Kienlongbank đã bán được một phần cổ phiếu STB, giảm 369 tỷ đồng nợ xấu
Theo bà Trần Tuấn Anh – Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Kienlongbank, do năm 2020 phát sinh dịch bệnh COVID-19 làm ảnh hưởng đến kế hoạch xử lý cổ phiếu STB...
Năm 2020, mục tiêu trọng tâm mà Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank, UPCoM: KLB) đặt ra là giải quyết các khoản vay có tài sản bảo đảm là cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) theo Đề án cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của Kienlongbank đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Tuy nhiên, bà Trần Tuấn Anh, Thành viên HĐQT kiêm TGĐ Kienlongbank cho biết do năm 2020 phát sinh dịch bệnh COVID-19 ngoài mong muốn làm ảnh hưởng đến kế hoạch xử lý cổ phiếu STB. Tính đến ngày 31/12/2020 Kienlongbank đã bán được một phần cổ phiếu STB, giảm được 369 tỷ nợ xấu. Vì lý do trên dẫn đến kết quả kinh doanh của Kienlongbank chưa đạt theo kế hoạch đã đề ra.
Báo cáo cập nhật tình hình xử lý cổ phiếu STB của Tổng Giám đốc Kienlongbank tại Hội nghị tổng kết ngân hàng mới đây cho biết, từ ngày 01/01/2021 đến ngày 29/01/2021, Kienlongbank đã tiếp tục bán được thêm cổ phiếu STB. Qua đó đưa tỷ lệ nợ xấu của Kienlongbank đã giảm về mức dưới 3%, đã thoái 100% lãi phải thu có liên quan, trích lập dự phòng rủi ro theo đúng quy định. Về cơ bản Kienlongbank đã thực hiện hoàn tất gần hết các nội dung theo đúng Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020 đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt. Kienlongbank cũng đặt mục tiêu hoàn thành việc bán toàn bộ cổ phiếu STB nói trên và tất toán nợ vay có liên quan chậm nhất là ngày 31/3/2021.
Đây có lẽ cũng là một trong những nguyên nhân giúp cổ phiếu STB của Sacombank nổi sóng ở năm 2020 và khiến tin đồn thâu tóm mới tại Sacombank loang trên thị trường. Cổ phiếu STB đã hồi phục từ đáy sâu dưới 8.000đ/cp ở đỉnh dịch tháng 4/2020, lên đỉnh 20.000đ/cp vào tháng 11/2020 và hiện vẫn đang giao dịch quanh ngưỡng 16.9. STB cũng có thanh khoản khá với giao dịch trung bình 10 phiên trên 37 ngàn đơn vị. Kế hoạch tiếp tục thoái vốn toàn cổ phiếu STB của Kienlongbank từ đây tới tháng 3 theo đó, khá khả quan. Dĩ nhiên, điều này phụ thuộc lớn vào biến động thị trường đang xoay quanh diễn biến phòng chống dịch COVID-19 đợt mới.
Lãnh đạo Kienlongbank cũng cho biết kết thúc năm 2020, tổng tài sản hợp nhất của KLB đạt 57.282 tỷ đồng, tăng 12,09% so với năm 2019; tổng huy động vốn đạt 52.071 tỷ đồng, tăng 12,22% so với năm 2019; dư nợ cấp tín dụng đạt 34.716 tỷ đồng, tăng 3,69% so với năm 2019. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Kienlongbank đạt 158.21 tỷ đồng, tăng 84,14% so với năm 2019.
Kienlongbank vừa mới có dàn Lãnh đạo nhân sự cấp cao sau Đại hội cổ đông bất thường diễn ra hôm 28.1. Thông tin mới nhất từ ngân hàng, ông Lê Hồng Phương, nguyên TGD Ngân hàng Quốc Dân (NCB), đã trúng cử vào HĐQT Kienlongbank cùng bà Trần Thị Thu Hằng, Cựu CEO 36 tuổi của Tập đoàn bất động sản Sunshine Group. Ông Phương đã chính thức đảm nhiệm ghế mới Chủ tịch HĐQT Kienlongbank.
Như vậy, đợt thay máu tại Kienlongbank đã hoàn tất và với các nhân tố mới đến từ các doanh nghiệp có nền tảng bất động sản, thị trường đang khá chờ đợi những định hướng và chiến lược mới của một ngân hàng có xuất thân và nền tảng gắn liền khu vực nông thôn. Được biết, Kienlongbank đã đặt ra các mục tiêu chủ yếu năm 2021 với các chỉ tiêu kinh doanh tăng trưởng gần đạt và vượt 2 chữ số, lợi nhuận trước thuế là 1.000 tỷ đồng; tiếp tục đẩy mạnh xử lý hoàn tất các khoản nợ có tài sản thế chấp là cổ phiếu STB và đưa tổng nợ xấu của Kienlongbank về mức dưới 2%.
Có thể bạn quan tâm
Nợ xấu ngân hàng 2021: Đến thời điểm chuyển nhóm nợ để đánh giá thực chất hơn
06:30, 25/01/2021
Bất ngờ nợ xấu ngân hàng
05:30, 18/01/2021
HoREA: Nợ xấu bất động sản trên địa bàn TP.HCM vẫn trong ngưỡng an toàn
11:00, 17/11/2020
Xử lý nợ xấu ngân hàng (Kỳ IV): Cần sớm luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14
05:30, 07/11/2020
Xử lý nợ xấu ngân hàng (Kỳ III): Cấp bách sàn giao dịch nợ xấu
06:06, 06/11/2020