Tạm bớt áp lực tỷ giá cuối năm
Trong khi cuộc đua Tổng thống Mỹ dường như đã ngã ngũ, thì đồng bạc xanh Mỹ đang có những tín hiệu sụt giảm mạnh.
Đồng USD sụt giảm trong thời gian qua đã phần nào tạm giảm bớt nỗi lo tỷ giá USD/VND vào cuối năm 2020.
Đồng bạc xanh yếu dần
Trong khoảng 4 năm trở lại đây kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức nhiệm kỳ 2017-2020, chính sách giảm thuế, thâm hụt lớn và các đợt cắt giảm lãi suất liên tục của FED xuống gần 0% đã khiến giá trị đồng USD yếu dần đi.
Theo một thống kê, từ năm 2017 đến nay, USD Index- chỉ số đo sức mạnh của USD so với một số đồng tiền chủ chốt, đã giảm hơn 7%. Tính từ đầu năm 2020 đến nay, USD Index cũng đã giảm khoảng 3%. Nước Mỹ chưa nói đến yếu tố chia rẽ thể hiện sâu sắc trong diễn biến đợt bầu cử vừa qua, đang đứng trước những thách thức nhất định của hồi phục kinh tế và sẽ phải sớm tung ra gói cứu trợ tài khóa mới, qua đó lại tiếp tục gây sức ép đến USD.
Đặt giá trị USD trong tương quan của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2020-2024, một chuyên gia nói rằng cho dù ông Joe Biden đọc lời tuyên thệ nhậm chức, thì USD Index trong ngắn hạn, ít nhất 3- 6 tháng, thậm chí có thể lên tới 1 năm tới, cũng khó tăng mạnh trở lại.
Theo ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia Tư vấn đầu tư, USD trên thực tế đã có đà tăng khá mạnh suốt 10 năm qua, bất chấp yếu tố tăng mạnh về nợ công, thâm hụt ngân sách, chính sách giảm thuế, bơm tiền mạnh từ FED trong nền kinh tế xứ cờ hoa. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ kéo giảm cơ hội tăng giá trở lại của USD sau đợt giảm mạnh vừa qua.
“Cần lưu ý rằng, để đối phó với COVID-19, nước Mỹ có thể sẽ còn chi nhiều hơn cho chiến dịch chống virus này thời gian tới, nếu tình hình lây nhiễm ở quốc giá này không được kiểm soát. Theo đó, lạm phát sẽ tăng lên và đồng USD sẽ mất giá”, ông Khánh nhấn mạnh.
USD/VND tiếp tục “bình yên”?
Đồng bạc xanh suy giảm khiến độ căng của tỷ giá USD/VND trong rổ chỉ số với các đồng tiền đối tác hàng đầu, mà thực tế VND vẫn neo vào USD, đã có khoảng thời gian “chùng” khá êm ái.
Hiện tại, theo số liệu của Tổng cục Thống kê tại tháng 10/2020, tính chung trong 10 tháng đầu năm 2020, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn rất tích cực với dự kiến xuất siêu lên tới 18,72 tỷ USD, cao hơn hẳn con số thặng dư 9,3 tỷ USD của 10 tháng đầu năm 2019. Bên cạnh đó, vốn giải ngân FDI vẫn tiếp tục khả quan trong bối cảnh khó khăn với mức đạt 15,8 tỷ USD, chỉ giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, Việt Nam đang có dự trữ ngoại hối cao đạt mức kỷ lục trong nhiều năm qua và, dù Việt kiều và người lao động Việt Nam ở nước ngoài cũng đang khó khăn vì COVID-19, kiều hối năm nay được dự báo không suy giảm nhiều.
Hỗ trợ cho VND mạnh lên so với USD còn có tác động tích cực đến từ… bên ngoài với xu hướng mạnh lên của đồng CNY, khi Trung Quốc đang trở thành nền kinh tế phục hồi tích cực hậu dịch.
Áp lực duy nhất đối với tỷ giá USD/VND là gánh nặng các khoản nợ công phải trả bằng ngoại tệ, đến hạn phải trả. Cùng với đó là mối lo về lạm phát tương lai cũng như, các rủi ro ngoài dự tính nếu COVID-19 quay trở lại và phá hủy các mối liên kết trong chuỗi cung ứng mà Việt Nam đã nối lại sau các đợt đứt gãy vừa qua vì đại dịch.
Ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, Chuyên gia tài chính cho rằng, Việt Nam sẽ có một năm không quá căng trong điều hành tỷ giá. Tuy nhiên, nếu quản lý, can thiệp thị trường không phù hợp, có thể gây tác động tiêu cực lên việc kiểm soát ngoại hối. “Với lãi suất cho vay doanh nghiệp bằng VND lẫn USD đang về mức rất thấp như hiện nay, các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện nên tranh thủ cơ hội vay giá rẻ để đầu tư và tranh thủ sức cạnh tranh về giá thành phẩm xuất khẩu trên thị trường”, ông Hoàn nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm