Thuế GTGT với hoạt động thư tín dụng: Quy định cần “dễ hiểu” và “dễ thực thi”

LÊ MỸ 13/05/2021 16:00

Tại tọa đàm, các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng cần bóc tách giữa dịch vụ tín dụng và dịch vụ thanh toán trong hoạt động thư tín dụng của các ngân hàng thương mại, để thực hiện theo pháp luật thuế.

LTS:Tọa đàm trực tuyến “Thuế giá trị gia tăng với hoạt động thư tín dụng” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức chiều ngày 11/5/2021 thu hút đông đảo ý kiến trực tuyến. Chương trình cũng gợi mở nhiều hướng xử lý vấn đề đang gây áp lực tâm lý và gánh nặng tài chính đối với ngân hàng thương mại và doanh nghiệp.

 Các chuyên gia, diễn giả thống nhất: Cơ quan thuế có hướng dẫn thực hiện thu thuế GTGT vớip/L/C với mục tiêu phải tách ra hai phần. Ảnh: Quốc Tuấn

Các chuyên gia, diễn giả thống nhất: Cơ quan thuế có hướng dẫn thực hiện thu thuế GTGT với L/C với mục tiêu phải tách ra hai phần. Ảnh: Quốc Tuấn

Văn bản số 1606/TCT-DNL của Tổng Cục thuế (Bộ Tài chính) ngày 22/4/2020 chỉ đạo các Cục thuế địa phương nêu: Từ thời điểm Luật TCTD 2010 có hiệu lực (từ 1/1/2011) thư tín dụng là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán (theo quy định tại Khoản 15 Điều 4 Luật các TCTD 2010), do vậy sẽ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo quy định đã nhận hàng loạt ý kiến trái chiều từ ngân hàng, doanh nghiệp.

Ngân hàng lo...

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch thường trực VCCI cho biết, văn bản này đã ảnh hưởng tới các tổ chức tín dụng và chính doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, đây là nghiệp vụ ngân hàng nhưng thuế GTGT là thuế gián thu vì vậy tạo ra gánh nặng tài chính đối với doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) lại cho rằng quy định trên của Bộ Tài chính chưa phù hợp thông lệ quốc tế và pháp luật chuyên ngành ngân hàng. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể bị truy thu nộp bổ sung tiền thuế GTGT đã phát sinh từ năm 2011 đến nay cho ngân hàng để nộp ngân sách. Điều này, tạo gánh nặng rất lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID -19 diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay.

Ở góc độ cơ quan ban hành và trực tiếp tham gia soạn thảo Công văn 1606, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế khẳng định về mặt pháp luật, văn bản không trái quy định. Theo đó, đại diện cơ quan quản lý Thuế cho biết quy định chỉ thu thuế GTGT trên dịch vụ thanh toán, không trên dịch vụ tín dụng của hoạt động L/C.

Nhìn chung, các chuyên gia, nhà quản lý, ngân hàng đều xác nhận vấn đề gây áp lực của công văn 1606 là bởi còn có những điểm chưa phù hợp như: Việc bóc tách giữa tín dụng – thanh toán để thu thuế chưa rõ ràng; Quy định thu thuế tính từ 2011 đặt ra nhiều vấn đề khó khăn về thời gian, tài chính trong quá trình rà soát và bất khả thi; Trong tương lai, nếu áp dụng không thuận lý, không phù hợp với thông lệ quốc tế và ảnh hưởng đến các cam kết của Việt Nam tại các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia.

Từ tháng 10/2020, Bộ Tài chính cũng đưa ra Dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) lấy ý kiến với quy định điều chỉnh để áp dụng thu thuế GTGT trên giao dịch tín dụng thư (L/C).  Cụ thể tại điểm a, khoản 9, Điều 4, Dự thảo quy định: “Trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thu các loại phí liên quan đến quy trình cấp tín dụng thì các khoản phí này thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Trường hợp các khoản phí không thuộc quy trình cấp tín dụng thì thuộc đối tượng chịu thuế GTGT”. 

Các cơ quan chuyên môn sẽ “hóa giải”

Đối chiếu với thông lệ quốc tế, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cho biết ở Mỹ không có chuyện thu thuế GTGT đối với hoạt động L/C của các ngân hàng mà chỉ thu thuế doanh thu. Ông Hiếu cũng đồng ý bản chất “lưỡng tính” của L/C dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau và theo ông, có thể tính thu thuế GTGT giữa thanh toán – dịch vụ theo hướng 50:50.

Tuy nhiên, hướng gợi mở này theo ông Nguyễn Quốc Hùng và nhiều ý kiến khác, vậy cơ sở nào để “chia” thuế? Pháp luật thuế phải đúng với quy định pháp luật và tạo thuận lợi thương mại, không gây khó cho doanh nghiệp, cho ngân hàng, ông Hùng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Tổng Cục Thuế đồng thuận cho rằng các cơ quan chức năng, chuyên môn sẽ có nghĩa vụ ngồi lại với nhau để xác định và hướng dẫn cụ thể các cấu phần, làm cơ sở tính thuế GTGT của hoạt động L/C.

Hiện NHNN đã triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 775 và đã có văn bản 2032 gửi Bộ Tài chính cùng các cơ quan có liên quan để nêu rõ quan điểm NHNN đối với việc thu thuế GTGT. Được biết, phía Tổng cục Thuế cũng đã có họp bàn để có văn bản trình lên cơ quan quản lý.

Doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng rất mong các cơ quan quản lý sớm ban hành văn bản hướng dẫn về áp dụng định danh trong hoạt động thư tín dụng. Trong đó, cần phân định dịch vụ thanh toán, dịch vụ tín dụng.

Ông Nguyễn Xuân Bắc, Đại diện: Vụ tín dụng - Ngân hàng nhà nước:

Quan điểm cho rằng L/C là hoạt động lưỡng tính, vừa mang tính chất tín dụng và thanh toán. Ngay cả quốc tế khi giới thiệu sản phẩm này ra trên thị trường thanh toán quốc tế đều dùng từ "credit" - không phải "payment". Khi bàn về vấn đề thuế GTGT với L/C, Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc họp với nhiều đại diện như Bộ Tài chính, NHNN, Bộ Tư pháp. Sau đó Văn phòng Chính phủ có Thông báo 755 ngày 29/1 giao BTC nghiên cứu tiếp thu ý kiến tại cuộc họp để thống nhất xử lý theo thẩm quyền.

Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng theo Thông báo 755, NHNN chủ động lấy ý kiến các ngân hàng thương mại để tổng hợp thành một văn bản và đã gửi cho Bộ Tài chính văn bản ngày 29/03/2021 và cũng đồng gửi cho các cơ quan liên quan như VPCP, Bộ Tư pháp…để nêu rõ quan điểm của ngân hàng nhà nước đối với việc thu thuế GTGT.

Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC:

Thu thuế VAT đối với L/C tức là thu thuế đối với bên sử dụng dịch vụ L/C, làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư, hàng hoá, dịch vụ; khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và cạnh tranh của doanh nghiệp. Thu thuế VAT đối với L/C vừa đúng luật lại vừa trái luật. Đúng đối với phần dịch vụ thanh toán, trái đối với phần dịch vụ tín dụng. Vì vậy cần bóc tách riêng từng khoản để áp và không áp thuế VAT, cũng giống như việc không thu thuế đối với lãi suất cho vay, nhưng vẫn thu thuế đối với doanh thu từ phí giải ngân và phí chuyển tiền vay của các tổ chức tín dụng để thanh toán hàng hoá, dịch vụ.

Bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank:

Cần cân nhắc kỹ lưỡng việc áp thuế GTGT đối với các dịch vụ L/C nhằm đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc cơ quan thuế yêu cầu truy thu hồi tố thuế GTGT đối với dịch vụ L/C ngược lại 10 năm kể từ năm 2011 cùng với tiền phạt và lãi chậm nộp là không công bằng, gây xáo trộn đối với hoạt động của các NHTM, do việc thu lại khoản thuế gián thu này từ khách hàng để nộp vào NSNN là không khả thi.

Việc thay đổi cách áp dụng thuế GTGT đối với L/C cần phải được quy định cụ thể tại văn bản pháp quy do Thủ tướng/ Bộ Tài Chính ban hành và cũng chỉ nên áp dụng từ ngày ban hành. Theo đó, tôi xin kiến nghị khoản phí L/C liên quan đến cam kết bảo lãnh thanh toán là đối tượng không chịu thuế GTGT.

Bà Phạm Bích Hồng - Giám đốc điều hành kiêm kế toán trưởng May 10:

May 10 là một trong những doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu rất nhiều. Hình thức L/C thanh toán đang được doanh nghiệp sử dụng khoảng 20% trong số tất cả các giao dịch thanh toán xuất nhập khẩu. Trong số 20% các giao dịch thanh toán liên quan đến L/C đó thì có đến 60% thanh toán hàng xuất. Hiện tại, tháng nào doanh nghiệp cũng kê khai hoàn thuế, một trong những chứng từ kê khai dài nhất là chi phí ngân hàng. Đây là vấn đề cần được cắt giảm để tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

LÊ MỸ