Nợ xấu tiềm ẩn từ cho vay tiêu dùng
Các ngân hàng thương mại tiếp tục đem bán đấu giá các khoản cho vay tiêu dùng. Nếu không quản trị tốt, đây sẽ là những khoản nợ xấu tiềm ẩn trong nay mai...
Rao bán từ cổ phiếu đến nhà đất
VietinBank thông báo bán khoản vay tiêu dùng của 36 cá nhân để thu hồi nợ với tổng giá trị hơn 614 triệu đồng. Khoản vay lớn nhất có giá trị hơn 21,3 triệu đồng và nhỏ nhất là hơn 1,1 triệu đồng. Giá khởi điểm không bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu/ sử dụng tài sản và các chi phí khác (nếu có) khi thực hiện mua khoản nợ, các chi phí này do người trúng đấu giá chịu. Phương thức bán là bán từng khoản nợ, một số khoản nợ hoặc tất cả các khoản nợ. Ngân hàng sẽ lựa chọn người mua trả giá cao nhất và ít nhất bằng giá khởi điểm từng khoản nợ. Các khoản nợ vay tiêu dùng có nghĩa vụ thanh toán cho VietinBank theo các hợp đồng tín dụng đã ký.
Được biết, vào tháng 5, VietinBank cũng từng rao bán 9 khoản nợ vay tiêu dùng của các cá nhân để thu hồi. Khoản vay có giá trị lớn nhất là 16 triệu đồng… Tổng giá trị nợ rao bán là hơn 75,5 triệu đồng. Các khoản vay này không có tài sản đảm bảo.
Sacombank và Công ty Đấu giá Hợp danh Toàn cầu Group vừa rao bán đấu giá khoản nợ của loạt 5 khách hàng gồm Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Bất động sản Quang Vinh, Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Nam Đô Long. Được biết, các khoản nợ này phát sinh theo hợp đồng tín dụng kiêm hợp đồng thế chấp, cầm cố cổ phiếu bảo đảm tiền vay tại Sacombank phát sinh từ năm 2013. Tổng nghĩa vụ của các khoản nợ tính đến đầu tháng 4-2021 là hơn 2.400 tỉ đồng, trong đó vốn 930 tỉ đồng còn lại là lãi tồn đọng.
Tài sản bảo đảm cho khoản nợ là hơn 25,2 triệu cổ phần do Công ty CP Dịch vụ Du lịch Quốc tế tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (Vũng Tàu Intourco) phát hành. Tổng giá trị cổ phần theo mệnh giá phát hành là hơn 252 tỉ đồng. Giá khởi điểm của khoản nợ bán đấu giá là 2.393 tỉ đồng.
Tiếp đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) rao bán là dự án chung cư ở TP HCM, trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7. Tài sản bán đấu giá là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc dự án nói trên, diện tích sử dụng 19.639m2. Tài sản gắn liền với đất gồm những hạng mục chính như khu cao ốc 22 tầng, khu cao ốc 25 tầng, khu biệt thự 5 căn… Đây là tài sản thế chấp, được ngân hàng thu giữ bán để thu hồi nợ vay.
Theo các chuyên gia, hoạt động rao bán các khoản nợ vẫn được các ngân hàng triển khai suốt thời gian qua. Việc rao bán khoản nợ vay tiêu dùng là một trong những nghiệp vụ bình thường của ngân hàng theo quy định để xử lý, thu hồi nợ. Có những khoản nợ chưa xấu nhưng ngân hàng có nhu cầu vẫn được rao bán. Về giá bán khởi điểm bằng giá trị sổ sách là mong muốn của ngân hàng thu hồi nợ, trong trường hợp không bán được, ngân hàng sẽ tính toán để hạ giá những lần tiếp theo.
Nhiều Công ty Tài chính cho rằng, việc rao bán các khoản nợ vay tiêu dùng theo quy định cũng được doanh nghiệp thực hiện thường xuyên. Đây là một nghiệp vụ trong quá trình xử lý nợ. Khi có nhu cầu thu hồi vốn cho hoạt động kinh doanh, các công ty tài chính, ngân hàng sẽ rao bán khoản nợ vay …
Cần quản trị rủi ro
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), cho biết đến cuối tháng 3-2021 dư nợ cho vay phục vụ đời sống đạt 1,867 triệu tỉ đồng, tăng 1,2% so với cuối năm ngoái. Dư nợ cho vay phục vụ đời sống không bao gồm cho vay liên quan đến nhà ở là 760.302 tỉ đồng, tăng 1,35% so với cuối năm 2020.
NHNN đã xếp cho vay tiêu dùng vào nhóm lĩnh vực cần tăng cường quản lý rủi ro. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn hệ thống đã xử lý được 716,7 nghìn tỉ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ xấu do các tổ chức tín dụng tự xử lý chiếm tỉ lệ lớn với 566,3 nghìn tỉ đồng, nợ xấu bán cho VAMC là 139,9 nghìn tỉ đồng. Chỉ có 1,47%, với 10,5 nghìn tỉ đồng nợ xấu được bán cho các tổ chức và cá nhân khác.
Nhiều chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng khi dư nợ cho vay tiêu dùng chiếm tỉ trọng lớn trong tổng dư nợ cho vay thì ngân hàng mới đáng rao bán khoản nợ vay tiêu dùng. Thực tế, hầu hết khoản vay tiêu dùng rất nhỏ, chỉ vài triệu đến vài chục triệu đồng/khách vay. Ngân hàng đã đòi mà không thu hồi được nợ, có thể xem là mất trắng. Do đó, việc bán khoản nợ vay tiêu dùng bằng với giá trị sổ sách là chuyện khó có thể thực hiện được.
Hiện các khoản nợ cho vay tiêu dùng thường không có tài sản đảm bảo. Ngân hàng đã dùng nhiều biện pháp mà không đòi được nên buộc phải bán. Nếu ngân hàng không quản trị tốt,sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro từ các khoản nợ này.
Năm 2020-2021, nền kinh tế Việt Nam chịu tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19, trong đó thị trường tài chính tiêu dùng cũng chịu ảnh hưởng khi nhu cầu mua sắm, tiêu dùng giảm mạnh trong thời gian giãn cách xã hội. Tuy nhiên nếu không kiểm soát tốt dịch bệnh, nền kinh tế Việt Nam khó hồi phục thì các khoản cho vay tiêu dùng sẽ là gánh nặng của ngân hàng trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm