Kỳ I: Đầu tư công là động lực cho tăng trưởng ngành ngân hàng năm 2021
Tăng trưởng hoạt động sản xuất kinh doanh và thúc đẩy đầu tư công là động lực lớn cho tăng trưởng của ngành ngân hàng, kế hoạch tăng trưởng tín dụng 12-12,5% là lạc quan.
Việt Nam là một trong số ít các quốc gia ghi nhận tăng trưởng dương năm 2020, bất chấp những khó khăn bởi dịch bệnh. Với sự chuyển biến tích cực trong kiểm soát dịch bệnh, kinh tế thế giới và Việt Nam được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021.
Lạc quan tăng trưởng tín dụng 12-12,5%
Chúng ta đã có một năm 2020 tương đối thành công. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, rất nhiều quốc gia đã phải đối mặt với suy giảm kinh tế, Việt Nam là một số ít nước vẫn giữ được tăng trưởng dương. Trong bối cảnh ấy, ngành ngân hàng có một năm khá thành công trên nhiều phương diện.
Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt theo hướng nới lỏng thận trọng, phù hợp nhằm đảm bảo thanh khoản và hỗ trợ phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh. Tỷ giá tiếp tục ổn định, dự trữ ngoại hối tiếp tục được bổ sung, giúp đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia và củng cố mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Mặt bằng lãi suất tiền gửi phổ biến tại các ngân hàng giảm từ 0,9 - 1,5% (ngắn hạn) và khoảng 0,6 - 1,5% (trung dài hạn) so với đầu năm; lãi suất cho vay cũng giảm nhanh, khoảng 0,5 - 2% so với đầu năm. Tăng trưởng tín dụng năm 2020 vẫn đạt tới 12%, mặc dù vẫn thấp hơn tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2016 đạt 18,25%; năm 2017 là 18,28%; năm 2018 đạt 13,89% và năm 2019 đạt 13,65%.
Ngành ngân hàng tiếp tục thể hiện tốt vai trò trụ cột của nền kinh tế, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh dịch bệnh thông qua các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như: cung ứng các gói tín dụng lãi suất ưu đãi từ 1 - 2,5%; cơ cấu lại nợ, giãn thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01.
Các thống kê cũng cho thấy tổng dư nợ xấu có chiều hướng tăng thêm, tiềm tàng rủi ro hệ thống ngân hàng. Mặc dù vậy, các ngân hàng vẫn duy trì được mức lãi rất tốt nhờ mặt bằng lãi suất huy động thấp.
Bước sang năm 2021, tình hình dịch bệnh ở trong nước đã và đang được kiểm soát tốt, các nước trên thế giới bắt đầu triển khai tiêm vắc xin. Với sự chuyển biến tích cực trong kiểm soát dịch bệnh, kinh tế thế giới và Việt Nam được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021. Tăng trưởng hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ tạo điều kiện cho tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, thúc đẩy đầu tư công cũng sẽ là một động lực lớn cho tăng trưởng của ngành ngân hàng. Chúng ta hoàn toàn có thể đạt được kế hoạch tăng trưởng tín dụng của ngân hàng Nhà nước là 12-12,5%.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến các tác động của nợ xấu và lãi suất tín dụng thấp đến cổ phiếu của ngành ngân hàng.
Thách thức từ tiền ảo
Cụ thể, nợ xấu và lãi suất tín dụng thấp thông thường có ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng và qua đó sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của ngân hàng. Nợ xấu tăng làm giảm chất lượng tài sản, tăng chi phí dự phòng. Trong khi đó lãi suất tín dụng thấp làm giảm thu nhập của ngân hàng, tuy nhiên, lãi suất tín dụng thấp thường xảy đồng thời với việc huy động vốn với chi phí thấp, theo đó lợi nhuận của ngân hàng có thể không bị ảnh hưởng lớn.
Báo cáo tài chính năm 2020 của các ngân hàng cho thấy xu hướng tăng nợ xấu và giảm lãi suất không làm giảm lợi nhuận ngân hàng bởi lãi suất đầu vào thậm chí còn giảm nhanh hơn. Các ngân hàng cũng đã xử lý được nợ xấu của giai đoạn trước nên giai đoạn này cũng còn nhiều dư địa để xử lý vấn đề nợ xấu phát sinh.
Trên thực tế, giá cổ phiếu còn ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác ngoài các yếu tố nội tại của mỗi ngân hàng. Thời gian gần đây, giá cổ phiếu của các ngân hàng đang trong chiều hướng tăng liên tục, thậm chí một số ngân hàng còn đạt đỉnh cao mới về giá.
Cùng với đó là ảnh hưởng của phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của ngân hàng thương mại Việt Nam. Giúp ngân hàng tăng cường nguồn thu từ dịch vụ, tăng nguồn vốn tiền gửi không kỳ hạn, cũng như giảm thiểu chi phí hoạt động của các phòng giao dịch, nhân sự, hay phương tiện rút tiền ATM truyền thống.
Tuy nhiên, sự tham gia của các đơn vị trung gian thanh toán khác, hay phương tiện thay thế là tiền ảo cũng là các thách thức đe đọa vị thế của các ngân hàng. Xu hướng này vẫn đang tiếp tục ở cả Việt Nam và quốc tế, và chưa có kết quả rõ ràng. Ngân hàng hiện tại vẫn đang có nhiều lợi thế do có cơ sở khách hàng, công nghệ, và khả năng quản trị rủi ro, mặc dù có nhiều hạn chế trong việc nắm bắt nhu cầu và triển khai nhanh chóng dịch vụ. Tuy nhiên, chúng ta sẽ có cơ hội chứng kiến sự thỏa hiệp của hai hệ thống và người dùng cũng như các nhà cung cấp dịch sẽ hưởng lợi từ sự phát triển này.
Đáng nói, có một xu hướng đáng lưu ý trong năm 2021 là sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư ngoại đến ngành ngân hàng Việt Nam. Theo đó, Việt Nam vẫn đã và đang là một địa chỉ đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế và ngành ngân hàng không nằm ngoài xu hướng đó. Sự ổn định kinh tế vĩ mô, hấp dẫn trong tăng trưởng kinh tế trong thời gian vừa qua, sức hấp dẫn đến từ thị trường gần 100 triệu dân với thu nhập ngày càng tăng, tầng lớp trung lưu ngày càng lớn… là những yếu tố khiến các nhà đầu tư không thể bỏ qua cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Các ngân hàng nước ngoài cũng như các ngân hàng có cổ đông nước ngoài đã và đang kinh doanh với kết quả rất ấn tượng. Cũng không thể không nói đến việc kiểm soát rất tốt dịch bệnh, nâng cao uy tín của Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế.
Hiện nay các giới hạn về sở hữu khiến cho mức độ hấp dẫn trong việc đầu tư giảm đi, nhà đầu tư chưa có nhiều quyền kiểm soát đối với các hoạt động của ngân hàng nên khả năng các giao dịch lớn đáng kể sẽ tương đối hạn chế cho lĩnh vực ngân hàng, và sẽ tập trung vào nhóm các nhà đầu tư quỹ, tổ chức tài chính tìm kiếm lợi nhuận hoặc cơ hội tìm hiểu thị trường.
Cùng với đó, EVFTA và EVIPA cùng nhiều FTAs khác được ký kết mở ra cơ hội cho ngân hàng Việt đón làn sóng nhà đầu tư ngoại, khôi phục đà tăng trưởng sau dịch bệnh.
Việc ký kết EVFTA và EVIPA cùng các hiệp định thương mại song phương, đa phương khác mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ cũng như đầu tư vào các thị trường này. Đồng thời, cũng mang lại một làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để tận dụng các cơ hội kinh doanh mới. Trước những tín hiệu khả quan trong kiểm soát dịch bệnh và những cơ hội lớn đến từ việc ký kết thành công Hiệp định EVFTA, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ hồi phục đà tăng trưởng mạnh mẽ. Bên cạnh việc đem lại cơ hội hợp tác, phát triển cho nhiều các ngành nghề tại Việt Nam.
Tuy nhiên, chúng tôi nhận định rằng trong ngắn hạn, EVFTA dự báo tác động không nhiều đến dòng vốn của EU vào thị trường tài chính - ngân hàng Việt Nam. EU là khu vực này vốn không có nhiều hoạt động đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng trong quá khứ. Một yếu tố quan trọng là khác biệt về trình độ và văn hóa quản trị. Tuy nhiên, trong dài hạn, khi khoảng cách về trình độ quản trị được rút ngắn, với sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam, các ngân hàng Việt Nam sẽ thu hút đươc các nguồn vốn đầu tư từ thị trường này.
Các ngân hàng Việt Nam so với các ngân hàng của EU còn rất hạn chế về quy mô, năng lực, quản lý rủi ro cũng như chuẩn mực hoạt động, quản trị. Chẳng hạn, hiện nay, các ngân hàng mới đang hoàn thiện chuẩn mực Basel II, trong khi các ngân hàng châu Âu đang áp dụng theo Basel III và tiến hành đến Basel IV. Trong bối cảnh năng lực hệ thống ngân hàng như hiện tại thì việc chúng ta tận dụng cơ hội trong tương lai gần sẽ khó khăn.
Tại Việt Nam, Thông tư 41 được ngân hàng Nhà nước ban hành vào năm 2016 và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020 đã tạo động lực lớn thúc đẩy các ngân hàng tại Việt Nam thay đổi và nỗ lực đáp ứng các chuẩn mực quốc tế trong quản lý rủi ro cũng như quản lý vốn theo các chuẩn mực của Ủy ban Basel. Tiếp đó, năm 2018, ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 13 quy định hệ thống kiểm soát nội bộ và quy trình đánh giá nội bộ về mức đủ vốn (ICAAP) tiệm cận với thông lệ theo Trụ cột II của Basel II, với thời hạn tuân thủ cho cấu phần ICAAP là 1/1/2021. Thực tế có nhiều ngân hàng đã rất chủ động trong triển khai Basel II, ứng dụng mô hình phân tích dữ liệu trong quản trị rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro gian lận,… Tuy nhiên, chặng đường để xây dựng một hệ thống quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ vững chắc chỉ đang mới bắt đầu. Bản thân các ngân hàng tại Việt Nam còn phải chuẩn bị rất nhiều về mặt hệ thống, dữ liệu tính toán và các quy trình, quy định liên quan để đáp ứng một cách toàn diện Basel II, cũng như tiến tới triển khai Basel III, Basel IV…
Tại Châu Âu, các ngân hàng đã triển khai Basel II theo phương pháp nâng cao từ năm 2008 và đang trong quá trình hoàn thiện và đáp ứng các chuẩn mực mới của Basel III kể từ 6/2021. Do đó, các ngân hàng này đã đạt được sự trưởng thành về mặt công nghệ và hệ thống cho phép thực hiện các phương pháp quản lý rủi ro hiện đại.
Quá trình hợp tác giữa các tổ chức tín dụng tại Việt Nam và tại các thị trường phát triển sẽ gặp không ít khó khăn, bởi thị trường nói chung và các ngân hàng thương mại Việt Nam nói riêng chưa đạt đến mức độ trưởng thành để có thể tiếp nhận và triển khai ngay các giải pháp từ thị trường phát triển hơn. Để thu hẹp khoảng cách và tận dụng tối đa cơ hội hợp tác, các ngân hàng cần chủ động đầu tư đáng kể để nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi, xây dựng các mô hình định lượng và đào tạo, phát triển nguồn nhân sự có chất lượng tương xứng. Việc đầu tư này nên được hoạch định cụ thể trong các kế hoạch ngắn hạn và chiến lược kinh doanh dài hạn của ngân hàng nhằm khắc phục các khó khăn, thách thức và đón đầu được những lợi ích, cơ hội mà EVFTA và các tổ chức tín dụng lớn tại Châu Âu đem lại.
Kỳ II: Triển vọng phát triển M&A ngành ngân hàng năm 2021
Có thể bạn quan tâm
Những ngành nghề nào nhà đầu tư nước ngoài không được tiếp cận đầu tư?
13:10, 09/04/2021
Nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng đột phá chính sách từ Chính phủ mới
04:00, 09/04/2021
Bộ Công Thương đề xuất bỏ quy định nhà đầu tư nước ngoài tham gia kinh doanh xăng dầu
14:07, 08/04/2021
Singapore dẫn đầu các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
11:00, 29/03/2021