Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2.150 tỷ đồng năm 2021
Lên kế hoạch kinh doanh năm 2021, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu (Eximbank, HoSE: EIB) đặt mức lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh tích cực.
Theo Eximbank, trong năm 2020, dịch bệnh COVIE-19 tác động tiêu cực lên kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, song lợi nhuận trước thuế của Eximbank vẫn hoàn thành 100% kế hoạch của năm, tăng trưởng 22%. Các mảng kinh doanh then chốt ngân hàng như mảng thẻ, Bancasurance cũng đạt tốc độ tăng trưởng vượt trội. Theo đó, mảng thu phí thẻ đạt 127 tỷ đồng, tăng trưởng 144% so với năm 2019. Thu nhập phí bảo hiểm đạt 112 tỷ, tăng trưởng 23%, góp phần đưa mức tăng trưởng thu nhập dịch vụ năm 2020 lên 20%, tăng cao nhất trong 4 năm gần đây.
Theo ông Yasuhiro Saitoh – Chủ tịch HĐQT Eximbank, vừa qua, HĐQT đã ban hành nghị quyết đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh trong năm 2021 là 2.150 tỷ đồng, huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng 10%, dư nợ cấp tín dụng tăng 15% so với năm 2020 (Ngân hàng sẽ điều chỉnh trong trường hợp NHNN có thông báo mức tăng trưởng tín dụng khác trong năm 2021). Ngân hàng này cũng cải thiện thu nhập từ lãi trên tổng tài sản có sinh lời thêm 10-20 điểm cơ bản trong năm 2021. Thu nhập ngoài lãi (gồm thu nhập thuần từ dịch vụ, thu nhập thuần kinh doanh ngoại hối) đặt mục tiêu tăng 15% so với năm 2020. Đồng thời, nhà băng này cũng đã có kế hoạch tăng cường công tác xử lý nợ và trích thêm dự phòng để tất toán hết nợ VAMC ngay trong quý I/2021. Tác động của những hành động quyết liệt này một mặt có thể làm cho kết quả kinh doanh của quý 1 không cao nhưng kỳ vọng, nhưng khi đã xử lý dứt điểm nợ VAMC thì gánh nặng dự phòng phải trích hàng năm trước đây sẽ không còn khiến cho lợi nhuận trước thuế của Eximbank có thể đạt 2.150 tỷ đồng ngay trong năm 2021 và hứa hẹn tiếp tục cải thiện mạnh mẽ trong các năm tiếp theo.
Trước tình hình diễn biến dịch còn tiềm ấn nhiểu diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến nợ xấu của ngành ngân hàng nói chung và Eximbank nói riêng, song ông Nguyễn Cảnh Vinh – Quyền Tổng Giám đốc ngân hàng này cho biết thêm sẽ khống chế tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,5%. Đồng thời, ngân hàng đã có những kế hoạch dự phòng, nỗ lực thực hiện chuyển đổi để ngân hàng có thể thích ứng trong bối cảnh mới, đặc biệt việc kiểm soát tốt rủi ro hiện hữu với những cải thiện liên tục trong hoạt động và tăng trưởng dài hạn ổn định.
Để đảm bảo an toàn vốn và hoạt động ổn định, Eximbank sẽ tiếp tục tối ưu và kiểm soát chặt chẽ chi phí quản lý, tốc độ tăng chi phí quản lý khoảng 16% (đã bao gồm chi phí tăng lương cho cán bộ nhân viên theo hệ thống lương bậc và kết quả KPI Talentnet tư vấn), thấp hơn tỷ lệ tăng thu nhập từ hoạt động gần 20%.
Do đó, để đảm bảo hiệu quả Eximbank phải chú trọng vào cải thiện biên cho vay, thu nhập ngoài lãi, triển khai các chương trình kinh doanh để tăng cường bán chéo, phát triển hệ sinh thái, đồng thời nâng cao tỷ lệ sinh lời của danh mục đầu tư.
Ngoài những con số đáng chú ý, Eximbank cũng triển khai các hành động trong chiến lược ngân hàng cụ thể như: phát triển khách hàng cá nhân hiện hữu và có tiềm năng, triển khai kinh doanh và phục vụ riêng các phân khúc khách hàng doanh nghiệp. Trọng tâm sản phẩm và giá sẽ được định hình, thiết kế theo từng phân khúc. Eximbank nâng cao trải nghiệm khách hàng bằng nền tảng công nghệ và gia tăng tiện ích. Từ đó, thu hút khách hàng chuyển tiền về tài khoản mở tại Eximbank nhiều hơn, tăng trưởng tiền gửi không kỳ hạn.
Ông Nguyễn Cảnh Vinh cho biết thêm: “Hiện nay, Eximbank đáp ứng các chuẩn mực quốc tế trong quản trị rủi ro, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo Basel II/Thông tư 13 của NHNN. Chúng tôi hiểu rằng, việc ưu tiên đầu tư nguồn lực và công nghệ cho công tác quản lý rủi ro tiệm cận các chuẩn mực tiên tiến nhất trên thực tiễn thị trường là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững. Ngân hàng triển khai Hệ thống kiểm soát nội bộ và đánh giá nội bộ về mức đủ vốn, kiểm tra sức chịu đựng theo tư vấn của công ty kiểm toán KPMG từ năm 2019-2020. Kết quả cho thấy ngân hàng có thể vượt qua các kịch bản kiểm tra sức chịu đựng khi tình hình kinh tế diễn biến bất lợi. Đây cũng là cách các Ngân hàng hàng đầu tại các thị trường phát triển đã bắt buộc phải áp dụng trọng quản trị và điều hành ngân hàng”.
Không chỉ có hoàn thiện phương pháp luận, chính sách, quy định, quy trình, cơ cấu tổ chức, Eximbank còn xây dựng các công cụ, mô hình thực tiễn để đo lường và giám sát rủi ro theo yêu cầu của Thông tư 13, áp dụng thực tế trong các hoạt động kinh doanh hàng ngày bắt đầu từ cuối năm 2020. Trong bối cảnh dịch bệnh, tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất của ngân hàng này cuối năm 2020 đạt 11,81% đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo thông tư 41 là 8%.
Sau một năm hoạt động tích cực trên thị trường ngoại hối, vượt qua nhiều sự cạnh tranh từ các đối thủ lớn hàng đầu, ngày 05/02/2021 vừa qua, Eximbank đã xuất sắc nhận 2 giải thưởng danh giá: Ngân hàng năng động nhất thị trường ngoại hối Việt Nam 2020 (Most Active Bank) và Nhà tạo lập thị trường ngoại hối tốt nhất Việt Nam 2020 (Best Market Maker) từ Refinitiv (thuộc Sở Giao dịch chứng khoán London - London Stock Exchange Group) - tổ chức uy tín hàng đầu thế giới về thông tin, dữ liệu tài chính và hệ thống giao dịch. Giải thưởng không chỉ thể hiện thế mạnh truyền thống của Eximbank trên thị trường ngoại hối mà còn ghi nhận đóng góp của Ngân hàng trong sứ mệnh phục vụ Khách hàng tốt nhất và tạo lập một thị trường ngoại hối cạnh tranh, lành mạnh đáp ứng tốt nhất nhu cầu khách hàng.
Đồng thời, Eximbank cũng được ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thông báo cấp hạn mức tài trợ thương mại và hạn mức tín dụng tuần hoàn với tổng giá trị lên tới 31 triệu USD (tương đương 725 tỷ đồng). Cấp hạn mức từ các tổ chức tài chính uy tín quốc tế cũng khẳng định sức mạnh tài chính nội tại của Eximbank tăng lên, cũng như tạo thêm các nền tảng để Ngân hàng phục vụ khách hàng tốt hơn, hoạt động hiệu quả hơn.
Có thể bạn quan tâm