8 giải pháp điều hành chính sách tiền tệ những tháng cuối năm 2021
Trong báo cáo cập nhật hoạt động ngân hàng mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra 8 giải pháp điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) những tháng cuối năm 2021.
Một là, điều hành CSTT linh hoạt, duy trì thanh khoản hệ thống, đồng bộ hóa các giải pháp tiền tệ, tín dụng, thanh khoản để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Theo dõi sát diễn biến lạm phát và thị trường trong và ngoài nước để chuẩn bị phương án điều hành (có tính đến độ trễ chính sách) nếu lạm phát tăng nhanh hơn dự kiến.
Hai là, lãi suất được điều hành phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT tạo điều kiện để giảm lãi suất vay cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Trong điều kiện áp lực lạm phát còn có khả năng kiểm soát, giữ ổn định lãi suất điều hành để ổn định mặt bằng lãi suất thị trường; chỉ đạo tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất các khoản vay cũ và mới.
Ba là, điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt phù hợp với diễn thị trường, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu CSTT, phối hợp đồng bộ các công cụ CSTT.
Bốn là, tiếp tục thực hiện điều hành tín dụng theo chỉ tiêu định hướng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu. NHNN sẽ định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh; trong đó ưu tiên TCTD giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Các TCTD phải tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cần được kiểm soát chặt chẽ, tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng. Ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, góp phần hạn chế tín dụng đen. Chỉ đạo các TCTD triển khai tích cực các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người đi vay theo Thông tư 01 và Thông tư 03.
Năm là, các TCTD tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Sáu là, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động thanh toán, trong đó, tập trung xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng; triển khai Nghị định mới về TTKDTM. Phối hợp triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money) và triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Bảy là, tập trung chỉ đạo cơ cấu lại các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống các TCTD. NHNN tiếp tục tăng cường năng lực tài chính cho các NHTMNN, bảo đảm vai trò chủ đạo của các ngân hàng này trong hệ thống các TCTD.
TCTD được chỉ đạo tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng; tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Các ngân hàng theo dõi sát tình hình, diễn biến nợ xấu để xây dựng các phương án xử lý nợ xấu phù hợp trong giai đoạn 2021-2025. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14.
Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổng kết tình hình thực hiện Đề án 1058, nghiên cứu, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 để tiếp tục hỗ trợ các TCTD tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất và đồng bộ về cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, hỗ trợ các TCTD trong giai đoạn tiếp theo.
Tám là, tiếp tục tăng cường, đổi mới công tác thanh tra theo hướng thanh tra pháp nhân, gắn kết chặt chẽ với công tác giám sát, từng bước kết hợp và áp dụng phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro. Công tác giám sát an toàn vĩ mô và vi mô tiếp tục nâng cao hiệu quả cảnh báo sớm nhằm ngăn ngừa, hạn chế rủi ro trong hoạt động của TCTD. Đồng thời, tiếp tục tăng cường giám sát chất lượng tín dụng, việc cấp tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, tình hình tăng trưởng tín dụng, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, các khoản cấp tín dụng lớn.
Có thể bạn quan tâm
Cần chế tài về dự án không có bảo lãnh ngân hàng
03:00, 25/07/2021
Ngân hàng đã miễn giảm lãi hơn 18 nghìn tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp
05:37, 24/07/2021
Dự thảo mô hình đại lý cho ngân hàng: Nhiều ý kiến trái chiều
05:00, 21/07/2021
Kỳ vọng nới thêm room tín dụng cho ngân hàng quý cuối năm
05:00, 21/07/2021
Ngân hàng Nhà nước 6 năm dẫn đầu chỉ số Cải cách hành chính
17:40, 24/06/2021
Vì sao Ngân hàng Nhà nước giảm mua ngoại tệ?
11:00, 19/06/2021