VIB sẽ tăng vốn lên 16.000 tỷ đồng, chia cổ phiếu thưởng 40%
ĐHCĐ 2021 của Ngân hàng TMCP Quốc tế (HoSE: VIB) trình cổ đông thông qua mức chia cổ phiếu thưởng khá cao 40% từ nguồn vốn chủ sở hữu, đồng thời chào bán cổ phiếu nhằm tăng vốn.
Đại hội cổ đông thường niên 2021 của VIB diễn ra sáng nay 24/3 tại TP HCM.
Báo cáo tại Đại hội, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB cho biết, năm 2020 là năm thứ 4 trong hành trình 10 năm chuyển đổi chiến lược của VIB giai đoạn 2017-2026. Đây cũng là năm VIB tiếp tục tục ghi nhận kết quả tăng trưởng ấn tượng được duy trì trong nhiều năm liền.
Cụ thể, năm 2020, tổng tài sản của VIB tăng trưởng 32,6% so với đầu năm, đạt 245 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 42,2% so với năm 2019, đạt 5.803 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận này, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn bình quân đạt 30,0% đã giúp VIB tiếp tục giữ vững vị trí trong nhóm cao nhất toàn ngành về hiệu quả kinh doanh, trong bối cảnh nợ xấu tiếp tục giảm xuống dưới 1,5%.
VIB cũng tiếp tục ghi dấu ấn trên thị trường là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng dư nợ bán lẻ bình quân hàng năm trong 4 năm qua trên 50%, thuộc top đầu ngành với chất lượng tài sản tốt. Tỷ trọng tín dụng bán lẻ của ngân hàng đạt 84% tổng dư nợ tín dụng, trong đó trên 95% dư nợ bán lẻ có tài sản đảm bảo.
Các sản phẩm bán lẻ cốt lõi và chủ lực của VIB như cho vay mua ô tô, cho vay mua nhà, vay kinh doanh, dịch vụ thanh toán, tiền gửi… theo ngân hàng, tiếp tục dẫu đầu thị trường về quy mô, chất lượng và tốc độ tăng trưởng.
Theo BCTC VIB, tỷ trọng cho vay bán lẻ của ngân hàng tại ngày 31/12/2020 đạt 144 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 32,4% so với năm 2019 và chiếm 83,9% tổng dư nợ toàn hàng.
Riêng với cho vay mua ô tô, VIB đang dẫn đầu thị phần trên thị trường tại Việt Nam kể từ năm 2017, top đầu về tăng trưởng cho vay bán lẻ với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm giai đoạn 2017-2020 đạt 42,0%.
Ở mảng bảo hiểm, VIB tiếp tục nằm trong top đầu thị trường về doanh số Bancassurance với thị phần 13% toàn quốc và nhiều năm liền có năng suất bán hàng trên 1 chi nhánh ở nhóm cao nhất. Đây là mảng đã và đang được nhiều ngân hàng nhắm đến khai thác tăng doanh thu trên thị trường trong năm 2021 song với thị phần số 1 trong hợp tác cùng Prudential, VIB được đánh giá tiếp tục dẫn đầu lợi thế phát triển trong năm nay.
Lãnh đạo VIB cho biết trong năm 2020 VIB, thông qua đẩy mạnh đầu tư công nghệ và ứng dụng vào hoạt động kinh doanh, VIB đã ghi nhận hiệu quả vượt trội với số lượng khách hàng đăng ký ngân hàng số qua ứng dụng MyVIB tăng trưởng gần 300% trong năm 2020, góp phần đưa tổng số lượng khách hàng của VIB vượt trên 3 triệu khách hàng. Số lượng khách hàng kích hoạt dịch vụ ngân hàng số tăng 103% và số lượng giao dịch trực tuyến tăng trưởng 110% trong năm 2020. Các yếu tố này đã giúp VIB nằm trong top các ngân hàng có tỷ trọng số lượng giao dịch trực tuyến cao nhất, ở mức 91% so với tổng số lượng giao dịch.
Năm 2020, sau sự kiện niêm yết chính thức trên sàn HoSE, thị giá cổ phiếu VIB tăng mạnh đã nâng giá trị vốn hóa thị trường, thanh khoản và mang đến hiệu suất đầu tư tốt cho cổ đông. VIB cũng đã hoàn tất tăng vốn điều lệ, nâng tổng vốn điều lệ của Ngân hàng lên gần 11.094 tỷ thông qua hình thức chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 20,0%.
Theo ông Đặng Khắc Vỹ, cùng với các sản phẩm dịch vụ cốt lõi, công nghệ cao sẽ tiếp tục được VIB đặt trọng tâm khai thác trong năm 2021.
Năm 2021, VIB đặt kế hoạch tăng trưởng tổng tài sản 26%, đưa tài sản lên trên 300 ngàn tỷ đồng. Dư nợ tín dụng phụ thuộc vào hạn mức Ngân hàng Nhà nước phê duyệt song VIB kì vọng sẽ đưa dư nợ tín dụng lên 225 nghìn tỷ đồng, tương đương 31%. Trả lời cổ đông về mức tăng trưởng dư nợ tín dụng khá thấp đợt đầu so với mục tiêu và cơ sở nào cho mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng cao, ông Đặng Khắc Vỹ cũng cho biết: "NHNN đã và đang rất linh động, tùy theo diễn biến kinh tế và nhu cầu tín dụng phù hợp mà NHNN đặt chỉ tiêu chung của hệ thống từ 10%, song vẫn có thể điều chỉnh lên tới 14%. Do đó, NHNN thường sẽ chỉ giao "room" cho ngân hàng từ 7-11,2 % ở lần đầu tiên. Các năm khác giống thế nhưng phụ thuộc NHNN sẽ đánh giá mức độ lành mạnh, sức khỏe tài chính, độ tuân thủ minh bạch... để điều chỉnh tăng thêm. 3-4 năm qua VIB tăng trưởng dư nợ tín dụng trung bình từ 25-30%. Do đó HĐQT đặt mục tiêu tăng trưởng dựa trên xu hướng và số liệu xác suất của 3-4- năm qua".
VIB đặt mục tiêu huy động vốn tương đương mức tăng trưởng dư nợ tín dụng. Lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 29%, lên trên 7.500 tỷ đồng.
Trong kế hoạch năm nay, VIB cũng tiếp tục lên phương án tăng vốn bao gồm bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu 40% và dự kiến phát hành chào bán cổ phiếu. Theo đó, vốn điều lệ dự kiến sau đợt tăng vốn là khoảng 16.000 tỷ đồng. Với kế hoạch này, cổ đông VIB sẽ là một trong những nhà đầu tư được nhận lợi ích ở mức cao so với mặt bằng dự kiến chia cổ tức và cổ phiếu thưởng mà các TCTD đã và đang triển khai ĐHCĐ từ đầu tháng 3 năm nay, đề ra.