 6 tỷ đồng như Bà Hằng trình bày, vì toàn bộ hồ sơ liên quan của Bà Hằng cung cấp là hồ sơ giả.
Trước đó, ngay khi phát hiện các hành vi lừa đảo của bà Thảo, OCB đã chủ động tố cáo đến các cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định và Cơ quan điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Vũ Phương Thảo với tội danh: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức".
Công bố từ PC02 cho biết, trong quá trình điều tra làm rõ vụ việc, Cơ quan điều tra khi khám xét nhà của Thảo đã phát hiện rất nhiều hồ sơ giấy tờ giả (các phôi sổ tiết kiệm giả) và con dấu giả có liên quan đến OCB để làm phương tiện lừa đảo. Hiện vụ việc vẫn đang chờ kết luận sau cùng của cơ quan điều tra.
Trả lời DĐDN về các quy trình gửi tiết kiệm tại OCB, đại diện OCB khẳng định: “OCB có quy trình gửi tiết kiệm tại quầy bao gồm 14 bước dưới sự giám sát chặt chẽ của hệ thống nhân viên, camera an ninh và sự kiểm tra chéo giữa các khâu nghiệp vụ”.
Đại diện OCB cũng lưu ý, dù gửi tiết kiệm tại quầy hay online, yếu tố quan trọng nhất là người gửi tiền phải thực hiện đúng quy trình, quy định của ngân hàng. Điều này sẽ bảo đảm tiền đã vào hệ thống ngân hàng, người gửi tiền được hưởng lãi suất, dịch vụ của ngân hàng và bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho khách hàng. Khách hàng không nên tin tưởng bất kỳ cá nhân, nhân viên, kể cả cán bộ ngân hàng để đưa tiền trực tiếp mà không lấy giấy tờ, không kiểm tra đối chiếu… để tránh bị lợi dụng, trục lợi, tránh những rủi ro ngoài ý muốn.
Có thể bạn quan tâm