Ồ ạt trái phiếu ngân hàng giá rẻ, ai mua?
Lãi suất trái phiếu của các ngân hàng nhóm Big 4 cao hơn gấp gần 2 lần lãi suất trái phiếu của các ngân hàng còn lại thuộc khối tư nhân.
Thị trường đang chứng kiến mặt bằng lãi suất trái phiếu từ một nhóm ngân hàng thương mại giảm xuống mức rất thấp, dưới 4,2%.
Phân hóa theo lãi suất
Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh phát hành trái phiếu trong 2 tháng gần đây và cả đầu tháng 6/2021. Sự phân hóa của các đợt phát hành thể hiện trên 2 nhóm lãi suất.
Nhóm 1 có mức lãi suất trái phiếu hành từ 6-7,8%/năm, mục đích phát hành nhằm tăng vốn cấp 2, như: VietinBank với 2 đợt huy động 1.585 tỷ đồng, lãi suất 6,47- 6,7%/năm; BIDV với 2 lô trái phiếu huy động 1.800 tỷ đồng, lãi suất từ 6,33- 6,9%/năm...
Nhóm 2 là các ngân hàng TMCP phát hành riêng lẻ huy động trái phiếu nhằm tăng vốn để phục vụ nhu cầu cho vay, lãi suất từ 3,7- 4,2%/năm, như SHB huy động 1.000 tỷ đồng trái phiếu lãi suất 3,8%/năm. TPBank huy động 2.600 tỷ đồng trái phiếu lãi suất từ 3,8-4,1%/năm... Tất cả các mức lãi suất trái phiếu trên đều thấp hơn lãi suất huy động 12- 24 tháng tại các ngân hàng này.
Ai là trái chủ?
Thực tế trên cho thấy các ngân hàng lớn chấp nhận phát hành trái phiếu kỳ hạn dài, lãi suất cao, trong khi nhóm còn lại thuộc khối tư nhân, lại phát hành được trái phiếu kỳ hạn ngắn, lãi suất thấp. Đây là một nghịch lý vì khi các ngân hàng đều phát hành trái phiếu riêng lẻ, không có tài sản bảo đảm (TSĐB), thì “TSĐB” lớn nhất chính là uy tín của các ngân hàng- lẽ ra lãi suất sẽ được thị trường trả giá theo hướng ngược lại.
Nhưng điều tưởng như nghịch lý ở trên, lại trở nên dễ hiểu khi hầu hết người mua trái phiếu của các NHTM tư nhân trên đều là Công ty chứng khoán– nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp. Và các công ty này đều có mối liên hệ trực tiếp với ngân hàng hoặc lãnh đạo ngân hàng.
Ví dụ như người mua trái phiếu SHB là hai công ty chứng khoán trong nước và tổ chức tư vấn, đại lý phát hành và tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu đều là Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội. Hay như người mua trái phiếu TPBank là 2 Công ty chứng khoán và tổ chức đăng ký và lưu ký trái phiếu TPBank là Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong (TPS)…
Thực tế trên thể hiện mối liên thông vốn đặc biệt giữa các chủ thể tài chính - ngân hàng, đang cho thấy nhiều điều và sẽ còn kéo dài.
Có thể bạn quan tâm
Ngân hàng "đổi vai" trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp
05:25, 10/06/2021
Sẽ siết dòng tiền vào trái phiếu doanh nghiệp bất động sản?
05:30, 11/05/2021
Trái phiếu xanh của BIM Land hay cơ hội vốn mới của doanh nghiệp Việt?
05:15, 07/05/2021
Doanh nghiệp bất động sản “áp đảo” phát hành trái phiếu
04:00, 04/05/2021
Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp tăng?
11:00, 06/06/2021