Gỡ "nút thắt" thị trường mua bán nợ xấu

HÀ PHƯƠNG 12/10/2020 04:30

Dù công tác xử lý nợ xấu đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc phát triển thị trường mua bán nợ xấu.

Trích lập Dự phòng rủi ro cho nợ xấu của các ngân hàng Thương mại

Trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu của các ngân hàng thương mại

Theo số liệu từ Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC), tính đến tháng 8/2020, lũy kế mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) đạt 329.007 tỉ đồng. Trong đó, mua nợ bằng TPĐB sau khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đạt 67.612 tỉ đồng, mua nợ theo giá trị thị trường từ 2017 đến 2020 đạt 8.341 tỉ đồng. Kết quả thu hồi nợ từ biện pháp xử lý tài sản đảm bảo tăng gấp 1,5 lần so với giai đoạn trước đó. Thu hồi từ biện pháp bán nợ tăng gấp hơn 4 lần so với giai đoạn trước đó…

Đặc biệt, sau khi Nghị quyết 42 ra đời, VAMC được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỉ đồng nhằm tăng cường nguồn lực phục vụ hoạt động mua nợ theo giá trị thị trường và đã triển khai một loạt giải pháp phát triển thị trường mua bán nợ.

Hiện nay, thị trường mua bán nợ Việt Nam có sự tham gia của gần 40 doanh nghiệp. Mặc dù vậy, hoạt động mua bán nợ tại Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu ở thị trường sơ cấp, các khoản nợ xấu của TCTD được bán trực tiếp cho các tổ chức mua bán, xử lý nợ do Chính phủ thành lập (Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), VAMC, hoặc tổ chức mua bán nợ khác để thu hồi nợ.

Trong khi đó, số giao dịch mua bán nợ giữa các nhà đầu tư trên thị trường thứ cấp còn tương đối hạn chế. Nguyên nhân một phần là do chưa có sàn giao dịch nợ xấu chuyên nghiệp tại Việt Nam để các TCTD, nhà đầu tư tiếp cận, trao đổi thông tin và thực hiện giao dịch các khoản nợ xấu. Chính điều này cũng làm cho thị trường mua bán nợ chưa phát triển như kỳ vọng.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gian tài chính- ngân hàng, điều quan trọng nhất là làm sao thu hút được nhà đầu tư ngoại tham gia mua bán nợ xấu. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có thị trường chính thống, chuyên nghiệp, đã cản trở mua bán nợ của các nhà đầu tư ngoại. Do vậy để thị trường này sôi động, cần gỡ những "nút thắt" hiện nay đang cản trở mua bán nợ theo giá thị trường và tăng thanh khoản cho thị trường này.

Đến nay, quy định pháp luật về xử lý nợ xấu nói chung và xử lý tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu nói riêng còn nhiều bất cập, chồng chéo, chưa tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho các ngân hàng xử lý nợ xấu.

Cụ thể, chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ làm cơ sở cho các tổ chức thẩm định giá thực hiện. Việc ban hành một khung pháp lý hoàn chỉnh, vững chắc về xử lý nợ xấu không chỉ giúp ngân hàng bớt thấp thỏm trong xử lý nợ xấu, mà còn khiến nhà đầu tư yên tâm hơn khi tham gia thị trường này.

ôNG

Ông Nguyễn Giang Nam- Phó Tổng Giám đốc VAMC cho rằng cần sớm luật hóa Nghị quyết 42 để thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu

Vì vậy, để tạo lập, phát triển thị trường mua bán nợ, ông Nguyễn Giang Nam- Phó Tổng Giám đốc VAMC cho rằng, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển thị trường mua bán nợ, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ tạo cơ sở pháp lý để thực hiện, thành lập Hiệp hội các công ty mua bán nợ (AMC) nhằm kết nối, chia sẻ thông tin, minh bạch thông tin về hàng hóa (nợ xấu và tài sản bảo đảm)… Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường mua bán nợ thông qua việc tăng quyền của chủ nợ.

Theo ông Nguyễn Giang Nam, để làm được điều này, cần sớm luật hóa Nghị quyết 42 và hoàn thiện hành lang pháp lý, xem xét sửa đổi một số Luật chuyên ngành liên quan: Luật Đất đai, Bộ Luật dân sự… để đồng bộ với các quy định tại Nghị quyết 42.

Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN cho biết trong thời gian tới, để bảo đảm công tác xử lý nợ xấu đạt hiệu quả cao theo Nghị quyết 42, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ban, ngành có liên quan đề xuất Chính phủ các giải pháp để giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc về cơ chế cũng như trong thực tế áp dụng Nghị quyết số 42; xem xét, nghiên cứu việc luật hóa xử lý nợ xấu nhằm quy định cụ thể về việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng; nâng cao vai trò, năng lực của VAMC và tạo động lực cho các TCTD xử lý nợ xấu đạt hiệu quả; xây dựng Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2021-2025.

Có thể bạn quan tâm

  • Xử lý nợ xấu: Đừng để tiền lệ xấu về sự chây ì của con nợ

    Xử lý nợ xấu: Đừng để tiền lệ xấu về sự chây ì của con nợ

    05:40, 07/10/2020

  • “Dài cổ” ngóng sàn giao dịch nợ xấu

    “Dài cổ” ngóng sàn giao dịch nợ xấu

    12:30, 02/10/2020

  • Chạy đà “phá bom” nợ xấu

    Chạy đà “phá bom” nợ xấu

    12:30, 01/10/2020

  • NHNN: Sẽ nghiên cứu luật hóa xử lý nợ xấu

    NHNN: Sẽ nghiên cứu luật hóa xử lý nợ xấu

    16:23, 30/09/2020

  • Cần sớm có sàn giao dịch nợ xấu

    Cần sớm có sàn giao dịch nợ xấu

    11:30, 19/08/2020

  • eMagazine: Gỡ “nút thắt” xử lý nợ xấu

    eMagazine: Gỡ “nút thắt” xử lý nợ xấu

    06:00, 17/08/2020

HÀ PHƯƠNG