Room tín dụng sẽ được nới thêm?
Tăng trưởng tín dụng sắp chạm đích và có quan điểm cho rằng NHNN nên nới thêm room tín dụng để kích thích nhu cầu vốn.
Theo thống kê của NHNN, tính đến nửa đầu tháng 11/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 8,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,26% so với cuối năm 2019.
Bệ đỡ vốn giá rẻ
Thống kê tháng 11/2020 cho thấy, CPI tiếp tục giảm 0,01% và là lần giảm đầu tiên kể từ giai đoạn tháng 4- 5 năm nay. Theo đó, lạm phát 11 tháng chỉ tăng 1,468%, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2016.
Lạm phát thấp, song hệ thống ngân hàng vẫn dồi dào thanh khoản, khiến lãi suất huy động lẫn cho vay cũng tiếp tục giảm nhẹ trong tháng 11. Mức giảm lãi suất huy động theo thống kê của NHNN cuối tháng 11/2020 bình quân ở mức 0,1-0,2%. Lãi suất cho vay cũng giảm về mức thấp 4,5%/năm ở một số lĩnh vực. Lãi vay USD tùy kỳ hạn từ 3- 6%/năm.
Như vậy, sau rất nhiều năm, lần đầu tiên lãi suất cho vay VND về mức thấp tương đương lãi suất cho vay USD, và tương đương với nhiều quốc gia cùng khu vực. Điều này được cho sẽ tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Khả năng hấp thụ vốn còn thận trọng
Nhu cầu tín dụng của nền kinh tế từ nửa cuối tháng 11 đến hết tháng 12 ước tính sẽ vào khoảng từ 61.000 tỷ đồng đến 142.000 tỷ đồng. Và với thời điểm nền kinh tế có thể phục hồi mạnh từ cả 2 yếu tố đòn bẩy: Tiếp tục kiểm soát dịch bệnh lẫn sẵn sàng cho mùa sản xuất tiêu dùng Lễ Tết cuối năm, hấp thụ vốn tháng 12 được dự báo sẽ rất tích cực. Do đó, khả năng tăng trưởng tín dụng sẽ chạm mục tiêu của cả năm từ 8-9% đang rất khả thi.
Nhiều ngân hàng cho biết đến nửa cuối tháng 11, dư địa tăng trưởng tín dụng của họ được NHNN cấp nới thêm cũng sẽ sắp đầy. Với hạn mức được cấp hơn 23%, HDBank cho biết sẽ đạt tăng trưởng tín dụng như kế hoạch và đã sẵn sàng nguồn vốn đón cầu vốn cuối năm nay…
Tuy nhiên, việc các ngân hàng được nới thêm room tín dụng, theo các chuyên gia, có thể sẽ không khả thi. Bởi tín dụng đã sắp chạm đích và thực tế những ngân hàng cạn room đều đã có một đợt đề xuất nới, đã được NHNN duyệt tăng thêm “quota” với mức cao đều trên 20%. Do đó, việc tăng trưởng thêm 0,8-1,8% tín dụng trong 1,5 tháng còn lại, vừa đúng chỉ tiêu là phù hợp với nhu cầu cũng như khả năng hấp thụ vốn còn thận trọng của doanh nghiệp, dù lãi vay có thể giảm thêm.
Có thể bạn quan tâm
Tăng trưởng tín dụng sẽ ra sao trong quý IV/2020?
04:20, 13/10/2020
Tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ ở mức nào?
04:00, 23/09/2020
Giảm lãi suất điều hành sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng?
05:30, 15/08/2020
Có nên “ép” tăng trưởng tín dụng?
05:30, 06/07/2020
Kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm (Kỳ II): Lo chất lượng tăng trưởng tín dụng và đầu tư công
06:15, 17/07/2020