Nới room tín dụng giờ chót: Thêm cơ hội vốn cho cả.... năm sau
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2020 cho một số ngân hàng thương mại.
Ở đợt nới room tín dụng này, một số ngân hàng đã được nới lên mức rất cao tới 30%. Và ngân hàng được cấp hạn mức đỉnh này là VIB- ngân hàng đầu tiên công bố đã đạt ba trụ cột của chuẩn Basel II.
Trước đó, VIB được NHNN cấp hạn mức tăng trưởng tín với chỉ tiêu đầu năm nay là 10,5% và được nâng lên 19-23% ở lần điều chỉnh đầu tiên. Trong ĐHĐCĐ VIB năm 2020, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB cũng bày tỏ kỳ vọng năm nay, VIB có thể được tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng lên cao nhất, kỳ vọng lên tới 34%.
Cũng ở đợt nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cấp tập cuối năm này, một số nguồn tin cho biết TPBank được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng 28%, tăng so với mức 11,5% đầu năm nay. HDBank được nâng từ 11% lên 25% và MB được tăng từ 11,75% lên 23%.
Trên thực tế, HDBank đã tăng trưởng tín dụng gần hết room trên 20% tính đến hết tháng 11/2020. Chỉ còn khoảng vài nghìn tỷ đồng giải ngân, HDBank đã sẵn sàng nguồn vốn và thậm chí còn dư điều kiện để “chạy” kịch room cho phép.
Riêng với khối "Big 4" ngân hàng, Vietcombank cũng vừa được nâng trần tín dụng từ 10% lên 14%. Đến hết tháng 11, tín dụng tại ngân hàng này tăng 10% và dự kiến đạt 13-14% cho cả năm nay. Đây là một trong những thông tin tích cực đã góp sức đẩy giá cổ phiếu VCB của Vietcombank trên thị trường chạm mốc 100.000 đồng/ cp, đưa vốn hóa thị trường của Vietcombank đạt tới trên 370.000 tỷ đồng, vượt qua giá trị vốn hóa hiện hữu của Tập đoàn đứng đầu trước đó là Vingroup với mức 368.000 tỷ đồng trong phiên giao dịch hôm 16/12 (giá chốt cuối phiên đứng mức 99.900đ/cp).
Bên cạnh quyết định được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng, Vietcombank còn có thông báo thực hiện kế hoạch chia cổ tức tỷ lệ bằng tiền mặt 8%. Về dài hạn hơn, ngân hàng còn có cả tin tích cực như “của để dành” khi vẫn còn cổ tức chưa chia của năm 2018, dự kiến sẽ thực hiện trả quyền lợi cổ đông bằng việc phát hành cổ phiếu tăng vốn với tỷ lệ 18% theo kế hoạch. Sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của Viecombank sẽ tăng thêm 6.675 tỷ đồng lên 43.764 tỷ đồng. Quy mô vốn dự kiến tăng lên giúp ngân hàng có thêm dư địa trong đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR), có lực để mở rộng tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên đó có lẽ cũng là hiệu ứng và kỳ vọng vốn với các tín hiệu từ ngân hàng đang giữ top đầu vốn hóa lớn nhất thị trường, vào năm sau.
Trở lại với động thái nới room tín dụng của NHNN dành cho một số ngân hàng khi thời gian của 2020 đã bắt đầu chỉ còn đếm bằng ngày, có thể đây không chỉ là quyết định mạnh tay để tín dụng có thể tăng trưởng đạt mục tiêu cao trong ngưỡng 8-9% như đã đề ra. Tính đến trung tuần tháng 11, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 8,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,26% so với cuối năm trước (cùng kỳ năm 2019 là 10,28%). Kế hoạch đẩy giải ngân tín dụng giai đoạn cuối về cơ bản vẫn đã và đang được các TCTD ráo riết thực thi. Trong đó, đi đầu vẫn là nhóm ngân hàng "Big 4". Song sự hạn chế của Vietinbank và BIDV khi tạm thời vẫn chưa giải quyết được rốt ráo bài toán tăng vốn điều lệ, nhằm đảm bảo hệ số CAR theo cơ sở pháp lý mà Nghị định 121/2020/NĐ-CP đã định, cũng đang khiến các tổ chức này hạn chế thúc đẩy tín dụng. Nới hạn mức tăng trưởng tín dụng lúc này lại là cơ hội lớn với Vietcombank và với chỉ tiêu của toàn ngành.
Một chuyên gia đánh giá, việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng của NHNN vào những ngày cuối năm nhìn chung không nằm ngoài dự đoán. "Đối với các ngân hàng đạt điều kiện và trong một nền kinh tế đang cần được giải tỏa cơn khát vốn nhằm bước qua giai đoạn phục hồi tăng trưởng chậm, thì việc nới room cho các TCTD đã tăng trưởng đạt room và vẫn còn có điều kiện để giải ngân được, đảm bảo được các chỉ tiêu tài chính, là thỏa đáng. Đó đồng thời cũng là quyết định có ý nghĩa tạo đà cho các TCTD chạy đua đảm bảo đạt chỉ tiêu năm nay, cùng với đó còn cộng thêm mục tiêu kép - là cơ sở để xét hạn mức tăng trưởng tín dụng cho năm sau", vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm