“Báo động đỏ” nạn rửa tiền
Hoạt động rửa tiền đã và đang diễn biến phức tạp nhằm biến đổi thu nhập phi pháp thành tài sản mà các cơ quan công quyền không thể truy ra nguồn gốc.
Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) vừa cho biết có 2.000 tỷ USD “tiền bẩn” được luân chuyển qua JPMorgan Chase, HSBC, Standard Chartered, Deutsche Bank và New York Mellon từ năm 1999- 2017.
Dịch vụ béo bở
Có một thực tế rằng, ở giai đoạn nào kinh tế thế giới càng u ám, quản trị quốc gia càng yếu kém, thì lượng “tiền bẩn” được sinh ra càng nhiều do các hoạt động phi pháp như tham nhũng, buôn lậu, cờ bạc… càng có cơ hội hoành hành.
Có một nghịch lý, những quốc gia có hệ thống pháp luật càng chặt chẽ, tính bảo mật khách hàng càng cao thì “tiền bẩn” càng phổ biến.
Chi nhánh ngân hàng HSBC tại Thụy Sĩ ghi nhận 3.000 tài khoản khắp nơi trên thế giới của giới buôn vũ khí, buôn người, nhà độc tài quyền lực, người nổi tiếng đã gửi 120 tỷ USD trong giai đoạn 2005-2007.
Trong năm 2012, để tránh bị truy tố, HSBC đã đồng ý nộp phạt 1,9 tỷ USD cho các nhà chức trách Mỹ do bị cáo buộc hỗ trợ những kẻ buôn ma túy ở Mexico rửa tiền.
Theo thông tin điều tra trên tờ The Atlantic (Mỹ), hiện có khoảng 400 tỷ USD “tiền bẩn” từ ma túy đang gửi trong ngân hàng, tổng cộng các hoạt động kinh doanh phi pháp mỗi năm tạo ra 2.100 tỷ USD hiện có trong các ngân hàng lớn như JP Morgan Chase, Standard Chartered, Deutsche Bank và New York Mellon.
Các hoạt động tạo ra “tiền bẩn” ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh kinh tế, chính trị và xã hội. Ví dụ, tham nhũng khiến nhiều quốc gia Châu Phi mãi nghèo nàn; buôn bán ma túy là nỗi ám ảnh ở Nam Mỹ…
Ngăn chặn thế nào?
Biến tướng nổi bật nhất của bộ máy “rửa tiền” là nó ngày càng càng xâm nhập sâu vào nền kinh tế, như các ngân hàng lớn, hiệp hội thể thao, cơ sở văn hóa, thậm chí các cơ quan từ thiện... Qua đó, cách thức và phương tiện rửa tiền ngày càng tinh vi, đa dạng, quy mô hơn.
Để ngăn chặn, ngoài độ vững của thể chế, luật pháp, các quốc gia cần thắt chặt chính sách ngoại hối, chính sách quản lý đầu tư nước ngoài cũng như các giao dịch đáng ngờ, đặc biệt liên quan đến bất động sản…
Tại Việt Nam, việc chống rửa tiền đang gặp nhiều khó khăn khi tiền tham nhũng, cờ bạc, buôn lậu… được đổ vào bất động sản nhờ người khác đứng tên. Theo quy định hiện hành, các giao dịch bất động sản có giá trị trên 300 triệu đồng được báo cáo, nhưng việc giám sát, thanh tra như thế nào để phát hiện hành vi rửa tiền vẫn chưa được chú trọng.
Trong khi đó, tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt ở Việt Nam còn rất lớn, nên việc giám sát dòng tiền để phát hiện hành vi rửa tiền cũng không dễ dàng. Đối với các doanh nghiệp, giao dịch trên 20 triệu đồng phải được thanh toán qua tài khoản ngân hàng, nhưng đối với cá nhân thì không có quy định nào bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng. Đây là một khó khăn lớn trong việc ngăn chặn nạn rửa tiền.
Có thể bạn quan tâm