Thúc đẩy trải nghiệm lợi ích của thanh toán điện tử
Nhiều ngân hàng như Sacombank, VietinBank, HDBank, Vietcombank, Agribank, các đơn vị trung gian thanh toán, Fintech và các bán lẻ, doanh nghiệp dịch vụ sẽ tham gia "Ngày không tiền mặt 2021".
Theo Ngân hàng Nhà nước công bố, chuỗi sự kiện của Ngày không tiền mặt năm 2021 tiếp tục góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các Đề án của Chính phủ (Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) giai đoạn 2016-2020; Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công); đồng thời triển khai Quyết định số 810/QĐ-NHNN của NHNN ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Chương trình năm nay được tổ chức trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, cả nước đang chung tay phòng chống dịch nên Ban tổ chức cùng với các đơn vị đồng hành thống nhất tập trung cho các hoạt động online. Trong đó, rất nhiều chính sách ưu đãi dành cho người tiêu dùng trong dịp này, với sự tham gia của nhóm các ngân hàng như Sacombank, Vietinbank, HDbank, Vietcombank, Agribank, nhóm các đơn vị trung gian thanh toán và Fintech như Napas, VISA, JCB, ShopeePay, Momo, ZaloPay, VNPay, các đơn vị bán lẻ, doanh nghiệp dịch vụ như Saigon Co.op, VietjetAir…(xem chi tiết trên Ngaykhongtienmat.tuoitre.vn). Thông qua các chương trình, chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt sẽ tạo cơ hội cho người dân trên cả nước, đặc biệt là giới trẻ, công nhân, người thu nhập trung bình thấp được trải nghiệm và thấy rõ hơn lợi ích của các phương tiện thanh toán điện tử mang lại, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến rất phức tạp.
Trong hoạt động TTKDTM, Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã phối hợp với các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp và đã đạt được một số kết quả nổi bật, cụ thể như:
Thứ nhất, khuôn khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán tiếp tục được hoàn thiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi ứng dụng công nghệ mới, hiện đại để phát triển TTKDTM. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm 2020, đầu năm 2021, NHNN đã (i) ban hành và triển khai Thông tư 16/2020/TT-NHNN hướng dẫn về việc mở tài khoản tài khoản thanh toán với nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC) (ii) trình Chính phủ ký ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ nhằm góp phần phát triển hoạt động TTKDTM, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam; (iii) trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về TTKDTM; (iv) trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng; (v) ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 07/01/2021 tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong hoạt động thẻ ngân hàng; (vi) và ký kết Quy chế phối hợp giữa NHNN, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an trong công tác quản lý nhà nước đối với việc thực hiện thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ; (vii) ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng (NH) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; (viii) Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, NHNN hiện đang tập trung hoàn thiện dự thảo Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025.
Thứ hai, tiếp tục phát triển hạ tầng thanh toán nhằm thúc đẩy TTKDTM, thể hiện trên các mặt sau: (i) Hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử, tiếp tục được chú trọng đầu tư, mở rộng và phát huy hiệu quả. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, được vận hành ổn định, thông suốt và an toàn; Hệ thống ATM, POS tiếp tục hoạt động ổn định, được các ngân hàng quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ; (ii) Các ngân hàng đã ứng dụng nhiều công nghệ đột phá vào hoạt động nghiệp vụ để đưa ra các sản phẩm, dịch vụ hiện đại, thân thiện, tiện lợi mang lại trải nghiệm và lợi ích thiết thực cho khách hàng như eKYC, QR code, thanh toán không tiếp xúc,... ; đồng thời, từng bước xây dựng hạ tầng số tập trung, chuẩn hóa, tích hợp tạo hệ sinh thái số trải rộng như: hệ sinh thái mobile banking kết nối với dịch vụ công, tài chính, viễn thông, điện lực, giao thông, y tế…; (iii) Nhằm thúc đẩy TTKDTM trong lĩnh vực dịch vụ công, NHNN đã hoàn thiện hành lang pháp lý, chỉ đạo toàn ngành ngân hàng tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là đẩy mạnh triển khai kết nối, tích hợp thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG). NHNN đã chỉ đạo Công ty Cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam- NAPAS (với vai trò là tổ chức chuyển mạch), cho phép kết nối thanh toán trực tiếp qua Cổng DVCQG với tất cả các tổ chức tín dụng/trung gian thanh toán có nhu cầu. Nhờ đó, thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công đã mở rộng về số lượng dịch vụ triển khai, về quy mô xử lý và chất lượng dịch vụ.
Thứ ba, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 song hoạt động TTKDTM tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao. Tính đến cuối tháng 4/2021 có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động; toàn thị trường hiện có khoảng hơn 271 nghìn POS và hơn 19 nghìn ATM. Tính đến cuối tháng 4/2021 giao dịch qua kênh Internet tăng tương ứng 65,9% về số lượng và 31,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 86,3% về số lượng và 123,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; giao dịch qua kênh QR tăng tương ứng 95,7% về số lượng và 181,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh đó, các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán trực tuyến vẫn tiếp tục được NHNN và các TCTD triển khai thực hiện nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu thanh toán trực tuyến và góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đối phó với dịch bệnh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân.
Trong bối cảnh hiện nay, việc thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện đang là chính sách ưu tiên của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Để thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, truyền thông giáo dục tài chính đóng một vai trò quan trọng, phối hợp đồng bộ với các trụ cột khác như xây dựng hành lang pháp lý, hoàn thiện cơ sở hạ tầng tài chính, phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối, sản phẩm, dịch vụ tài chính, ứng dụng công nghệ số…
Trong hoạt động truyền thông truyền thống trước đây, các hình thức truyền thông được sử dụng còn khá đơn giản, chưa thực sự đa dạng, phong phú, thiếu sự tương tác với công chúng. Đây chính là rào cản không nhỏ dẫn đến việc người dân chưa thay đổi được nhận thức và hành vi trong tiếp cận được các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Theo bà Lê Thị Thúy Sen - Vụ trưởng Vụ Truyền thông (NHNN), có 4 cái khó đặt ra cho hoạt động truyền thông giáo dục tài chính là “khó nhớ - khó tiếp thu - khó áp dụng - khó lan tỏa” điều này xuất phát từ đặc thù của thông tin về sản phẩm, dịch vụ tài chính-ngân hàng thường mang tính học thuật, bên cạnh đó là sự hạn chế của những kênh truyền thông truyền thống thường một chiều, thiếu tương tác và lan tỏa. Theo bà Sen, để hóa giải những khó khăn trên, truyền thông giáo dục tài chính của NHNN đã áp dụng giải pháp “4 dễ”, bao gồm: “dễ hiểu - dễ nhớ - dễ làm - dễ lan tỏa”, để công chúng dễ dàng nắm bắt, áp dụng vào thực tiễn và có tính lan tỏa trong cộng đồng.
Bà Sen cũng cho biết thời gian qua, triển khai các Đề án của Chính phủ và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, NHNN đã chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều hoạt động truyền thông giáo dục tài chính sáng tạo, ấn tượng và để lại dấu ấn trong lòng công chúng như chương trình “Tiền khéo, tiền khôn”, “Những đứa trẻ thông thái”, “Đồng tiền thông thái”, mới đây nhất là chương trình “Tay hòm chìa khóa” (phát sóng 20h55 thứ Sáu hàng tuần trên kênh VTV1)… Bên cạnh đó, NHNN cũng đã phối hợp với các trường Đại học, Trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội tổ chức cuộc thi “Hiểu đúng về tiền”. Đây là cuộc thi nhằm trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng về tài chính, ngân hàng, TTKDTM, góp phần nâng cao hiểu biết về đồng tiền Việt Nam, nâng cao hiểu biết của đối tượng sinh viên về các sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng, hạn chế tín dụng đen…Thông qua các chương trình truyền thông này, nhận thức và thói quen của người dân về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đã thay đổi rõ nét, nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, từ đó góp phần thúc đẩy TTKDTM, hạn chế tín dụng đen và thực hiện các mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Theo ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), để thúc đẩy TTKDTM, trong thời gian tới, NHNN tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh TTKDTM trong nền kinh tế, như: Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động thanh toán, trong đó, tập trung hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định mới về TTKDTM và tổ chức triển khai; xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng; Trình Thủ tướng ban hành Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025 và phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu tại Đề án; Phối hợp các Bộ, ngành liên quan triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money); Triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Tiếp tục chỉ đạo nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, mở rộng phát triển Hệ thống bù trừ điện tử tự động cho các giao dịch thanh toán bán lẻ (ACH) tại Việt Nam theo hướng mở rộng sản phẩm dịch vụ và mở rộng kết nối các ngân hàng, trung gian thanh toán các đơn vị cung cấp dịch vụ; Hỗ trợ chuyển đổi số trong ngành ngân hàng nhằm thúc đẩy, tạo thuận lợi các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, bảo mật, tiện ích, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong kỷ nguyên số; Tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành ngân hàng; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng; đồng thời đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng.
Đối với hoạt động truyền thông, bà Lê Thị Thúy Sen chia sẻ, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai truyền thông giáo dục tài chính với nhiều hình thức sáng tạo, đổi mới và hiện đại. Theo đó, đối tượng mục tiêu của truyền thông giáo dục tài chính thời gian tới là giới trẻ, đồng bào khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những người ít có điều kiện tiếp cận thông tin tài chính ngân hàng, các đối tượng yếu thế trong xã hội. Mục tiêu mà NHNN hướng tới khi triền khai truyền thông giáo dục tài chính là: Mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng - tài chính của người dân, bảo vệ người tiêu dùng tránh các rủi ro không đáng có khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng – tài chính, hạn chế việc người dân phải tìm đến các kênh cung ứng dịch vụ tài chính phi chính thức, nhằm hạn chế tín dụng đen, thúc đẩy TTKDTM, thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng.
Chuỗi hoạt động của chương trình Ngày không tiền mặt từ 14/6-30/6/2021, được tổ chức bởi Vụ Thanh Toán (NHNN), Vụ Truyền thông (NHNN), phối hợp cùng báo Tuổi trẻ và Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM).
Có thể bạn quan tâm
Thanh toán không tiền mặt: Chỉ thuận tiện chưa đủ!
12:45, 12/06/2020
VIB tích cực đưa ra các giải pháp thanh toán không tiền mặt
16:10, 11/06/2019
Nhiều doanh nghiệp “chuyển mình” bằng thanh toán không tiền mặt
00:09, 23/06/2020
Thanh toán không tiền mặt tăng mạnh sau dịch COVID-19
06:06, 23/06/2020