OCB đã làm gì để đứng trong top đầu kinh doanh hiệu quả?

LÊ MỸ 23/02/2021 06:30

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) so với các tổ chức tín dụng lớn như nhóm “Big Four” trên thị trường, hiện vẫn còn ở quy mô “khiêm tốn”.

Những năm gần đây, OCB đã đặc biệt gây ấn tượng với các chỉ số tài chính thể hiện sức mạnh hiệu quả top đầu.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) được thành lập vào năm 1996, 2 năm sau khi Luật Doanh nghiệp của Việt Nam lần đầu tiên được ban hành. Đến năm 2010, khi ông Trịnh Văn Tuấn, một doanh nhân trở về từ Ba Lan gia nhập OCB, ông chính là người thuyền trưởng dẫn dắt nhà băng này bước lên một nấc thang mới trong 10 năm qua.

Từ một ngân hàng dù đã rất nỗ lực để bước ra khỏi vùng vốn góp và tư duy kinh doanh kiểu Nhà nước, thực hiện sáp nhập với ngân hàng Tây Đô, song vẫn còn loay hoay “chiếu dưới”, thành một ngân hàng có vị thế với những bước tăng trưởng thần tốc, liên tục và ổn định; Đến nay, vốn chủ sở hữu OCB tăng 8 lần, tổng tài sản tăng 12 lần, lợi nhuận tăng hơn 16 lần. Qua đó, OCB trở thành ngân hàng TMCP giữ vị trí số 1 về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, số 3 về hiệu quả lợi nhuận trên vốn.

Xét về các chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động thì OCB là một ngân hàng hoạt động hiệu quả với mức sinh lời tốt khi chỉ số ROAA từ 0,47% năm 2015 lên 2,61% vào năm 2020, còn ROAE từ 5,1% lên gần 25% trong cùng giai đoạn, cho thấy “sức khỏe tài chính” của ngân hàng rất tốt.

Lợi nhuận tăng nhanh còn đến từ hiệu quả trong câu chuyện kiểm soát chi phí. Thống kê của SSI cho thấy tỷ lệ chi phí trên tổng thu nhập (CIR) có xu hướng giảm từ 56% năm 2016 xuống còn 29,1% vào năm 2020 và là mức thấp nhất trong số các ngân hàng niêm yết.

Ấn tượng với OCB còn là câu chuyện được Ngân hàng Nhà nước công nhận là một trong ba ngân hàng đầu tiên hoàn thành các hạng mục quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế Basel II vào cuối năm 2018.

Cũng trong năm vừa qua, OCB được Forbes xếp hạng thứ 4 trong 10 ngân hàng TMCP tại Việt Nam về kinh doanh hiệu quả nhất trên thị trường.

Ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT OCB (trái) bắt tay hợp tác chiến lược với đại diện Aozora

 Ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT OCB (trái) bắt tay hợp tác cùng đối tác chiến lược Aozora Bank 

Với vị thế và tiềm năng tăng trưởng bền vững và liên tục, OCB đã tạo được niềm tin để Aozora Bank - 01 trong những ngân hàng hoạt động hiệu quả nhất tại Nhật Bản lựa chọn là nhà đầu tư chiến lược vào tháng 6/2020 qua việc sở hữu 15% cổ phần tại nhà băng này.

Năm 2020, OCB đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh sau rất nhiều nỗ lực và vượt thách thức của COVID-19, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB nói với Diễn đàn Doanh nghiệp. Ông Tùng tốt nghiệp MBA tại trường Maastricht University, Hà Lan người có 20 năm kinh nghiệm tài chính ngân hàng, được bổ nhiệm chức vụ đứng đầu Ban điều hành 2 năm sau khi Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn tiếp nhận và bắt đầu hành trình thổi làn gió mới vào OCB.

Theo đó, ông là một trong những “cánh tay mặt” của doanh nhân Trịnh Văn Tuấn, đóng góp dấu ấn cho những bước thay đổi tại ngân hàng này.

Tính đến hết 31/12/2020, tổng tài sản OCB đạt 152.687 tỷ, tăng 29% so với năm 2019. Huy động vốn đạt 108.462 tỷ, tăng 27%; tổng dư nợ cho vay đạt 90.237 tỷ, tăng 24% so với 2019. Lợi nhuận trước thuế đạt 4.420 tỷ, tăng 37% so với năm 2019.

Với tiềm lực tài chính, nguồn vốn vững mạnh, OCB có thể bứt phá hơn trong tăng trưởng và hiệu quả. Nhưng trong điều kiện khó khăn chung của thị trường và yêu cầu nỗ lực giảm lãi suất cho vay từ cơ quan quản lý nhà nước, OCB đã thực hiện nhiều chính sách, giải pháp ưu tiên hỗ trợ khách hàng cá nhân, doanh nghiệp. Tính đến 31/12/2020, dư nợ tín dụng được tái cơ cấu như miễn giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ… khoảng 1.000 tỉ đồng và hiện nhiều khách hàng được cơ cấu lại đang hồi phục tốt, Ông Nguyễn Đình Tùng chia sẻ.

Rất tự tin, ông Tùng cũng nói thêm, “chúng tôi đang có một danh mục rất năng động để tăng khả năng sinh lời hiệu quả trong 3 năm gần đây”. Nhưng trọng tâm của OCB vẫn là khách hàng doanh nghiệp và cá nhân, với những đối tượng dần được ngân hàng “phân loại” để nhắm tới trong chiến lược cá nhân hóa tài chính bán lẻ trên thị trường".

Đại diện OCB (thứ tư từ phải qua) nhận giải thưởng vinh danh top 10 thương vụ đầu tư và M&A tiêu biểu 2019 - 2020

Đại diện OCB (thứ tư từ phải qua) nhận giải thưởng vinh danh top 10 thương vụ đầu tư và M&A tiêu biểu 2019 - 2020

Trong đó, phía đối tác cổ đông ngoại của OCB, sẽ không chỉ là một nhà đầu tư tài chính. Aozora đang hợp tác về dịch vụ M&A, giúp OCB tiếp cận và khai thác các doanh nghiệp vừa & nhỏ của Nhật Bản. Với các nhà đầu tư khác, OCB cũng kỳ vọng không chỉ tìm được nhà đầu tư đơn thuần, mà còn là đối tác của Ngân hàng trong nhiều lĩnh vực.

Bancassurance cũng sẽ là kênh mà OCB hướng để tăng thu ngoài lãi, từ tỷ trọng 30% đóng góp trong tổng doanh thu hoạt động của ngân hàng.

Và tất nhiên, công nghệ cũng sẽ là nền tảng tăng trưởng quan trọng với OCB khi tham gia ngày càng nhiều hơn vào hoạt động ngân hàng, không chỉ ở khâu thu thập dữ liệu mà còn là quá trình ra quyết định. Việc sở hữu các nền tảng vận hành số hóa giúp ngân hàng tăng trưởng nhanh hơn vì tính kinh tế theo quy mô, giúp tăng tốc cung ứng dịch vụ, đồng thời đảm bảo tính khách quan khi định giá tài sản hay đánh giá về khách hàng, từ đó gia tăng trải nghiệm dịch vụ.

Theo công ty chứng khoán SSI, chiến lược tăng trưởng của OCB vẫn sẽ là tập trung chủ yếu vào phân khúc bán lẻ và SME, đồng thời theo đuổi chiến lược ngân hàng số để dẫn dắt tăng trưởng và hệ thống quản trị rủi ro hiệu quả.

Riêng trong năm nay, người đứng đầu OCB chia sẻ mức chia cổ tức dự kiến cho năm 2020 sẽ khoảng 25%. Mức chia cổ tức hàng năm cũng sẽ cố gắng để duy trì trong khoảng 20 - 25%. Đây là mức chia cổ tức đáng kể đối với lĩnh vực ngân hàng.

“Trong năm nay, chúng tôi kỳ vọng tiếp tục số hóa các phần khác. Đây sẽ là năm mà OCB dự kiến có nhiều bứt phá về mặt chuyển đổi số”, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB nhấn mạnh.

OCB đã chính thức niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM tháng 1/2021

OCB đã chính thức niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM tháng 1/2021

Trong hành trình thực hiện mục tiêu mới của OCB, khẳng định vị thế top 5 ngân hàng TMCP tư nhân về doanh thu tốt nhất thị trường giai đoạn 2021 - 2025, điều mà Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Tuấn đã chia sẻ tại buổi giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu OCB, không hề che dấu tham vọng cũng như niềm tự hào với ngân hàng ông dẫn dắt và không thể không kể đến một dấu ấn đặc biệt: Niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh vào ngày 28/1/2021 vừa qua.

Với cột mốc này, dường như OCB – viên ngọc Phương Đông trên thị trường tài chính Việt Nam, đã chính thức bước ra sau thời gian dài mài cạnh dũa sắc và lặng lẽ tỏa sáng, để mang đến các giá trị thịnh vượng cho nhà đầu tư đại chúng lẫn thị trường. Và chúng ta sẽ chờ xem những bước phát triển cũng như cách đi ngoạn mục mà OCB đã từng, để thực hiện tham vọng mới!

LÊ MỸ